Bám sát Quyết định số 1008 ngày 2/6/2016 và Kế hoạch số 5171 ngày 5/12/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến 2025”, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham mưu UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) ban hành Kế hoạch số 05 ngày 9/1/2017 về thực hiện đề án này.
Theo đó, Phòng GD&ĐT tổ chức tuyên truyền đề án đến các địa phương, cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh DTTS.
Cùng với đó, UBND huyện và ngành GD&ĐT huyện tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân về tài liệu học tập, kinh phí để xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho lớp mầm non, đảm bảo tất cả các lớp 5 tuổi có phòng học được xây kiên cố, bán kiên cố, thiết bị phục vụ chăm sóc giáo dục trẻ. Đến nay, 100% nhóm, lớp có sân chơi, đồ chơi cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đakrông Nguyễn Sỹ Huấn cho biết, trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ là người DTTS trước khi vào lớp 1, các trường học lồng ghép dạy tiếng Việt vào các hoạt động thực hiện chương trình giáo dục mầm non và tăng cường cho học sinh vào lớp 1 học 2 tuần đầu trước khi vào học chương trình chính thức của năm học mới, khoảng từ 23/8 đến 3/9.
Nội dung dạy học được các đơn vị thực hiện theo chương trình giáo dục mầm non, đồng thời giúp học sinh mới vào lớp 1 làm quen môi trường học tập như giao lưu với bạn trong lớp bằng cách giới thiệu tên, địa chỉ, sở thích cũng như giới thiệu cho các em biết về trường, lớp, thầy cô, làm quen nền nếp, nội quy lớp học, ký hiệu trên bảng lớp cho học sinh biết để thực hiện theo yêu cầu của giáo viên. Mặt khác, rèn cho học sinh thói quen xin phép khi ra vào lớp, giao tiếp với thầy cô, bạn bè, cách trả lời, cách làm việc nhóm để các em tiếp cận được vốn từ tiếng Việt.
Về tài liệu học tập, các trường học, nhóm lớp sử dụng chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT ban hành cũng như một số tài liệu đảm bảo chất lượng do cơ sở giáo dục tự biên soạn để tăng cường tiếng Việt cho học sinh người DTTS. Chọn giáo viên mầm non, giáo viên được phân công chủ nhiệm lớp 1 có kỹ năng sư phạm tốt, chuẩn về kiến thức đào tạo, có kinh nghiệm giảng dạy trẻ DTTS và thường xuyên được tập huấn tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ.
Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, giáo viên, học sinh tiểu học DTTS vẫn còn một số khó khăn như chưa có chế độ chính sách địa phương để hỗ trợ cho giáo viên cũng như tài liệu hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ còn ít; vốn tiếng DTTS của giáo viên còn hạn chế nên việc giáo dục trẻ chất lượng chưa cao.
Với đặc thù là huyện miền núi, địa bàn trường rộng, trong lúc đó tỉ lệ giáo viên trên lớp chưa đảm bảo nên gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và tổ chức dạy học. Đời sống của phụ huynh còn gặp nhiều khó khăn, khả năng sử dụng tiếng Việt còn hạn chế nên việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình để tăng cường tiếng Việt tại nhà cho trẻ hiệu quả chưa cao.
Đối với trẻ 3 tuổi mới bước vào trường, đa số trẻ chưa nói được tiếng Việt và không hiểu tiếng phổ thông, trong lúc đó, giáo viên người DTTS khả năng sử dụng, phát âm tiếng Việt chưa chuẩn nên khi tổ chức cho trẻ hoạt động chưa đảm bảo. Nhiều giáo viên còn sử dụng tiếng dân tộc của mình khi giao tiếp với trẻ và trong quá trình hướng dẫn trẻ học, phần nào ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu tiếng Việt của trẻ.
Ông Nguyễn Sỹ Huấn cho biết thêm, trong thời gian tới, để tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS, Bộ GD&ĐT cũng như các cấp, ngành có liên quan cần sớm ban hành bộ tài liệu hướng dẫn dạy học tăng cường tiếng Việt chuẩn bị cho học sinh vào lớp 1 cũng như tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho giáo viên và học sinh có điều kiện hơn trong dạy và học đối với vùng đồng bào DTTS.
Về phía địa phương, Phòng GD&ĐT huyện Đakrông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự cần thiết của đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS đến các cấp, ngành và người dân ở địa phương nhằm tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Khuyến khích phụ huynh tăng cường giao tiếp bằng tiếng Việt phổ thông cho trẻ tại gia đình.
Tham mưu lãnh đạo các cấp xây dựng thêm phòng học và trang thiết bị học tập phục vụ công tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Tranh thủ các dự án để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và tổ chức bán trú cho trẻ. Bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho giáo viên cũng như tổ chức tốt các mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ hiệu quả.
Phòng GD&ĐT và đơn vị liên quan sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên phù hợp, đảm bảo việc chăm sóc dạy học tại trường mầm non cũng như phối hợp với các ban, ngành, phụ huynh để xây dựng môi trường học tập tiếng Việt cho trẻ. Vận dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt phù hợp với đối tượng vùng miền, lựa chọn nội dung đảm bảo chương trình, phù hợp với khả năng của trẻ. Thường xuyên đánh giá mức độ sử dụng tiếng Việt của trẻ để điều chỉnh phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục trẻ có hiệu quả…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)