Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh trong tay là cả thế giới kết nối trước mắt các bạn trẻ, nhất là đối với lứa tuổi học sinh. Sức hấp dẫn của thế giới ảo như ma lực cuốn các em đi, để rồi tranh thủ vào mạng xã hội ở mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí có em nghiện facebook tới mức nhập viện tâm thần. Nhưng có một điều mà nhiều phụ huynh quan tâm, lo lắng hơn cả, đó là facebook đã kéo các con dần xa cha mẹ.
Năm con lên lớp 8, chị Trang mới sắm di động cho con để tiện việc đưa đón học thêm, cũng như xuất phát từ nhu cầu của con gái là “gắn kết hơn với các bạn trong lớp”. Sự gắn kết đó được con gái chị giải thích là do các bạn đều lập facebook và thường thông báo các hoạt động của lớp cũng như trao đổi kinh nghiệm học tập trong đó. Vì con gái chị không có facebook cá nhân, dẫn đến không nắm bắt kịp thông tin và lạc lõng giữa tập thể mà mọi thông tin đều được kết nối qua facebook.
Nghĩ nhu cầu đó chính đáng và quan trọng là mình vẫn có thể kiểm soát được lịch sinh hoạt của con nên chị Trang đã mua một chiếc smartphone cho con gái, hướng dẫn con lập facebook, sau đó kết bạn với con. Đồng thời tư vấn cho con cách dùng như thế nào để không ảnh hưởng đến thời gian học hành, cũng như tiết chế ngôn từ, hình ảnh trên mạng. Chị luôn nghĩ rằng điều này nếu nằm trong tầm kiểm soát của ba mẹ sẽ là một sự động viên để con chuyên tâm vào học hành, không có cảm giác thua thiệt bạn bè. Thời gian đầu, con gái chị online với mức độ vừa phải, hầu như chỉ lướt xem facebook của bạn bè và người thân, ít đăng tải hình ảnh và bình luận. Bẵng đi một thời gian, chị thấy con gần như không xuất hiện trên facebook trong khi máy thì luôn giữ bên mình, rảnh ra một chút là chăm chỉ lướt web. Kiểm tra, chị thấy con hủy kết bạn với ba mẹ tự lúc nào. Tần suất dùng máy của con gái ngày càng dày hơn, chỉ cần đi học về là để nguyên quần áo vào phòng mở máy chat với bạn. Vì thế, vợ chồng chị tăng cường kiểm tra, nhắc nhở khiến con gái không hài lòng, dẫn đến không khí trong nhà luôn căng thẳng.
Một lần, nhân lúc con sơ hở, chị vào máy kiểm tra mới tá hỏa vì tần suất đăng tải, bình luận của con trên facebook cá nhân. Dĩ nhiên toàn những thứ mà bọn trẻ quan tâm như về âm nhạc, sở thích cá nhân... nhưng với tần suất xuất hiện đó, chị Trang hiểu vì sao con càng ngày càng ít chia sẻ chuyện trường, chuyện lớp với ba mẹ. Đã có lúc chị Trang giật mình tự hỏi: Có khi nào đến một ngày nào đó, mình sẽ phải lủi thủi xếp hàng sau những chiếc smartphone, máy tính bảng... trong “danh sách tình thân” của con? Vào mục tin nhắn, chị tá hỏa khi con tham gia hàng chục hội, nhóm kín về những chủ đề khác nhau, thậm chí có nhóm lập ra chỉ để bình phẩm gu ăn mặc của bạn bè trong lớp. Đến khi nhận kết quả thi giữa kỳ, điểm số của con tụt hẳn so với thời gian trước đó, chị Trang mới nhân cơ hội này tịch thu máy điện thoại, giao hẹn nếu có cố gắng trong học tập con gái mới được phép sử dụng máy điện thoại 30 phút trong ngày. Vì đã quen sống trên không gian mạng, giờ bị cai, con gái chị cả tuần không nói câu nào với ba mẹ. Biết là giai đoạn đầu rất khó khăn, nhưng vợ chồng chị Trang kiên trì theo dõi những biến đổi nhỏ từ con. Câu chuyện của con gái khiến chị càng hiểu thêm vì sao có những đứa bé đang trong tuổi học sinh nghiện mạng xã hội đến mức phải nhập viện điều trị. Vẫn biết giải pháp mình đưa ra quá khắt khe nhưng với những gì đã chứng kiến, chị Trang thấy không còn cách nào khác trước khi con mình nâng cấp độ lên thành nghiện mạng xã hội.
Đó không chỉ là câu chuyện của riêng gia đình chị Trang. Thực ra, cấm đoán chưa bao giờ là điều hay. Có rất nhiều phụ huynh vẫn giữ suy nghĩ là chỉ cần giữ con an toàn, tránh xa mạng xã hội là yên tâm nhất. Nhiều người quan niệm, facebook là nhảm nhí, vô bổ để rồi từ đó giáo huấn con cái đủ điều, cấm các con lướt “phây” và chơi game, tập trung vào việc học là trên hết. Nhưng với xu thế hiện nay, việc cấm đoán đồng nghĩa với việc ba mẹ càng xa lánh con cái, khiến con bị cô lập, lạc lõng giữa bạn bè. Nhưng nếu không quản lý mà thả cho con được tự do với không gian ảo của mình cũng dẫn đến nhiều hệ lụy.
Tại một hội thảo được tổ chức vào năm 2020 về chủ đề “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục”, những ảnh hưởng tiêu cực của internet đối với trẻ em được nêu ra khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi giật mình. Đó là tình trạng nhu cầu được sử dụng thiết bị thông minh ở nhiều em thậm chí còn cao hơn cả ham muốn được ngủ và nghỉ ngơi; là trạng thái lệ thuộc thế giới ảo, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, học tập, sinh hoạt và sức khỏe... Nguy hại hơn, các chuyên gia còn đề cập đến một loại rối nhiễu tâm lý gọi là “trầm cảm facebook”.
Giữa cái được và không được đó, phụ huynh không nên dửng dưng đứng ngoài lề mà phải có những lời khuyên hữu ích đối với các con; hiểu rõ trạng thái tâm lý của con để kịp thời chấn chỉnh. Để con không nghiện facebook thì nên hướng cho con tìm tòi và nuôi dưỡng một vài sở thích lành mạnh như thể thao, đọc sách, làm vườn. Tóm lại, tận dụng mặt tích cực của công nghệ để nuôi dạy con trưởng thành theo hướng tích cực giờ đây là một bài toán không hề dễ với nhiều phụ huynh. Nhưng để thay đổi tình trạng con dần xa ba mẹ vì facebook là việc chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Hãy tự điều chỉnh đúng lúc khi ba mẹ vẫn đang là những người đầu tiên trong “danh sách tình thân” của chính con mình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)