Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh có vai trò quan trọng. Đây là hoạt động không thể thiếu ở các trường phổ thông nhằm giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết để định hướng chọn ngành, nghề phù hợp.
Đối với giáo dục Quảng Trị, những năm qua công tác này được chú trọng triển khai thực hiện, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người học, của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, công tác phân luồng học sinh theo học giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được đẩy mạnh, tỉ lệ học sinh học nghề còn thấp. Trong xã hội vẫn còn mang nặng tư tưởng muốn làm “thầy” hơn làm “thợ” mà không chú ý đến năng lực, sở thích của con em.
Từ nay đến năm 2030, mục tiêu giáo dục Quảng Trị hướng tới là 100% trường có cấp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; phấn đấu 100% giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ; 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 30% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Việc phân luồng học sinh sau THCS phải phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh, có cơ hội tiếp tục học tập; tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động có thể tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng với những thay đổi của xã hội.
Đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục mở để tạo cơ hội học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cân đối cơ cấu ngành nghề, phát triển giáo dục gắn với KT-XH, củng cố QP-AN. Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với người học và gia đình. Tăng cường sự tham gia của các cơ quan thông tin đại chúng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội, internet...
Mặt khác, cần hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT lựa chọn chương trình giáo dục phù hợp, thuận lợi trong chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời; liên thông giữa các trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp và cấp học cao hơn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, khai thác có hiệu quả tài nguyên giáo dục mở, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa phù hợp với quy hoạch của tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhân rộng, biểu dương các mô hình giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh có hiệu quả ở các trường, địa phương.
Làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông là tiền đề thúc đẩy phân luồng trong giáo dục nghề nghiệp ngày càng hiệu quả, đồng thời tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Việc huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề nghiệp là rất cần thiết, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)