Dấu ấn cán bộ công an tăng cường ở các xã biên giới

Diệu Thúy |

Thực hiện chủ trương tăng cường lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ở các cấp công an và xây dựng công an xã chính quy, Bộ Công an đã điều động cán bộ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ về công tác tại công an xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. 

Tại Quảng Trị, có 15 đồng chí thuộc Bộ Công an được điều động về công tác tại các xã miền núi biên giới ở 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị). Vượt qua những khó khăn ban đầu, cán bộ, chiến sĩ tăng cường đã nhanh chóng tiếp cận công việc, góp phần cùng lực lượng công an các xã thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.

Trung úy Nguyễn Đăng Quang, Công an xã A Ngo, huyện Đakrông vốn là cán bộ công tác tại Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an. Thực hiện chủ trương của Bộ Công an tăng cường lực lượng cho các xã trọng điểm miền núi biên giới, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ “sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Đảng và Nhân dân cần đến”, Trung úy Nguyễn Đăng Quang đã tình nguyện xung phong lên đường để trải nghiệm và khẳng định bản thân.

Đại úy Lê Hải Nam (bên phải) tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn xã Thanh -Ảnh: D.T
Đại úy Lê Hải Nam (bên phải) tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn xã Thanh -Ảnh: D.T

“Từ việc chỉ thực hiện một công việc mang tính đặc thù, khi về công tác tại địa bàn cơ sở phải trực tiếp tham mưu, giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, từ công tác quản lý nhân hộ khẩu, giải quyết các thủ tục hành chính đến quản lý địa bàn… vì vậy tôi phải không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Trung úy Nguyễn Đăng Quang chia sẻ. Với nhiệm vụ quản lý địa bàn thôn Kỳ Ne, xã A Ngo, anh thường xuyên tranh thủ thời gian về địa bàn cơ sở để nắm hộ, nắm người; đồng thời tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân. Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình “3 quản”- quản lý chặt chẽ và giúp đỡ các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn.

Cũng giống như Trung úy Nguyễn Đăng Quang, khi có chủ trương của Bộ Công an, Đại úy Lê Hải Nam, cán bộ Cục Đối ngoại, Bộ Công an, đã đăng ký tình nguyện và được phân công về công tác tại Công an xã Thanh, huyện Hướng Hóa. Đây là địa bàn biên giới có gần 10 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Với hơn 95% hộ dân là đồng bào dân tộc Vân Kiều, cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nương rẫy nên vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do địa hình giáp biên, trình độ dân trí thấp nên nảy sinh các vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự như tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy trong thanh thiếu niên, nạn xâm canh xâm cư, qua lại biên giới trái phép hay tình trạng buôn lậu hàng hóa…Vượt qua những khó khăn ban đầu khi phải sống xa nhà, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, Đại úy Lê Hải Nam sớm hòa nhập với môi trường công tác mới. Anh tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của đồng đội và nghiên cứu thêm kiến thức về pháp luật, nghiệp vụ để nắm bắt và vận dụng trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở. Xác định công tác vận động quần chúng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, ngay từ những ngày đầu về xã, anh đã cùng lực lượng công an xã tích cực về địa bàn, đến từng nhà, tìm hiểu phong tục tập quán của bà con dân bản; tuyên truyền, vận động bà con không nghe lời kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia vào các hoạt động truyền đạo trái pháp luật; không tiếp tay cho tội phạm ma túy, buôn lậu qua lại biên giới…

Không có tư tưởng “công tác ngắn ngày”, 15 cán bộ công an các cơ quan trực thuộc Bộ Công an được phân công về công tác tại các xã miền núi biên giới tỉnh Quảng Trị đều xác định đây là nhiệm vụ được tổ chức phân công, là cơ hội để phát huy trình độ nghiệp vụ được đào tạo; đồng thời cũng là trải nghiệm và thử thách để rèn luyện ý chí, bổ sung kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, bởi vậy họ luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Những đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ công an tăng cường về các xã trọng điểm miền núi biên giới đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Bộ Công an về tăng cường lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở với phương châm hành động “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”, qua đó góp phần xây dựng lực lượng công an ngày càng chính quy, tinh nhuệ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hải Lăng chú trọng công tác cán bộ

Ngọc Trang |

Thời gian qua, Đảng bộ huyện Hải Lăng (Quảng Trị) triển khai nhiều giải pháp trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội đảng các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở địa phương.

Cán bộ hội phụ nữ tâm huyết, nhiệt tình

Thanh Lê |

Tròn 12 năm gắn bó với công tác hội, chị Nguyễn Minh Thu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Trường, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) luôn nhiệt tình, tận tâm với các phong trào, hoạt động hội, được mọi người yêu mến.

Chấm dứt việc bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ hàm

T.L |

Ngày 1/4/2022, Ban Bí thư có Kết luận 33-KL/TW về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ giữ chức vụ hàm.

Một cán bộ công đoàn tiêu biểu

Thanh Lê |

Với sự năng nổ, nhiệt tình, luôn đặt lợi ích của đoàn viên lên trên hết, chị Trần Thị Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban nữ công Công đoàn cơ sở (CĐCS) Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã cùng Ban Chấp hành (BCH) công đoàn tổ chức tốt các hoạt động phong trào và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.