Đứng một chân kiểm tra nguy cơ đột quỵ có đúng không?

Viên Viên |

Bác sĩ cho rằng y văn chưa hề ghi nhận phương pháp tầm soát đột quỵ nào như trên, đây chỉ là nghiên cứu nhỏ trong nhóm người cao tuổi có bệnh nền ở Nhật.

Trào lưu thử thách đứng một chân từng thu hút nhiều nam giới trên 40 tuổi tham gia. Cụ thể, nam giới sau tuổi 40 có thể tranh thủ một phút rảnh rỗi thực hiện bài kiểm tra tại nhà, văn phòng làm việc, hoặc bất cứ nơi đâu.

Người thực hiện đứng bằng một chân, hai chân không chạm nhau, tay không chạm vào cơ thể. Để tăng độ khó, cánh mày râu có thể nhắm mắt khi đứng và bấm giờ, đứng càng lâu thì nguy cơ đột quỵ càng thấp.

Thử thách đứng 1 chân có kiểm tra được nguy cơ đột quỵ?
Thử thách đứng 1 chân có kiểm tra được nguy cơ đột quỵ?

Vài ngày trước khi qua đời, diễn viên hài Chí Tài cũng chia sẻ một clip, trong đó ông thực hiện trò thách thức: đứng một chân hơn 20 giây để tầm soát đột quỵ.

Thật chất thử thách này mang tên là “One Leg Challenge” xuất phát từ nghiên cứu trên 1.387 người, độ tuổi trung bình 67 của Đại học Y khoa Kyoto (Nhật Bản) công bố trên tạp chí “Stroke Journal” năm 2014. Kết quả cho thấy, có đến 95,8% không đứng được quá 20 giây.

Những người tham gia thử thách thất bại được chụp cộng hưởng từ não bộ (MRI), để đánh giá tình trạng các mạch máu não. Điều bất ngờ là có đến 50,5% người xuất hiện 1-2 ổ nhồi máu lỗ khuyết (tắc động mạch nhỏ nằm sâu trong não) và 45,3% có 1-2 điểm vi xuất huyết (chảy máu rất ít trong não).

Các chuyên gia gọi đây là đột quỵ “thầm lặng”. Sự phối hợp tay và chân được kiểm soát bởi mạng lưới thần kinh phức tạp nằm sâu trong não. Việc không thể đứng được quá 20 giây là dấu hiệu cho thấy các mạch thần kinh đang gặp trục trặc (tắc nghẽn mạch máu não, chảy máu trong não...).

“One Leg Challenge” có luật chơi đơn giản, những người tham gia sẽ phải đứng bằng một chân trong vòng 60 giây, ghi hình lại rồi tung lên mạng xã hội.

Thử thách chỉ yêu cầu người chơi tranh thủ một phút nơi công sở, đứng một chân như động tác yoga. Tuy nhiên, nhiều nam giới đã sáng tạo thêm các tư thế vui nhộn như đứng đọc sách, nhảy cò, tâng bóng,…...

Các chuyên gia y tế cho rằng đây là thử thách vui muốn truyền đi thông điệp nhân văn, nhắc nhở cánh mày râu tuổi tứ tuần sớm thăm khám sức khỏe tim mạch, điều chỉnh lại lối sống, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, ... để ngừa đột quỵ, chứ chưa được các tổ chức y tế thế giới công nhận như một phương pháp kiểm tra chính xác đột quỵ. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, chia sẻ trên trang cá nhân: Về mặt khoa học, những tổn thương do mạch máu nhỏ này chưa thể được xem là đột quỵ não thật sự. Nó chỉ đơn thuần phản ánh đến tình trạng tổn thương xơ vữa mạch máu nhỏ trong não, mà gần như không thể tránh khỏi khi chúng ta trên 60 tuổi, đặc biệt nếu đi kèm với bệnh nền tăng huyết áp hay đái tháo đường.

Theo Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, để giữ được thăng bằng cơ thể, chúng ta cần não (đặc biệt là tiểu não), hệ thống thị giác và cả hệ cơ xương khớp. Theo y văn, đến 1/3 người trên 65 tuối bị té ngã do mất thăng bằng, mà nguyên nhân do mắc phải một hay nhiều khiếm khuyết về mặt chức năng trên.

Ngoài ra trọng lượng cơ thể và sự tập luyện, cũng ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng này (với những người tập Yoga khả năng giữ thăng bằng trên 20 giây, chắc chỉ là chuyện nhỏ). Quan trọng hơn, nghiên cứu này chỉ được làm trên một nhóm dân số lớn tuổi (67 tuổi) Nhật Bản có kèm theo nhiều bệnh nền, và không được đánh giá khả năng này trước đó.

Do vậy cần thiết phải kiểm định lại trên các nhóm dân số khác ngoài Nhật Bản (như Việt Nam…) hoặc trên các lứa tuổi khác trẻ hơn, với cỡ mẫu lớn trước khi ra khuyến cáo một cách rộng rãi trong cộng đồng, và xem như là một yếu tố nguy cơ đột quỵ mới.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện quận Thủ Đức, cũng khẳng định y văn chưa hề ghi nhận phương pháp tầm soát đột quỵ nào như trên. Theo bác sĩ Dũng, việc tầm soát đột quỵ phải được thực hiện tại bệnh viện, và bằng các hình thức xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh theo chỉ định của bác sĩ.

Những người đứng một chân trên 20 giây, theo bác sĩ Dũng chỉ cho thấy họ giữ thăng bằng tốt. Việc giữ thăng bằng của cơ thể dựa trên các bộ phận như tiểu não, mắt, tiền đình, tai trong và dựa vào cảm giác toàn thân....

Do đó, những người không đứng được một chân là những người bị rối loạn tiền đình hoặc đau khớp. Vì thế để kiểm tra chính xác tình trạng sức khỏe của mình, mọi người nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra. 

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Phải làm gì để ngăn ngừa đột quỵ, đặc biệt là ở người trẻ?

PV |

Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ cần thiết là ngưng thuốc lá, thường xuyên tập luyện thể thao, ăn cá, rau, giảm cân, điều trị tăng mỡ máu, đái tháo đường và bệnh tim mạch nếu có.

Danh hài Chí Tài qua đời vì đột quỵ

Đông Du |

Nghệ sĩ Chí Tài, sinh năm 1958, qua đời vì đột quỵ vào chiều 9.12, hưởng thọ 62 tuổi. Thông tin này được chính Phi Nhung và quản lí của nghệ sĩ Chí Tài xác nhận.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đoạt Giải Gold về điều trị đột quỵ

Lâm Thanh |

Hôm nay 18/11/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ đón nhận Giải Gold (giải thưởng Vàng) về điều trị đột quỵ do Hội Đột quỵ thế giới (WSO) công nhận và hội thảo khoa học “Cập nhật xử trí và điều trị đột quỵ cấp”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đến dự.

Những dấu hiệu bất thường báo trước cơn đột quỵ

PV |

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra hàng loạt dấu hiệu bất thường thông báo trước cơn đột quỵ.