Mấy trăm năm trước, đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều dưới chân núi Tà Bang phải thực hiện những nghi lễ quan trọng để chọn đất, lập làng, cùng nhau sinh sống và viết lên những trang sử mới. Tuy nhiên, trước nguy cơ sạt lở núi đe dọa đến cuộc sống của người dân thôn Ra Ly - Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), chính quyền địa phương đã xây dựng khu tái định cư, di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Vậy nhưng người dân nơi đây lại chẳng mấy mặn mà với nơi ở mới, đến nay vẫn dùng dằng giữa chuyện ở, đi…
Có nhà mới, vẫn ở nhà cũ
Đã hơn 2 năm xây dựng khu tái định cư, người dân thôn Ra Ly- Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, vẫn dùng dằng chuyện ở, đi. Trên thực tế, họ không ở cố định một nơi nào cả. Mùa nắng, họ dọn về nhà cũ sinh sống và sản xuất. Mùa mưa, họ lại sang khu tái định cư ở vì sợ núi có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Cư ngụ và gắn bó ở đâu vẫn lửng lơ trên đầu của người dân như một dấu chấm hỏi…
Núi nằm xếp lớp lên nhau, mất hút trong đỉnh mây. Những căn nhà sàn nằm bên triền đồi, lũ trẻ với đôi mắt đen láy nhìn người lạ, rồi vụt chạy đi. Thôn Ra Ly - Rào nép mình dưới chân núi Tà Bang mấy trăm năm qua, cuộc sống của người dân chủ yếu nương tựa vào rừng và gắn liền với nương rẫy. Nơi đây từng trải qua mấy trận lũ quét nên việc tái định cư là rất cần thiết. Nhưng vì sao sau một thời gian đến nơi ở mới, người dân lại quay về làng cũ?
Ông Hồ Cà Pằn (50 tuổi), thôn Ra Ly - Rào cho hay: “Đảng và Nhà nước có chính sách tái định cư để đảm bảo an toàn cho người dân, ai nấy đều vui mừng nhưng khi vào sống thì có nhiều thứ bất cập lắm”. Lý giải về sự bất cập đó, ông Pằn chỉ tay về phía một ngọn đồi gần đó nói: Ở chỗ cũ thì ngày thường đi trồng lúa, trồng ngô chỉ khoảng 1- 2 km. Nhưng nếu sang nơi ở mới thì phải đi 4-5 km mới tới nơi, rất vất vả. Thôi thì cứ ở nhà cũ để gần đất sản xuất.
Vậy nhưng sự bất cập không chỉ ở đường đến nương rẫy mà còn nhiều thứ khác, ví như căn nhà nhỏ khoảng 50 m2 ở khu tái định cư vào mùa hè rất nóng nực và bức bối; mùa mưa, mái tôn mỏng nên tiếng mưa nghe ầm ầm khiến người dân không tài nào ngủ được. Đến chuyện chăn nuôi, nhà bố trí san sát nhau nên nuôi con gì cũng không được.
Rồi nơi thờ cúng thần linh, tổ tiên, sinh hoạt cộng đồng cũng rất khó để bố trí, tổ chức ở khu tái định cư. Tất cả sự thay đổi đó, với người dân là quá đột ngột nên không thể thích nghi ngay được. “Về nhà cũ thì vẫn còn nếp sống cũ.
Bao đời, người Vân Kiều vẫn ở nhà sàn, sống hòa mình với thiên nhiên, không gian thoáng, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông bếp luôn đỏ lửa giữ cho căn nhà ấm áp. Dưới nhà sàn, người dân bỏ củi, cột con trâu, con bò, nuôi ít gà, vịt.
Các lễ hội, lễ cúng trong năm được tổ chức trong làng để cầu cho mưa thuận gió hòa, gắn kết cộng đồng”, ông Pằn tâm tư.
Khu tái định cư thôn Ra Ly - Rào di dời 47 hộ với 177 nhân khẩu, được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 5,4 tỉ đồng.
Trong đó bao gồm các hạng mục nhà ở, công trình đường giao thông, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, trường học. Mỗi hộ được cấp 400 m2 , bao gồm nhà ở và khuôn viên.
Nhưng thực tế cho thấy, đầu tư cơ sở hạ tầng nơi ở mới đã phá vỡ không gian sinh hoạt của đồng bào, “di dời” họ xa dần tín ngưỡng, tập tục của mình.
Tất cả mọi thứ đều đúng quy trình nhưng lại không trúng ý dân. Có lẽ, 400 m2 đó không đủ giữ chân người dân, không khiến họ hân hoan, gắn bó và xây dựng cuộc sống mới một cách bền vững.
Đi tìm văn hóa giữa đại ngàn
Vốn sống cũ nay đã không còn hiện diện ở những căn nhà mới. Văn hóa nhà sàn được thay thế bởi kiến trúc nhà trệt.
Nhà xây theo lối hiện đại khiến không gian làng vùng cao mất đi tính truyền thống. Nhìn từ xa, khu tái định cư giống như một “góc phố” trên ngàn.
Từ xa xưa, những ngôi làng của người đồng bào Vân Kiều trên dãy Trường Sơn không chỉ là nơi sinh sống của cộng đồng, mà đó là không gian văn hóa, đời sống tinh thần gắn với thiên nhiên, núi rừng, thần linh. Thời gian lấy đi nhiều thứ, khiến tuổi già của ông Hồ Văn Rơng nhiều khi nhớ nhớ, quên quên. Vậy nhưng, nhắc đến chuyện thế hệ cha ông đã khai đất, lập làng như thế nào, mắt già Rơng lại sáng lên: “Theo các câu chuyện truyền miệng qua từng thế hệ, làng trước khi được lập sẽ trải qua các bước xét duyệt rất kỹ. Từ việc chọn vị trí địa thế đẹp, rộng rãi, gần nguồn nước, gần đất sản xuất, cho đến việc trưng cầu ý kiến người dân, rồi tiến hành các nghi lễ quan trọng, xin phép thần linh đều được các già làng thực hiện một cách cẩn trọng. Sau đó, người góp gỗ, người góp sức, người vào rừng kiếm tre, nứa, lá mây về lợp mái… Mọi người cùng nhau dựng nhà. Những ngôi nhà dần hình thành trong niềm phấn khởi của bà con”.
Già làng Rơng kể, nhà truyền thống của người Vân Kiều là nhà sàn 3 gian, có 2 xà ngang và 1 xà dọc nằm ở giữa, mái tròn hoặc vuông 2 đầu. Hai bên đầu mái có những hình trang trí bằng gỗ theo kiểu sừng trâu hay đôi chim. Cách bố trí trong nhà cũng tuân theo một trật tự nhất định.
Kể từ phải sang trái, buồng đầu tiên là chỗ tiếp khách, tiếp đến là buồng ở, thứ tự người già, vợ chồng, con cái và cuối cùng là gian để các đồ dùng trong gia đình.
Trong nhà thường xuyên có bếp lửa để nấu nướng, mùa đông có bếp phụ ở gian phòng khách để nam giới sưởi ấm. Ngày nay, dù cuộc sống có thay đổi nhưng nhiều người Vân Kiều vẫn giữ lại các nghi lễ, nét sinh hoạt đặc trưng của dân tộc mình.
Tái định cư là chủ trương hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đến người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch, di dời cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để khi đến nơi ở mới, những nét đặc sắc của văn hóa vùng cao không vì thế mà rời xa dân.
Tôi đem những suy nghĩ của mình trao đổi với bà Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Bà Minh đã có những chia sẻ hết sức thật lòng, rằng: “Tôi là người dân tộc Vân Kiều, là một người con của núi rừng. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của tôi đối với việc tái định cư đó là vấn đề về văn hóa bản địa”.
Theo bà Minh, để tái định cư bền vững thì vừa phải đảm bảo cơ sở hạ tầng, đất ở, đất sản xuất cho người dân, vừa phải bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Trước hết, cần có sự trao đổi, lắng nghe, lấy ý kiến của người dân, trong đó chú trọng đến ý kiến về việc xây dựng kiểu nhà như thế nào cho phù hợp với truyền thống.
Vấn đề tiếp theo là khi tái định cư xây dựng nông thôn mới phải dựng làng theo lối của người miền núi, văn hóa làng phải được duy trì. Như chúng ta biết, bất kỳ hình thức sinh hoạt nào của người dân miền núi đều tập trung đông đủ dân làng.
Do đó, ở mỗi điểm dân cư phải tính đến việc dành quỹ đất cho sinh hoạt cộng đồng để tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng và hoạt động văn hóa khác của đồng bào.
Bên cạnh đó, cần nhìn nhận, nghiên cứu kỹ về phong tục, tập quán, truyền thống, văn hóa, tâm linh của người dân trong vùng tái định cư.
Từ đó, đầu tư chiều sâu, có các chính sách phù hợp, sát với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Bởi nếu không cẩn trọng trong hoạch định, triển khai thực hiện, có thể dẫn đến đánh mất giá trị bản sắc văn hóa và rất khó để khôi phục lại.
Đặc biệt, sức thuyết phục trong quy hoạch sắp xếp dân cư ở miền núi là giải quyết vấn đề đất sản xuất, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế, giúp người dân có cơ hội thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Văn hóa của các dân tộc Việt Nam được coi là nguồn cội, là nguồn nội lực và sức mạnh mềm trong phát triển. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)