Mã Lai Pun là một trong những thôn xa xôi, khó khăn nhất của xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị), những năm qua, với sự giúp sức đồng hành của những cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 6, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, thôn Mã Lai Pun có nhiều đổi thay, người dân ở đây yên tâm bám đất, bám làng xây dựng cuộc sống mới.
Chúng tôi có dịp trở lại thôn Mã Lai Pun, đến với Đội sản xuất 6, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, tiếp chúng tôi chỉ có đội trưởng, Trung tá Trần Văn Khương. Vừa vui vẻ rót nước mời khách, Trung tá Trần Văn Khương vừa cho biết: “Trong năm qua, các loại cây nông nghiệp được mùa được giá, đàn vật nuôi ổn định, đem lại thu nhập tốt cho bà con, những gia đình khó khăn thì được các cấp ngành quan tâm hỗ trợ nên không khí đón Tết vừa rồi vui tươi, phấn khởi, an toàn”. Đơn vị hiện có 9 cán bộ, nhân viên, ngay trong thời điểm đầu năm 2022 này, hầu hết các cán bộ, chiến sĩ đã được huy động về với dân, tiến hành giúp bà con ra đồng xuống giống, chăm sóc lúa vụ đông xuân, chăm sóc cà phê, nạo vét kênh mương thủy lợi. Một số cán bộ thì về cùng với hộ gia đình nghèo giúp họ tu sửa lại nhà cửa, bắt tay chỉ việc, hướng dẫn họ cách làm kinh tế”.
Trung tá Trần Văn Khương dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Hồ Văn Sen. Một trong 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Mã Lai Pun được Đội sản xuất 6 nhận đỡ đầu. Anh Hồ Văn Sen là thanh niên trẻ, song gia đình lại là hộ nghèo do chưa tiếp cận được cách làm ăn, phát triển kinh tế. Nắm bắt tình hình, Đội sản xuất 6 đã nhận đỡ đầu bằng cách hỗ trợ, hướng dẫn gia đình anh Sen phát triển kinh tế từ nuôi lợn, ngan, gà, trồng mô hình rau sạch. Từ không biết bắt đầu từ đâu, làm kinh tế như thế nào cho hiệu quả, đến nay, sau gần 1 năm, 2 vợ chồng anh Sen đã gây dựng được mô hình kinh tế khá hiệu quả, mua được xe máy.
Anh Hồ Văn Sen chia sẻ: “Tôi hay đau ốm, gia đình nghèo khó nên không biết làm thế nào để thoát nghèo. Nhờ các anh bộ đội giúp đỡ, các anh xây chuồng để nuôi heo, nuôi ngan, gà, xây dựng vườn rau sạch, rồi chỉ cho cách làm ăn đem lại thu nhập. Cuộc sống gia đình bây giờ đã ổn định. Vợ chồng tôi cố gắng làm ăn, có gì chưa biết sẽ nhờ các anh bộ đội giúp đỡ thêm”.
Thôn Mã Lai Pun được sáp nhập từ thôn Tân Pun và thôn Mã Lai. Đây là một trong những địa phương xa xôi, khó khăn của xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Toàn thôn hiện có 186 hộ dân, trong đó 95 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến Mã Lai Pun, nhắc tới chuyện phát triển kinh tế, giúp người dân bám đất bám làng là nhắc tới công lao của những cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 6, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Trước đây, người dân ở đây chủ yếu làm kinh tế từ trồng cà phê, nuôi trâu bò theo hình thức chăn thả.
Qua một thời gian, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đội sản xuất 6, đến nay thôn Mã Lai Pun đã có rất nhiều mô hình sản xuất mới như: Trồng rừng tràm, trồng khoai sọ, sắn, dưa hấu, rau sạch; chăn nuôi trâu bò vỗ béo, cá nước ngọt, gia cầm số lượng lớn... Đời sống người dân ở đây dần được nâng lên, số hộ nghèo giảm.
Song song với việc hỗ trợ người dân làm kinh tế, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đội sản xuất 6, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 còn làm tốt công tác dân vận, đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phối hợp với các trường học, địa phương tu sửa trường lớp, đường giao thông nông thôn, dọn dẹp vệ sinh khơi thông cống rãnh; hướng dẫn Nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa mới, vận động học sinh tới lớp…
Nói về vai trò của Đội sản xuất 6, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 trong quá trình đồng hành, hỗ trợ người dân thôn Mã Lai Pun làm kinh tế, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý cho biết: “Mã Lai Pun là thôn có điều kiện khó khăn của xã Hướng Phùng, nhờ sự đồng hành, hỗ trợ, đóng góp công sức của cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 6, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã giúp người dân từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn; tạo niềm tin, gắn bó của Nhân dân với bộ đội Cụ Hồ”.
Về việc tiếp tục đồng hành cùng người dân biên giới Mã Lai Pun, Trung tá Trần Văn Khương cho biết thêm: “Thôn Mã Lai Pun hiện có 68 hộ nghèo, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Xác định nhiệm vụ đồng hành với bà con trong công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận đỡ đầu những gia đình khó khăn; cử cán bộ, nhân viên của đội trực tiếp về hướng dẫn người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả; tham gia phụ trách các hộ gia đình nghèo, giúp bà con từng bước vượt qua khó khăn, góp phần xây dựng quê hương, bản làng ngày càng khởi sắc”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)