Trường hợp người dân tiêm mũi 1 vaccine COVID-19, sau đó di chuyển đến địa phương khác có được đăng ký tiêm mũi 2 vaccine ở địa phương di chuyển đến hay không và thủ tục để đăng ký tiêm bao gồm những gì?
Giải đáp về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, trong trường hợp người dân đã tiêm mũi 1, sau đó di chuyển đến địa phương khác chỉ cần đăng ký tiêm mũi 2 trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn hoặc qua app Sổ sức khỏe điện tử để trên hệ thống ghi nhận thông tin đăng ký tiêm.
Thủ tục đơn giản
Theo ông Nguyễn Trường Nam, trước đây, chúng ta tiêm theo kế hoạch. Vì thế, người dân đã tiêm mũi 1 vaccine di chuyển sang địa phương khác, muốn tiên mũi 2 phải báo cơ quan, tổ chức, địa phương mình có văn bản gửi địa phương nơi đến hỗ trợ lập danh sách kế hoạch tiêm mũi 2. Khi đến lịch tiêm mũi 2, địa phương nơi cư trú sẽ thông báo lịch tiêm mũi 2.
“Tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang tiến tới triển khai tiêm đại trà cho toàn dân. Vì thế, người dân hoàn toàn có thể vào Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn hoặc qua app Sổ sức khỏe điện tử để đăng ký tiêm mũi hai ở tại cơ sở tiêm mà mình mong muốn”, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nam, để việc tiêm chủng được nhanh chóng, chính xác, người đã tiêm mũi 1 vẫn cần mang theo Giấy chứng nhận đã tiêm mũi 1 vì hiện tại nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện, nhiều cơ sở tiêm chưa nhập dữ liệu kịp thời, nhiều người dân dù đã tiêm nhưng vẫn chưa được thể hiện đầy đủ thông tin trên hệ thống Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng.
Việc mang theo Giấy chứng nhận đã tiêm mũi 1 sẽ giúp cơ sở thực hiện tiêm mũi 2 nắm được thông tin tiêm chủng, cập nhật chính xác thông tin trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, giúp hệ thống liên thông xác nhận người đó đã tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19, dù tiêm ở hai địa phương khác nhau, ông Nam nhấn mạnh.
Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, qua giám sát thực tế điểm tiêm và phản ánh của người dân, Sở Y tế Thành phố ghi nhận một số nơi từ chối tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 tiêm tại địa phương khác. Ngay sau đó, Sở Y tế Thành phố đã có công văn khẩn nhắc nhở các đơn vị tiêm chủng không từ chối tiêm mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 được tiêm ở địa phương khác.
Không phải tiêm lại từ đầu
Theo các chuyên gia y tế, những khuyến cáo về mốc thời gian (khoảng cách giữa hai mũi tiêm) mà nhà sản xuất đưa ra là mốc lý tưởng nhất, trong bối cảnh dồi dào và sẵn nguồn vaccine. Tuy nhiên, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo cũng không khiến người dân phải tiêm lại từ đầu.
Đến nay, chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu. Khi được tiêm mũi 1, người được tiêm đã được bảo vệ ở một mức độ an toàn nhất định. Việc chậm trễ tiêm vaccien COVID-19 trong một khoảng thời gian nhất định, đến mũi tiêm sau vẫn tiếp tục duy trì hiệu quả của vaccine.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, kể cả khi người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K, bởi sau tiêm vaccine vẫn có khả năng mắc bệnh và lây lan bệnh cho người khác vì không vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%.
Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến chiều 24/9, cả nước đã thực hiện tiêm được gần 36,9 triệu liều vaccine COVID-19.
Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 47 đợt vaccine, trong đó, ngày 19/9 là đợt phân bổ nhiều nhất với 8 triệu liều vaccine trong 1 đợt. Đến ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết khoảng 50,2 triệu liều vaccine được phân bổ cho các địa phương.
Trong hai ngày 22 - 23/9, một số lô vaccine COVID-19 đã với tổng số hơn 1 triệu liều đã về Việt Nam.
(Nguồn: TTXVN)