Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử dựng nước và các cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc. Vậy nên, nhiều địa danh trên mảnh đất này đã đi vào lịch sử với những chiến công lẫy lừng.
Chiến tranh qua đi, để lại trên đất Quảng Trị một hệ thống di tích chiến tranh cách mạng đồ sộ và độc đáo. Trong số 518 di tích danh thắng đã được kiểm kê đánh giá, có 469 di tích lịch sử chiến tranh cách mạng. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ với gần 6 vạn phần mộ liệt sĩ là những người đã chiến đấu, hy sinh và mãi mãi yên nghỉ trên mảnh đất này. Do vậy, tỉnh Quảng Trị là địa phương có nhiều tiềm năng trong việc phát triển loại hình du lịch về nguồn, thăm lại chiến trường xưa và đồng đội.
Với hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạnh phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và có giá trị lịch sử to lớn nên tỉnh Quảng Trị và Nhân dân trong cả nước, đặc biệt là các cựu chiến binh mong muốn đưa ra ý tưởng xây dựng chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội ở Quảng Trị”.Tháng 7/2005, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Quốc phòng, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo quốc gia Du lịch Quảng Trị “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” mở ra hướng phát triển về loại hình du lịch này. Từ đó, khẳng định một thương hiệu du lịch mới và được các công ty lữ hành trong nước, quốc tế quan tâm, hưởng ứng.
Thực tế trong những năm qua, Chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” hằng năm đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách về với mảnh đất thiêng Quảng Trị. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch và tổ chức thành công nhiều lễ hội cách mạng độc đáo gây xúc động mạnh mẽ không chỉ ở trong nước mà còn cả trong khu vực và thế giới như: Lễ hội “Thống nhất non sông”, Lễ hội “Tri ân các anh hùng liệt sĩ”, Lễ hội “Thả hoa trên sông Thạch Hãn”...
Tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật gắn với các hoạt động tri ân, tưởng nhớ hương hồn các anh hùng liệt sĩ như: “Khúc tráng ca về một dòng sông”, “Hùng thiêng đất mẹ”, kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị...Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tập trung mọi nguồn lực, đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để tôn tạo hệ thống di tích lịch sử, nâng cấp xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ và các công trình tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn nhằm phục vụ tốt nhu cầu thăm viếng, hồi tưởng, tri ân các anh hùng liệt sĩ của Nhân dân cả nước. Do đó, những năm qua lượng khách du lịch, đặc biệt là các đoàn cựu chiến binh ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước đến với Quảng Trị ngày càng tăng.
Cần phải khẳng định rằng, Chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” đã đưa Quảng Trị trở thành điểm đến đầy ấn tượng với giá trị tâm linh riêng biệt, độc đáo và vô cùng cảm động. Nhiều di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh như: Thành Cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà tù Lao Bảo, Cầu Treo-Bến Tắt, các Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9...đã trở thành điểm đến tâm linh trong hành trình du lịch của đông đảo Nhân dân khắp cả nước.
Chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” còn góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ...Chương trình cũng gắn với cơ chế phát triển ngành dịch vụ và thủ công truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Cựu chiến binh Tô Anh Chiến đến từ tỉnh Thái Nguyên cảm động nói: “Bên cạnh nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, tôi rất tâm đắc về loại hình du lịch hoài niệm. Du lịch hoài niệm trước hết giúp các cựu chiến binh, các thanh thiếu niên được trở lại chiến trường xưa, thăm các đồng chí, đồng đội, các lớp cha anh đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Đây là loại hình du lịch đem lại cho tôi những cảm xúc khó quên.
Thực tế, từ khi triển khai đến nay, Chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” đã phát huy được ý nghĩa và giá trị lịch sử, tuy nhiên vẫn còn rất khiêm tốn bởi qua thực tiễn đã bộc lộ một số hạn chế như: đặc thù của di tích chiến tranh phần lớn là phế tích do chịu tác động của tự nhiên nên dễ xuống cấp, hư hại nhưng việc bảo tồn, trùng tu đòi hỏi nhiều kinh phí.
Cơ sở vật chất ngành du lịch mặc dù có tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu càng cao của du khách. Cách thức tổ chức khai thác sản phẩm du lịch còn lúng túng, chưa phát huy hiệu quả. Nguồn nhân lực còn hạn chế. Công tác tuyên truyền cho loại hình du lịch mới này tới nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thiếu bài bản.Các doanh nghiệp lữ hành còn thiếu năng động trong việc thiết kế tour du lịch hoài niệm hấp dẫn, có hiệu quả. Việc kết nối mở rộng tour hay liên kết phối hợp với các tỉnh, thành khác vẫn chưa tốt. Du lịch hoài niệm cần giới thiệu lịch sử, hình ảnh đất nước con người Việt Nam anh hùng để bạn bè quốc tế thấy và hiểu được những mất mát đau thương, sự khốc liệt của chiến tranh, qua đó thấy hết được giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Huy Hùng cho biết, xác định Chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” là một chương trình du lịch độc đáo, mang nét đặc trưng riêng của địa phương, vì vậy tỉnh tập trung xây dựng thành thương hiệu du lịch. Thông qua chương trình du lịch hoài niệm đã bồi dưỡng truyền thống cách mạng của dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước cho cán bộ và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, thu hút được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân.
Từ đó, tạo bước đột phá về du lịch trong giai đoạn tới, góp phần xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bên cạnh đó, sự phát triển của du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử cách mạng, đưa Quảng Trị trở thành cầu nối quan trọng kết nối các chương trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Con đường di sản huyền thoại” và các chương trình, loại hình du lịch tiêu biểu khác” với các tỉnh, thành lân cận.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)