Sau một ngày đêm trên biển, từ Bến Thủy (Vinh, Nghệ An), vượt hơn 150 hải lí, lần thứ hai tôi đặt chân lên đảo Cồn Cỏ, hòn đảo án ngữ phía Đông Bắc tỉnh Quảng Trị.
Vẫn thân thương tên đất, tên người, bãi đá, bờ cát… Tuy nhiên, khác với lần trước, ấn tượng đầu tiên với tôi trong lần trở lại này là cơ sở hạ tầng trên đảo khang trang hơn, cây xanh tươi tốt hơn, đường sá rộng, sạch hơn, tuyệt nhiên không thấy rác thải bừa bãi. Đại úy Lê Việt Hùng, Chính trị viên Tiểu đoàn hỗn hợp Cồn Cỏ giới thiệu: “Cồn Cỏ giờ đây mang dấu ấn đậm nét công tác bảo vệ môi trường!”.
Quả thật, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy băng rôn, khẩu hiệu: “Xây dựng mô hình chống rác thải nhựa tại đảo Cồn Cỏ”. Hỏi ra mới hay, quân dân trên đảo vừa phát động phong trào chống rác thải nhựa trên đảo với các hoạt động thiết thực như: Kí kết mô hình chống rác thải nhựa giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện đảo Cồn Cỏ, các đơn vị lữ hành du lịch hoạt động tại đảo; phát động quân- dân thu gom rác thải nhựa và vệ sinh trên đảo; tập huấn chống rác thải nhựa cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; thả giống gây dựng nguồn lợi hải sản ở Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ…Không còn bỡ ngỡ như lần đầu, điểm đến đầu tiên của tôi là các bãi cát, đá ngầm… Mới đầu giờ sáng nhưng đoạn bờ kè chắn sóng dài khoảng 1km đã có nhiều tốp chiến sĩ trong quân phục chỉnh tề đang chia nhau nhặt rác. Đại úy Lê Việt Hùng cho biết: “Bộ đội đang chuẩn bị vào giờ huấn luyện, tuy nhiên thực hiện mô hình chống rác thải nhựa mới phát động, ngoài định kì tham gia làm sạch đảo theo kế hoạch của UBND huyện đảo, trước giờ huấn luyện hằng ngày, đơn vị chủ động tổ chức cho anh em ra thao trường sớm hơn, dành khoảng thời gian 5-10 phút tỏa ra các vị trí dọc bãi biển nhặt rác thải rồi tập kết về nhà máy xử lí rác thải”.
“Nhà máy xử lý rác thải?”, như hiểu thắc mắc của tôi, Thiếu tá Trần Văn Luận, Phó Tiểu đoàn trưởng dẫn tôi lại công trình còn mới rồi giới thiệu: “Nhà máy xử lí rác thải này thuộc Đề án “Cải thiện môi trường huyện đảo Cồn Cỏ” do tỉnh đầu tư xây dựng cuối năm 2017, bàn giao cho huyện đảo quản lí, khai thác sử dụng từ đầu năm 2018. Tất cả các loại rác sau khi thu gom được phân loại rồi đưa vào nhà máy xử lí triệt để”. Nhân viên phụ trách vận hành nhà máy hay cán bộ, chiến sĩ, công chức, người dân mà chúng tôi gặp ai cũng háo hức: “Chúng tôi mới có thêm một địa chỉ thân quen, và cũng là một “người bạn” đáng yêu, đó là nhà máy này. Bởi trước đây rác thải nhựa khi thu gom xong chỉ chất đống chưa biết xử lí thế nào, là “bài toán” không có lời giải đối với chính quyền huyện đảo, nhưng kể từ khi có nhà máy, môi trường đảo Cồn Cỏ chắc chắn sẽ thanh sạch hơn trước.
Bên cạnh đó, trên tuyến đường cơ động quanh đảo dài 2,4km, chúng tôi thấy cứ khoảng vài trăm mét lại có một tấm biển “Tuyến đường tự quản” gắn với tên một cơ quan, đoàn thể như: Ban CHQS huyện, Công an huyện, Huyện đoàn, Ban Quản lí cảng cá, Phòng Kinh tế - Xã hội… Tìm hiểu, chúng tôi được biết, UBND huyện căn cứ số người của 17 cơ quan để phân chia độ dài đảm nhiệm của 5 tuyến đường chính trên đảo. Đơn cử như Ban CHQS huyện, quân số đông nhất nên đảm nhiệm đoạn đường dài nhất, tổng vệ sinh vào thứ 7 tuần cuối tháng. Tùy theo kế hoạch hoạt động, các cơ quan, đơn vị bố trí mỗi tháng ít nhất một ngày tổng dọn vệ sinh khu vực phụ trách. Ngoài ra, Ban CHQS huyện đảo còn tổ chức “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” ra quân thu gom rác thải. Còn những ngày gió mùa, biển động, lượng rác thải thu gom được hàng tấn. Tất cả được tập kết về nhà máy để xử lí”.
Nhiều tấn rác thải dạt vào những ngày biển động do gió mùa, mưa bão hay mỗi đợt ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường biển ở hòn đảo chỉ rộng hơn 2,2km2! Con số làm giật mình những ai quan tâm đến môi trường biển đảo bởi diện tích biển của Việt Nam là hơn 1 triệu km2; hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ; hơn 3.200 km chiều dài bờ biển. Đồng thời những biện pháp vì một Cồn Cỏ xanh, sạch, đẹp cũng là minh chứng rõ nét nhất cho sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của quân và dân nơi hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)