Đột quỵ tuổi 20

Nguyễn Lân Hiếu |

Lần cuối cùng bạn kiểm tra huyết áp của mình và người thân là khi nào?

Tối hôm kia, bệnh viện tôi tiếp nhận bệnh nhân nam 20 tuổi, tiền sử không có biểu hiện bệnh lý gì. Cậu vào viện vì đột ngột bị liệt nửa người trái giờ thứ nhất. Các triệu chứng liệt và méo miệng tăng dần, khi nhập viện, người bệnh hoàn toàn không thể nâng được chân, tay lên khỏi mặt giường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kíp điều trị đột quỵ được huy động, hội chẩn ngay tại phòng chụp cắt lớp vi tính sọ não. Kết quả sơ bộ: không có hình ảnh xuất huyết não. Bệnh nhân được dùng thuốc tiêu sợi huyết Alteplase đường tĩnh mạch trong vòng 30 phút kể từ khi nhập viện. Ngay sau đó, thanh niên đã có những cải thiện rõ rệt, chân tay có thể nhấc lên khỏi mặt giường, đỡ nói ngọng. Sau 12 giờ kể từ khi dùng thuốc, các triệu chứng liệt đã hết, bệnh nhân có thể đi lại, nói chuyện, vận động bình thường.

Đây là một trường hợp thực sự may mắn vì đến sớm. Còn hàng nghìn trường hợp đột quỵ khác, vì vô vàn lý do, người bệnh đến muộn. Di chứng để lại rất nặng nề, không ít người tử vong.

Nhắc đến đây tôi lại không thể quên ánh mắt người mẹ, một bác sĩ lâu năm trong nghề bị mất con trai đang có tương lai rực sáng. Anh là bác sĩ sản khoa đầy tiềm năng. Một trận cầu đúng lúc cao điểm, một pha tranh chấp bóng trên không khiến anh gục ngã và mãi mãi không bao giờ đứng dậy. Vỡ phình mạch não là căn bệnh ác tính không hiếm đã cướp đi sinh mạng vô số người trẻ tuổi.

Hai trường hợp với hai diễn biến khác nhau, cách cấp cứu xử trí hoàn toàn khác nhau. Nhưng người dân, thậm chí một số nhân viên y tế thường gọi chung là "tai biến mạch máu não". Chính vì vậy, đời bác sĩ của tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười khi người nhà cấp cứu người tai biến. Nào là đánh cảm đỏ hết nửa người bị liệt, tát cho tỉnh lại đến sưng cả tay, chườm lạnh để hạ hỏa... Họ còn tìm mọi cách nhét viên An Cung vào miệng bệnh nhân. Hành động ấy cho dù xuất phát từ tình yêu thương nhưng lại là yếu tố tăng nặng bệnh, khiến cơ hội sống sót của người bệnh thu hẹp lại. Viên An Cung còn làm chậm thời gian đưa người đột quỵ đến trung tâm cấp cứu, khiến "tội" nặng hơn nhiều lần.

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là bệnh cảnh, gây ra bởi tình trạng thiếu máu nhu mô hoặc chảy máu trong não. Đây là nguyên nhân tàn phế hàng đầu thế giới và là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở Việt Nam. Trong số đó, 2/3 số bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não. Lứa tuổi trung bình bị đột quỵ thường trên 60.

Tuy nhiên hiện nay, số lượng và biểu hiện đột quỵ đang gia tăng ở giới trẻ. Khác với người lớn tuổi, đột quỵ thường do tình trạng xơ vữa, hẹp mạch máu não hoặc tăng huyết áp, đột quỵ ở người trẻ thường xảy ra đột ngột và có căn nguyên khác biệt. Cụ thể như: dị dạng mạch máu não - là các bất thường về giải phẫu của mạch máu não - như phình động mạch não, thông động tĩnh mạch, u mạch, bệnh Moya moya; các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh van tim gây hình thành huyết khối trong các buồng tim, bệnh lý về đông máu (thường là các biểu hiện tăng đông do thiếu các yếu tố như Protein S, Protein C và Antithrombin III); các bệnh lý tăng đông mắc phải hoặc bệnh nhân có gene gây tình trạng tăng đông máu.

Để phát hiện sớm biểu hiện đột quỵ, thường bác sỹ sẽ thăm khám lâm sàng tỉ mỉ, nhưng người dân có thể tự phát hiện nhanh các triệu chứng dựa vào dấu hiệu F.A.S.T. Đây là viết tắt của các từ tiếng Anh: Face - liệt mặt, méo miệng, Arm - yếu tay hoặc yếu nửa người, Speech - nói ngọng, nói khó, Time - thời điểm bị tai biến, được hiểu là lúc xuất hiện các triệu chứng trên. Cách nhớ rất đơn giản để cấp cứu bệnh nhân mà thời gian là vàng bạc, trong đầu chúng ta luôn tâm niệm: FAST - cứu người đột quỵ không di chứng.

Tuy nhiên, có người bệnh khởi phát bởi tình trạng đau đầu dữ dội, nôn, gáy cứng, nhìn mờ, đi vệ sinh không tự chủ, hoặc cá biệt có bệnh nhân mất ý thức, hôn mê ngay từ đầu. Khi có các biểu hiện trên, người bệnh và gia đình cần bình tĩnh, gọi ngay cấp cứu 115 hoặc bệnh viện gần nhất có khả năng điều trị tai biến mạch máu não, vận chuyển người bệnh an toàn và sớm nhất có thể. Tôi nhấn mạnh, không tự ý dùng các mẹo dân gian như cạo gió, chích máu 10 đầu ngón tay, một số loại thuốc đột quỵ truyền miệng hoặc được quảng cáo.

Tại bệnh viện, các bác sỹ sẽ tiến hành thăm khám cần thiết để chẩn đoán và điều trị như dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối động mạch bằng dụng cụ trong trường hợp đột quỵ thiếu máu não những giờ đầu; hoặc nút mạch cầm máu, phẫu thuật lấy máu tụ trong trường hợp xuất huyết não. Lưu ý, các chỉ định can thiệp này cần được tiến hành sớm, quá thời gian "cửa sổ vàng" như 4 đến 5 giờ với việc dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc quá 6 giờ với trường hợp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, can thiệp trên không còn ý nghĩa.

Dự phòng đột quỵ ở người trẻ bằng các biện pháp chung là kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh van tim; thay đổi lối sống bằng bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia; tăng cường vận động thể thao; tránh bị lạnh đột ngột và căng thẳng. Những người có nguy cơ cao như đau đầu dai dẳng, huyết áp dao động, tiền sử gia đình nhiều người đột quỵ có thể làm thêm các thăm khám chuyên khoa thần kinh, tim mạch, chụp phim sọ não - mạch não nhằm phát hiện các dị dạng mạch máu não chưa có triệu chứng.

Nói vậy, nhưng bản thân tôi làm được một nửa danh sách trên cũng vô cùng khó. Vậy nên xin hãy lắng nghe cơ thể mình. Nếu có dấu hiệu bất thường dù là nhỏ nhất như đau đầu khác thường, đánh trống ngực liên hồi hay đơn giản là huyết áp tăng, bạn cần tư vấn bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Đột quỵ não có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ tuổi nào. Việc tuyên truyền phòng chống đột quỵ, các nghiên cứu đa trung tâm nếu trở thành hành động thường quy sẽ giúp chính phủ đưa ra các khuyến cáo sát với thực tế sức khỏe cộng đồng. Tôi mong mỗi tỉnh thành, đặc biệt ở vùng xa vùng sâu, sẽ có các trung tâm đột quỵ. Hay như việc cần nhất hiện nay là đổi mới toàn diện hệ thống xe cấp cứu từ trang thiết bị đến kiến thức của nhân viên y tế trong tiếp cận bệnh nhân đột quỵ.

Phát hiện sớm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế là yếu tố then chốt làm giảm thiểu nguy cơ tử vong và tàn phế. Cùng chúng tôi chống lại tình huống bệnh quái ác này bằng việc cực kỳ đơn giản: đo huyết áp cho mình và người thân ngay khi đọc xong bài viết này, và biến nó thành thói quen hàng ngày.

(Nguồn: Vnexpress)

TAGS

Đứng một chân kiểm tra nguy cơ đột quỵ có đúng không?

Viên Viên |

Bác sĩ cho rằng y văn chưa hề ghi nhận phương pháp tầm soát đột quỵ nào như trên, đây chỉ là nghiên cứu nhỏ trong nhóm người cao tuổi có bệnh nền ở Nhật.

Phải làm gì để ngăn ngừa đột quỵ, đặc biệt là ở người trẻ?

PV |

Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ cần thiết là ngưng thuốc lá, thường xuyên tập luyện thể thao, ăn cá, rau, giảm cân, điều trị tăng mỡ máu, đái tháo đường và bệnh tim mạch nếu có.

Danh hài Chí Tài qua đời vì đột quỵ

Đông Du |

Nghệ sĩ Chí Tài, sinh năm 1958, qua đời vì đột quỵ vào chiều 9.12, hưởng thọ 62 tuổi. Thông tin này được chính Phi Nhung và quản lí của nghệ sĩ Chí Tài xác nhận.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đoạt Giải Gold về điều trị đột quỵ

Lâm Thanh |

Hôm nay 18/11/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ đón nhận Giải Gold (giải thưởng Vàng) về điều trị đột quỵ do Hội Đột quỵ thế giới (WSO) công nhận và hội thảo khoa học “Cập nhật xử trí và điều trị đột quỵ cấp”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đến dự.