Trong tiết trời lạnh giá, hàng chục học sinh bậc tiểu học của điểm trường Càng (thuộc Trường TH&THCS Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) co ro bám chặt mạn ghe để phụ huynh chống chèo vượt đồng sâu đến trường theo con chữ. Sự học ở vùng rốn lũ vốn đã nhiều vất vả thì nay lại càng gian nan hơn mỗi khi nước nguồn đổ về làm ngập cánh đồng, chia cắt đường vào khu dân cư nơi các em sinh sống.
Vượt đồng sâu đến trường học chữ
Đã hơn nửa tháng nay, vùng rốn lũ nơi tọa lạc của điểm trường Càng (ở càng An Thơ, xã Hải Phong), nguồn nước bạc từ ngoài đê và sông Ô Lâu đổ về khiến cánh đồng mênh mông nước. Trong đó một số càng (khu dân cư nằm biệt lập giữa đồng) như Hội Điền, An Thơ, Hưng Nhơn (xã Hải Phong); Cây Da (thị trấn Diên Sanh); Mỹ Chánh (xã Hải Chánh) thường xuyên bị ngập, khiến việc đi lại bằng đường bộ của người dân, đặc biệt là việc đến trường của con em gặp vô vàn khó khăn. Ngập sâu nhất là thôn Hội Điền, mực nước dâng lên trong khu dân cư phổ biến từ trên 0,5 m và từ khu dân cư đi ghe băng qua cánh đồng để đến điểm trường, mực nước ngập khoảng trên dưới 1,5 m.
Ông Võ Văn Hải, ở thôn Hội Điền, xã Hải Phong, một phụ huynh có con đang học ở điểm trường Càng nhìn con nước ở sông Ô Lâu ngay trước mặt điểm trường, cho hay: “Nếu như mọi năm, nước chỉ lên vào khoảng từ tháng 9 đến hết tháng 11 (mỗi đợt nước lên từ vài ngày cho đến khoảng 2 tuần) là đã kết thúc.
Nhưng lạ nỗi là năm nay qua nửa tháng 12 rồi mà nước ở vùng này vẫn còn ngập sâu. Khu dân cư chúng tôi bị chia cắt đường bộ, mọi việc đi lại, ra vào phải đi bằng ghe. Tiết trời cứ mưa lạnh lai rai kéo dài thế này thì chắc hẳn gần hết tháng 12 nước mới rút, vì ở đây là vùng rốn lũ thấp trũng nhất nên nước thoát rất chậm và thường rút hết sau cùng”.
Ông Hải cho biết, vào mùa mưa nước dâng chia cắt khu dân cư, ông và nhiều gia đình có con em đi học ở điểm trường Càng đều phải luân phiên cắt cử nhau chạy ghe đưa con đến trường. “Đến trường vào mùa mưa này, các cháu thường phải dậy từ 5 giờ 30 phút sáng, sau đó được các gia đình chống ghe đưa đến tập kết ở một điểm cao trong thôn.
Rồi từ đây, 2 người lớn/ghe điều khiển đưa các cháu vượt quãng đồng ngập nước gần 2 km để đến đường bê tông gần điểm trường. Nhiều cháu mang theo xe đạp còn phải đưa lên xuống ghe rất vất vả. Mỗi ngày 2 lượt đón đưa như vậy. Tuy vất vả và không kém phần nguy hiểm nhưng cả phụ huynh lẫn học sinh đều không mong muốn việc học bị gián đoạn”, ông Hải nói.
Em Võ Thị Ngọc Phi, lớp 5C, điểm trường Càng vừa thùng thình trong bộ áo phao và áo mưa bước lên từ chiếc ghe băng đồng đi ra từ “ốc đảo” Hội Điền nói mùa nước ngập này, em thường phải dậy thật sớm để bới theo cơm, mì gói, nước uống. “Nếu bạn nào mang theo xe đạp thì cũng chuẩn bị sẵn để đưa lên ghe sớm.
Qua mấy lần lên xuống ghe mới đến được điểm trường. Lúc ngồi ghe, nếu trời không mưa thì còn đỡ chứ gặp lúc trời mưa, gió nước tạt vào mặt rát lắm, áo quần, sách vở nhiều bữa cũng bị ướt nhem nhuốc. Tuy vất vả nhưng em và các bạn luôn mong muốn được đến trường. Ở trường các thầy cô giáo rất thương và thường giúp đỡ chúng em việc ăn uống, ngủ nghỉ đàng hoàng”, em Phi nói.
Thầy giáo Nguyễn Văn Huynh, dạy ở điểm trường Càng cũng là người ở thôn Hội Điền, cho biết, điểm trường có toàn bộ 71 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5). Trong đó có 14 em ở thôn Hội Điền, 25 em ở càng Mỹ Chánh. Đây là những khu dân cư thường bị ngập, vì vậy vào mùa mưa đa số các em phải đến trường bằng ghe do phụ huynh đưa đi.
Thầy Huynh cho hay, do toàn bộ điểm trường có khá đông học sinh ở nhiều khu dân cư khác nhau nên nếu việc một phần học sinh ở khu dân cư bị ngập sâu không đi học thì cũng không thể cho toàn điểm trường nghỉ học. “Việc ngập ở vùng này đã trở thành chuyện thường xuyên và đặc trưng xưa nay rồi.
Nếu lũ lụt lớn thì toàn trường hay toàn điểm trường có thể được nghỉ học, chứ những đợt ngập thi thoảng, thất thường như thế này thì các em vẫn phải duy trì học bình thường. Vì nếu chỉ một vài em nghỉ học thì các em không thể theo kịp được chương trình, mà điểm trường cũng khó có thể đảm bảo việc dạy lại cho các em sau khi nghỉ học. Rất may, phụ huynh và học sinh đều ủng hộ, cố gắng khắc phục vượt khó để duy trì việc đến lớp”, thầy Huynh chia sẻ.
Tiếp sức để trò nghèo theo con chữ…
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, trong các tiết học, thầy Huynh cũng như các thầy cô giáo thường lồng ghép giáo dục kỹ năng, trang bị kiến thức về an toàn giao thông đường thủy; nhắc nhở các em gài áo phao đúng cách mỗi khi đi ghe thuyền; tạo điều kiện cho các em được học bơi lội vào mùa hè…
Điểm trường không tổ chức bán trú nên ngày thường, vào buổi trưa các em tự về nhà, chiều lại tiếp tục đến trường. Nhưng những ngày mưa gió, phải đi học bằng ghe thì học sinh vùng bị ngập lụt mang theo cơm, mì tôm và ăn nghỉ lại ở điểm trường vào buổi trưa, đến chiều phụ huynh đón về bằng ghe.
Thầy giáo Hoàng Ngọc Trị, giáo viên điểm trường Càng dù ở thị trấn Diên Sanh nhưng những ngày mưa gió thường tranh thủ về điểm trường từ sớm để phụ giúp phụ huynh đón các em học sinh lên xuống ghe vào lớp.
“Những hôm trời mưa gió, học sinh phải ở lại buổi trưa, tôi thường nấu nước pha mì gói giúp các em, nhất là các em học sinh lớp 1, 2, 3 rồi cho các em ngủ. Dù mùa này có vất vả hơn nhưng với trách nhiệm của người thầy, mình cố gắng hết sức giúp các em đỡ khó khăn để duy trì, phấn đấu học hành”, thầy Trị tâm sự.
Còn thầy giáo Nguyễn Huynh thì ghi lại những hình ảnh, thước phim ngắn về cảnh học sinh đến trường trong mưa gió gian nan ở vùng Càng, để lưu lại kỷ niệm của thầy trò thông qua mạng xã hội. Cũng từ đây, nhiều tấm lòng hảo tâm biết được đã nhanh chóng sẻ chia bằng những hành động thiết thực, kịp thời.
Như thầy giáo Nguyễn Viết Tước, giáo viên Trường TH&THCS Hải Vĩnh, vào ngày 8/12 đã nhanh chóng liên hệ hỗ trợ 75 suất cơm. Tiếp đó vào ngày 9/12, có vợ chồng chủ một tiệm bánh kem ở đối diện Trường THPT Hải Lăng (giấu tên) cũng hỗ trợ toàn bộ suất cơm cho các em ở lại buổi trưa…
Hay như mới đây, Tạp chí Cửa Việt đã trao tặng 30 chiếc chăn giúp các em được ấm áp trong những ngày mưa lạnh phải ở lại trường vào ban trưa… “Nhiều người đã gọi điện thoại xin được hỗ trợ bữa ăn cho các cháu vào mùa mưa, nước ngập chia cắt. Điều này khiến thầy trò ấm lòng và cảm kích vô cùng. Đó cũng là động lực lớn để thầy trò chúng tôi vượt khó dạy tốt, học tốt với mong muốn mang lại tương lai tươi sáng cho các em học sinh vốn còn nhiều khó khăn ở vùng rốn lũ này”, thầy Huynh giải bày.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)