Để giúp doanh nghiệp giữ được nhịp sản xuất trong đại dịch COVID-19, một số nhà máy tại TP HCM và tỉnh Bình Dương đã dựng lều trại cho công nhân ở lại.
TP HCM và Bình Dương là hai địa phương có số lượng khu công nghiệp, công nhân nằm trong tốp đầu cả nước. Cụ thể, TP HCM có 1,6 triệu công nhân và lao động, trong đó 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và một khu công nghệ cao hơn 320.000 người. Bình Dương với 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với 1,2 triệu lao động. Không chỉ vậy, nhiều ca nhiễm COVID-19 tại TP HCM và Bình Dương chủ yếu được phát hiện ở các công ty, nhà máy và khu trọ tập trung nhiều công nhân.
Do đó, một số nhà máy, khu công nghiệp tại 2 địa phương này đã chuẩn bị phương án cho lao động ăn ở, làm việc tại chỗ.
Trong 1 tuần trở lại đây, Công ty cổ phần công nghiệp cao su miền Nam ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương) đã dựng những căn lều 3m2 cho 480 công nhân để họ tiện ở lại ăn ở, ngủ nghỉ. Không chỉ vậy, những phần đất trống còn được nhà máy cải tạo thành các sân tập thể thao để đội ngũ công nhân rèn luyện sức khoẻ.
Ông Hoàng Vĩnh Phúc, Phó giám đốc xí nghiệp cho hay sau khi thị xã Tân Uyên giãn cách theo Chỉ thị 16, Ban Giám đốc đã họp và lên kế hoạch cho toàn bộ lao động ăn ở lại nhà máy duy trì sản xuất từ 2-3 tuần.
Tất cả công nhân nam ở trong các lều cắm trại, 24 lao động nữ được bố trí ở khu ký túc xá dành cho chuyên gia. Mỗi người được cấp một ổ điện, quạt máy, chăn, gối, mền... Nhà máy còn mua đồ dùng, lều bạt, dọn dẹp nhà kho, dựng khu lưu trú, lắp nhà vệ sinh, nơi tắm giặt, móc phơi áo quần để giúp sinh hoạt của công nhân được thuận tiện hơn. Ngoài miễn phí 3 bữa ăn chính, 2 bữa phụ, mỗi lao động còn được nhà máy hỗ trợ 150.000 đồng mỗi ngày.
Tương tự tại TP HCM, nơi có hơn 3.800 ca nhiễm trong đợt dịch COVID-19 thứ tư, một số nhà máy ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) cũng bắt đầu thực hiện phương án "3 tại chỗ" trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Cụ thể, nhà máy Nipro Việt Nam bố trí cho 400 công nhân ở tại xưởng để ổn định sản xuất. Công ty TNHH phần mềm FPT (FPT Software) cho phép nhân viên văn phòng làm việc ở nhà, số khác ở lại trụ sở công ty.
Bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao cho hay những nhà máy bố trí lao động ở lại phải có phương án cụ thể gửi lên ban quản lý đánh giá, thẩm định, đáp ứng yêu cầu mới được thực hiện. "Những nhà máy không xây dựng phương án phòng dịch, xử lý khi xuất hiện ca nhiễm phải ngừng sản xuất", bà Loan nói và cho biết một số nhà máy không đủ điều kiện để lao động ở lại sẽ chọn phương án thuê nơi lưu trú bên ngoài công ty.
(Nguồn: Ngày Nay)