Điểm tựa từ mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”

Đức Việt |

Từ mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” xây dựng điểm ở thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vào tháng 10/2020, đến nay toàn tỉnh có 18 mô hình, trong đó Hội LHPN tỉnh hỗ trợ xây dựng 4 mô hình. Theo ghi nhận bước đầu, các mô hình đã huy động sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Dù ở địa bàn trung tâm xã nhưng thôn Tăng Cô Hang, xã Lìa, huyện Hướng Hóa nơi có 111 hộ (436 khẩu) vẫn còn xảy ra nhiều tình trạng thiếu an toàn cho phụ nữ và trẻ em như: tệ nạn ma túy, bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Vì thế, chính quyền xã Lìa quyết định chọn là thôn Tăng Cô Hang làm điểm xây dựng mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Lễ ra mắt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em” ở thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: T.H
Lễ ra mắt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em” ở thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: T.H

Mô hình duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần với các chủ đề như: An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình; bình đẳng giới, kỹ năng sống, tai nạn thương tích đuối nước, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội... đặc biệt là phòng chống ma túy cho các hộ gia đình trong thôn. Tuy mới đi vào hoạt động nhưng đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.

Chị Hồ Thị Thiếc, Chủ tịch Hội LHPN xã Lìa cho biết: “An toàn cho phụ nữ và trẻ em miền núi hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, chúng tôi lựa chọn ưu tiên từng nội dung thực hiện. Để mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” phát huy hiệu quả, thời gian tới Hội LHPN xã tăng cường phối hợp với đồn biên phòng, công an tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật, bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ các mô hình sinh kế, công trình đường sáng, an toàn, lắp đặt camera an ninh, áo phao an toàn qua hồ Lìa”...

Thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh cũng vừa ra mắt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” với sự tham gia hưởng ứng của 496 thành viên. Đây là mô hình thứ 3 được thành lập trên địa bàn huyện Vĩnh Linh và là mô hình thứ 11 trên địa bàn tỉnh. Sinh hoạt mô hình, các thành viên trở thành tình nguyện viên trực tiếp tham gia và tổ chức các hoạt động an toàn cho phụ nữ và trẻ, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau và trợ giúp sinh kế cho hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, đỡ đầu trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn; tiên phong, tích cực tiếp nhận thông tin và đề xuất, kiến nghị giải pháp cùng các đoàn thể phối hợp xử lý những vấn đề nổi cộm phát sinh trên địa bàn.

Tương tự, mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ với 74 thành viên tham gia cũng vừa được ra mắt. Ban điều hành mô hình đã xây dựng và triển khai các hoạt động hết sức cụ thể gắn với thực tế đời sống của người dân địa phương như: Khảo sát, cắm biển báo, rào chắn tại các ao, hồ có nguy cơ mất an toàn; tổ chức 1 lớp dạy bơi cho trẻ; xây dựng 1 mô hình giáo dục an toàn giao thông, xây dựng vườn mẫu, tổ chức các buổi truyền thông về an toàn, đồng thời ký cam kết với các thành viên nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của từng người khi tham gia, quyết tâm xây dựng mô hình nhằm góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn NTM kiểu mẫu của xã.

Có thể nói, các mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” trên địa bàn tỉnh mới hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng. Tính đến nay đã có hàng nghìn thành viên tham gia vào các mô hình, 18/18 ban điều hành do bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn, khu phố trưởng làm trưởng ban; 100% mô hình có thành viên là nam giới, chiếm từ 25% - 35%.

Các mô hình đã tổ chức 31 buổi truyền thông cho các thành viên về kỹ năng xây dựng cuộc sống gia đình an toàn, hạnh phúc; thành lập 13 mô hình trong mô hình gồm các CLB: Phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình; bà mẹ, trẻ em phòng chống xâm hại tình dục; phòng chống ma túy; bạo lực gia đình; “Nhóm cha mẹ”…; 15 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.

Ngoài ra, từ nguồn đóng góp của các thành viên và vận động của các cấp hội phụ nữ đã xây dựng 3 vườn mẫu, 5 mô hình sinh kế cho 25 hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, 125 nhà tiêu hợp vệ sinh, 50 thùng rác, trồng 500 cây xanh, trao tặng 3 bộ âm thanh loa máy và tủ sách cùng nhiều hỗ trợ thiết thực khác cho các thành viên tham gia mô hình.

Với sự quan tâm của hội LHPN các cấp, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” bước đầu tạo sự lan tỏa trong cách ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa của người dân, tình làng nghĩa xóm được gắn bó. Đây thật sự là một mô hình có ý nghĩa thiết thực, là điểm tựa cho phụ nữ và trẻ em, bảo vệ, giúp đỡ đối tượng yếu thế có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lợi ích kép từ mô hình liên kết chăn nuôi gà

Bảo Bình |

Mô hình liên kết chăn nuôi gà khép kín của ông Phạm Hóa, ở thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong những mô hình có quy mô lớn trong toàn tỉnh. Với việc liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (gọi tắt là Công ty Japfa) chăn nuôi gà gia công theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao đã mở ra hướng làm giàu triển vọng cho gia đình ông Hóa, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

“Miền Viên Thảo”- mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch

Bích Liên |

Năm nay 34 tuổi, từng trải qua nhiều công việc, ngành nghề khác nhau song cuối cùng, chị Đinh Thị Thu Thảo ở Khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) lại “bén duyên” với nghề làm vườn. 

Mô hình của những trí thức trẻ đam mê nông nghiệp hữu cơ

Nguyễn Trang |

Là những trí thức trẻ năng động, nhạy bén với xu thế phát triển lại đam mê nông nghiệp hữu cơ, nguyện vọng góp sức xây dựng nền nông nghiệp của quê hương, năm 2019, 3 bạn trẻ đến từ các vùng quê khác nhau của tỉnh Quảng Trị đã hợp sức đầu tư hình thành nên Dfarm Quảng Trị, là một trong những trang trại thuộc chuỗi hệ thống Dfarm sản xuất hữu cơ công nghệ cao theo tiêu chuẩn Organic trên diện tích 30.000 m2, tổng kinh phí hơn 5 tỉ đồng.

Chuyển đổi mô hình kinh tế hiệu quả ở vùng khó

Minh Long |

Tận dụng lợi thế địa phương có nhiều nguồn cỏ và các loại lá cây làm thức ăn cho gia súc, anh Hồ A Cơ, Trưởng thôn Ta Xía, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) quyết định đầu tư chăn nuôi dê nhốt chuồng. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình chăn nuôi của anh Cơ đã có hiệu quả kinh tế, tạo động lực để anh tiếp tục mở rộng chăn nuôi và đầu tư kinh doanh.