Đẩy mạnh thực hiện các mô hình học tập

Vân Trang |

Sau một thời gian dài triển khai xây dựng, đến nay các mô hình học tập, đặc biệt là mô hình “Gia đình học học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trên địa bàn tỉnh đã phát triển một cách mạnh mẽ, đem lại hiệu quả rõ nét. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo, phong trào xây dựng xã hội học tập (XHHT) của toàn tỉnh Quảng Trị.

Những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay vào cuộc, hưởng ứng mạnh mẽ của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, vì thế không ngừng lớn mạnh. Các mô hình: “Gia đình học học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” có sự phát triển vững chắc.

Đến nay, số gia đình đăng ký mô hình “Gia đình học tập” liên tục gia tăng cả số lượng lẫn chất lượng. Đáng chú ý, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng cũng mạnh dạn đăng ký xây dựng mô hình “Gia đình học tập” và đã được công nhận. Hiện nay, có 115.530 gia đình đăng ký mô hình “Gia đình học tập” đạt 68,6% tổng số gia đình toàn tỉnh, tỉ lệ gia đình được công nhận “Gia đình học tập” đạt 81,67%.

Gia đình ông Hồ Văn Châng ở bản Cồn, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa tích cực tạo nguồn quỹ khuyến học để xây dựng mô hình “Gia đình học tập” - Ảnh: N.B
Gia đình ông Hồ Văn Châng ở bản Cồn, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa tích cực tạo nguồn quỹ khuyến học để xây dựng mô hình “Gia đình học tập” - Ảnh: N.B

Việc xây dựng mô hình “Gia đình học tập” đã trở thành phong trào sâu rộng và xuất hiện hàng nghìn gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập” xuất sắc. Số gia đình có 100% thành viên có trình độ đại học ngày càng nhiều. Không chỉ ở vùng đồng bằng mà ngay cả những vùng khó khăn, xa xôi hẻo lánh, vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều gia đình cử nhân.

Những năm qua, mô hình “Dòng họ học tập” không những động viên, cổ vũ tinh thần, ý thức học tập trong xã hội mà còn làm xuất hiện đông đảo một đội ngũ cán bộ làm khuyến học tự nguyện có uy tín. Hiện có 1.216 dòng họ đăng ký xây dựng mô hình “Dòng họ học tập”, đạt 63,4% tổng số dòng họ trong toàn tỉnh, tỉ lệ dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập” đạt 70,81%.

Khi mới đăng ký xây dựng mô hình, các dòng họ đã lập ra Ban Khuyến học và hầu như chỉ tập trung vận động quỹ khuyến học để khen thưởng, khích lệ con cháu học giỏi, đỗ đạt cao, hiếu thảo với ông bà, tổ tiên. Dần về sau, các Ban Khuyến học dòng họ đã đưa mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài đi vào chiều sâu.

Ngoài việc khen thưởng, các dòng họ từng bước quan tâm chăm lo đến các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nguy cơ bỏ học để giúp đỡ tiếp tục đến trường; vận động các cháu học giỏi kèm cặp các cháu học kém, tổ chức nhóm tự quản trong giờ tự học. Nhiều dòng họ đã xây dựng tủ sách khuyến học, đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của thành viên dòng họ, đặc biệt là việc học tập của người lớn tuổi. Đến nay, nhiều dòng họ trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, điển hình như dòng họ: Văn Nhất (huyện Hải Lăng), Hoàng Kim (TP. Đông Hà); Trương Quang (huyện Gio Linh); Lê Bá (huyện Triệu Phong)…

Xác định việc xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” có vị trí, vai trò quan trọng trong xây dựng XHHT nên thời gian qua, các cấp hội khuyến học đã thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp thành lập chi hội khuyến học ở toàn bộ các khu dân cư, thôn, bản. Các chi hội khuyến học làm vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp với các tổ chức vận động Nhân dân tham gia đăng ký xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập”.

Đây là mô hình xã hội hóa sâu sắc về công tác khuyến học, khuyến tài nên thu hút nhiều cộng đồng dân cư tham gia. Đến nay, có 712 cộng đồng đăng ký xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” đạt 83,47% tổng số cộng đồng trong toàn tỉnh, tỉ lệ cộng đồng được công nhận “Cộng đồng học tập” đạt 86,47%. Nhiều địa phương có tỉ lệ cộng đồng đăng ký mô hình “Cộng đồng học tập” đạt 100%, tiêu biểu như: TP. Đông Hà và các huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ.

Hiện nay, toàn tỉnh có 527 đơn vị đăng ký xây dựng mô hình “Đơn vị học tập”, đạt 91,65% tổng số đơn vị trong toàn tỉnh, tỉ lệ đơn vị được công nhận “Đơn vị học tập” đạt 89,86%. Tiêu biểu có 5 địa phương gồm: Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, Triệu Phong, TP. Đông Hà, Gio Linh có 100% đơn vị đóng trên địa bàn đăng ký xây dựng mô hình “Đơn vị học tập”.

Trên địa bàn tỉnh có đông đảo các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học... hưởng ứng cuộc vận động và tiến hành thành lập chi hội khuyến học, ban khuyến học tại đơn vị mình. Các chi hội, ban khuyến học này đều xây dựng nguồn quỹ độc lập để chủ động tổ chức khen thưởng, biểu dương các gương sáng hiếu học, hỗ trợ khích lệ những hoàn cảnh khó khăn nhưng vươn lên trong học tập, rèn luyện.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã đa dạng công tác khuyến học, khuyến tài, khuyến khích việc học tập ở người lớn, không ngừng học tập để nâng cao năng lực chuyên môn. Tích cực hưởng ứng, xây dựng mô hình “Công dân học tập”, đẩy mạnh chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị.

Qua một thời gian dài triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trên địa bàn toàn tỉnh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng một XHHT vững mạnh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển trên nhiều lĩnh vực của địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cần ngăn chặn tình trạng đầu độc cây thông diễn ra ở nhiều nơi

Lê An |

Thời gian qua, tình trạng đầu độc nhiều cây thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diễn ra khá phức tạp. 

Hướng Hóa tạo thêm sức cạnh tranh cho cây trồng chủ lực

Khánh Ngọc |

Hướng Hóa (Quảng Trị) là huyện miền núi biên giới có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu thuận lợi phát triển các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, sắn, chuối, cao su…

Để cây cà phê Khe Sanh mang lại giá trị cao hơn

Lê An |

Cây cà phê là cây công nghiệp chủ lực của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê thời gian qua gặp những khó khăn nhất định như quy trình trồng và chăm sóc chưa đồng bộ, chưa khoa học, sản phẩm chủ yếu là cà phê nhân thô nên giá thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cây cà phê.

Sa Mù, bông trời bay trắng cả rừng cây

Hoàng Công Danh |

Một ngày mùa hạ, chúng tôi lên Sa Mù (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Cung đường đèo ngoằn ngoèo ấy tôi cũng đã từng qua mấy lần, và lần nào cũng có cảm giác mới mẻ.