Trước đây, phần lớn người dân quanh năm chân lấm, tay bùn ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) không nghĩ có thể đổi thay cuộc đời bằng nghề nông.
Từ ngày Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương được triển khai, niềm tin trong lòng bà con đã được ươm mầm và đơm hoa, kết trái.
Nhiều nông dân huyện Triệu Phong đã thu xếp việc đồng áng, nương vườn, có mặt tại hội thảo kết thúc Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương được tổ chức tại thị trấn Ái Tử. Họ đến đây để tri ân những người mang lại niềm tin, sự đổi thay cho gia đình mình và cả vùng quê nghèo. Trước kia, phần lớn nông dân huyện Triệu Phong cho rằng việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” khó mang lại cuộc sống no ấm. Nhiều người “bất đắc dĩ” gắn bó với nghề nông và luôn hi vọng sẽ đổi đời nhờ một công việc nào đó. Suy nghĩ ấy hoàn toàn thay đổi từ khi họ bắt tay vào trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức canh tác tự nhiên.Tháng 1/2017, Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương được triển khai trên địa bàn 5 xã của huyện Triệu Phong gồm: Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Trung và Triệu Thượng. Dự án do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới triển khai thực hiện, được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA tài trợ với tổng số vốn hơn 1 triệu USD. Mục tiêu của dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương là nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, hướng đến gia tăng phúc lợi cho trẻ em và người dân có hoàn cảnh khó khăn một cách bền vững thông qua việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng phương thức canh tác tự nhiên và kết nối thị trường.
Buổi đầu, việc triển khai Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương gặp nhiều khó khăn. Lâu nay, người dân ở các xã trong vùng dự án quen với phương thức sản xuất cũ. Đối với họ, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, kháng sinh là “liều thuốc” hữu hiệu, cách duy nhất giúp cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tốt. Vì thế, để thu hút người dân tham gia, cán bộ, nhân viên Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương đã phải tích cực phối hợp với UBND huyện Triệu Phong và các phòng, đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Các chuyên gia nông nghiệp từ Hàn Quốc được mời về địa phương để giới thiệu, hướng dẫn bà con về phương thức canh tác tự nhiên. Ông Đào Văn Đức, Trưởng Dự án KOICA - Tầm nhìn Thế giới huyện Triệu Phong chia sẻ: “Ngay những ngày đầu, chúng tôi đã xác định cái khó nhất chính là làm sao để người dân đồng thuận, hưởng ứng, rồi thay đổi cách nghĩ, cách làm. Điều khiến anh em rất vui mừng là từ tò mò, chưa đặt lòng tin, nông dân ở 5 xã dự án đã thấy được cái mới, cái hay của mô hình canh tác tự nhiên và nhiệt tình ủng hộ”.
Tham gia Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương, người dân thực hiện nguyên tắc trồng trọt “ba không”: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng phân bón hóa học. Trong chăn nuôi, bà con kiên quyết nói không với thức ăn công nghiệp, thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trọng, tạo nạc. Để giúp cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, họ tự làm ra chế phẩm từ các nguyên liệu sẵn có, thân thiện với môi trường như ốc, cá tạp, vỏ trứng, rau khoai, thân cây, chuối, ớt, tỏi… Bỏ nhiều công sức, người dân trong vùng dự án vô cùng phấn khởi trước những tín hiệu khả quan. Bà con không còn ngứa ngáy lúc lội ruộng hay ngửi thấy mùi khó chịu bốc ra chuồng gà, chuồng lợn sau khi vệ sinh bằng chế phẩm. Đất trồng lúa, rau màu ngày càng phì nhiêu, màu mỡ. Đặc biệt, thu nhập của người dân tăng gấp đôi so với thời điểm sử dụng phương thức canh tác thông thường. “Tiếng lành đồn xa”, số hộ dân đăng kí tham gia Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương tăng nhanh. Đến nay, toàn vùng dự án có 915 hộ dân áp dụng mô hình canh tác tự nhiên. Bà Phan Thị Kim Chi, trú tại thôn Nhan Biều 2, xã Triệu Thượng chia sẻ: “Mô hình canh tác tự nhiên đã giúp chúng tôi đổi thay cách nhìn, cách nghĩ, cách làm, đặc biệt là mang đến ấm no, hạnh phúc cho bà con”.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, được sự hỗ trợ của Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương, người dân ở các xã: Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Trung và Triệu Thượng sớm liên kết với nhau hình thành các nhóm sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã. Hiện nay, trong vùng dự án có 60 nhóm sản xuất gồm: 36 nhóm nuôi gà, 5 nhóm nuôi lợn, 13 nhóm sản xuất lúa và 6 nhóm trồng rau. 55 nhóm sản xuất đã thiết lập được chuỗi giá trị ổn định để bán các loại nông sản canh tác tự nhiên với giá cao hơn 20% so với nông sản cùng loại ở phương thức canh tác thông thường. Hiện nay, 30 nhóm sản xuất có hợp đồng tiêu thụ nông sản sạch canh tác tự nhiên với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà phân phối. Để cùng phát triển, các nhóm sản xuất đã liên kết thành lập, phát triển thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Về phần mình, những nông dân sản xuất giỏi, cán bộ khuyến nông thôn, xã đã trở thành giảng viên thực hành canh tác tự nhiên, có khả năng hướng dẫn lại cho người dân muốn áp dụng phương thức này. Những kết quả trên được lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong rất ghi nhận.
Ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao các can thiệp và kết quả mà Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương mang lại. Việc sản xuất nông sản sạch gắn với kết nối thị trường giúp người nông dân có thêm thu nhập và bảo vệ môi trường rất phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Sau 2 năm, Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương đã mang lại nhiều niềm vui cho người dân huyện Triệu Phong. Khép lại dự án, bà con ở các xã Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Trung và Triệu Thượng đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức. Họ tin rằng hoàn toàn có thể đổi đời bằng nghề nông nếu kiên trì áp dụng phương thức canh tác tự nhiên. Hôm hội thảo kết thúc Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương được tổ chức, nhiều đại biểu, trong đó phần lớn là nông dân trong vùng dự án đã gửi lời cảm ơn đến Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới. Ai cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự tiếp sức để bà con không chỉ đứng vững với mô hình canh tác tự nhiên mà còn có những bước tiến dài trong tương lai.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)