Trong thời gian qua, cùng với sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan; Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các ban ngành cấp tỉnh Quảng Trị, ngành Giáo dục Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Tỷ lệ huy động và chất lượng giáo dục phát triển mạnh. Giáo dục Quảng Trị luôn nằm nhóm trung bình khá của cả nước, là địa phương có nhiều đổi mới trong công tác quản lý giáo dục, quan tâm chăm lo chất lượng học sinh giỏi và chất lượng giáo dục đại trà, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia…
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, giáo dục và đào tạo Quảng Trị vẫn còn những hạn chế, tồn tại như như: khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa miền núi và miền xuôi vẫn lớn; cơ sở vật chất trường học còn thiếu như: phòng học, thư viện, phòng thiết bị, phòng học bộ môn, nhà vệ sinh, bếp, nhà ăn, phòng ở nội trú, bán trú, phòng ở công vụ cho giáo viên, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm, chưa đạt so với mục tiêu đề ra; quy mô, chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Mặc dù phòng ở công vụ cho giáo viên từ trước đến nay đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa thể giải quyết thấu đáo, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống giáo viên, đặc biệt là những huyện có nhiều giáo viên từ nơi khác đến giảng dạy. Vì vậy, chính sách về phòng ở công vụ cho giáo viên có thể coi là giải pháp để giữ chân các thầy cô giáo gắn bó và hướng đến sự phát triển bền vững giáo dục ở niền núi, vùng cao. Chính vì vậy, xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên là yêu cầu mang tính cấp thiết và lâu dài giúp đội ngũ giáo viên gắn bó với những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên đây, từng bước đưa giáo dục và đào tạo Quảng Trị phát triển vững chắc trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc “Đầu tư xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025” là một bước đi cần thiết, góp phần ổn định cuộc sống cho giáo viên vùng khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Tổng kinh phí để thực hiện Đề án đầu tư xây dựng 399 phòng ở công vụ cho giáo viên các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 dự kiến: 59.850,00 triệu đồng.
Nguồn vốn chủ yếu để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 được bố trí, huy động từ các nguồn kinh phí sau:
- Nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 và Ngân sách tỉnh (chiếm tỷ lệ 50%): 29.925,00 triệu đồng;
- Nguồn vốn huy động từ nguồn xã hội hóa, đóng góp của các tổ chức kinh tế, các nhà hảo tâm trong, ngoài nước, của nhân dân và các nguồn huy động hợp pháp khác (chiếm tỷ lệ 50%): 29.925,00 triệu đồng.
Hàng năm, tùy theo điều kiện nguồn kinh phí đầu tư để thực hiện Đề án và khả năng cân đối nguồn vốn, thời gian thực hiện Đề án được đẩy nhanh tiến độ trong quá trình triển khai thực hiện.
Đề án đầu tư xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua tại Kỳ họp thứ 6, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 và phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị phấn đấu 100% các trường mầm non, phổ thông công lập ở các vùng khó khăn trên địa bàn có đủ phòng ở công vụ cho giáo viên.
(Nguồn: Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị)