Miền Trung đang phải chịu những thiệt hại nặng nề do tác động của thiên tai. Mưa lớn, lũ quét gây lở đất, ngập lụt khắp nơi phải chăng là hệ quả của mất cân bằng sinh thái bấy lâu nay? Khi "lá phổi rừng" bị tàn phá, một cơ thể "suy hô hấp" làm sao chống chọi nổi với mưa to gió lớn là một vấn đề hẳn đang làm đau đầu các nhà khoa học, nhà quy hoạch môi trường.
Cơn thịnh nộ của núi
Chưa dừng lại ở những thiệt hại do bão, những cuộc sạt lở đất đá ở những vùng miền núi càng khốc liệt hơn. Ở Quảng Nam những ngày này, khắp các vùng núi có lẽ là những ngày buồn đau khi liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người. Dù cơn lũ dữ đã đi qua nhưng nó để lại là bao nỗi đau, mất mát đối với người dân ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Người chết, người bị thương, gia đình ly tán, những tài sản có giá trị bị vùi lấp dưới hàng ngàn m3 đất đá. Giờ đây, thôn 1 chỉ còn là đống đất đá khổng lồ, hoang tàn như vừa trải qua trận đại hồng thủy.
Cách đây vài ngày, khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền thì Quảng Nam và Quảng Ngãi nằm trong tâm bão. Huyện miền núi Nam Trà My giáp với tỉnh Quảng Ngãi nên gần như hứng trọn cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Mưa dầm dề. Mưa trắng triền đồi. Mưa trút lên những thân phận người nghèo trong những căn nhà tạm bợ. Trong chiều thẫm tối, mưa quăng quật nặng hạt và đất đá đổ ụp xuống những sinh linh nhỏ bé. Không khí kinh hoàng và tang thương nặng trĩu cả góc núi những ngày qua. Bão tan thì người thân, lực lượng tìm kiếm cứu nạn nén đau thương khẩn trương tìm kiếm những người mất tích trong vụ sạt lở núi vùi lấp 45 người trong ngôi làng ở xóm núi này.
Người dân thôn 1, xã Trà Leng dường như không còn tâm trí để nghĩ đến chuyện làm ăn mà chỉ tập trung lo làm ma chay, hậu sự cho người thân. Trên gương mặt họ, ai nấy đều không giấu nổi nỗi buồn, vẻ thất thần, lo âu. Vì, có những người sống ở đây bạc cả mái đầu nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh sạt lở kinh hoàng đến vậy. Từ hồi xưa đến nay, thời chiến tranh thì người dân vùng đất này cũng chưa hề gặp đất lở như thế này. Cuộc sống dân làng không còn gì hết, đất lở bay nhà cửa, vườn tược cũng không còn. Núi non sạt lở, cây cối, nhà cửa, của cải và cả những người thân bị chôn vùi dưới đống đất đá. Những khuôn mặt thẫn thờ, xóm làng xác xơ..., tất cả minh chứng cho nỗi đau không dễ gì bù đắp nổi. Vốn đã nghèo, đã khó, giờ đây hàng trăm hộ đồng bào lại càng khó càng nghèo hơn xưa.
Ngày hôm ấy sẽ là ngày giỗ chung của nhiều người dân ở đây. Nhìn đống đổ nát hoang tàn, nhiều người nước mắt cứ lưng tròng. Hàng chục người thoát chết tá túc tạm trong những ngôi nhà còn lành lặn, nhìn nhà của họ đã bị đất đá cuốn trôi. Nhiều người khi lực lượng chức năng vào giải cứu vẫn còn thảng thốt, bàng hoàng, chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra. Những người dân ở nóc nhỏ bé này bỗng chốc trắng tay, không cửa, không nhà trong mưa lớn và lở núi.
Anh Đinh Văn Thượng, công nhân đang làm việc tại trung tâm xã Trà Leng vẫn còn bàng hoàng vì vừa thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Đôi môi run rẩy, anh thuật lại, khi đất hết sạt lở, anh đứng dậy, gọi lớn. Đâu đó vẫn còn nghe tiếng kêu cứu, anh cùng những người sống sót, mạnh khỏe giúp đỡ những người bị thương nặng. Nhưng, xung quanh đã bị bao vây bởi bùn đất nên anh kéo mọi người lên chỗ đất trống và cứng để chờ ứng cứu. “Ngay khi thấy bộ đội, tôi mới biết mình còn sống. Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ quên được sự việc kinh hoàng này", anh Thượng ngậm ngùi.
Đôi mắt đỏ hoe, đôi tay bới cào bùn đất đỏ để tìm người thân, chị Hồ Thị Hòa là người may mắn thoát chết trong vụ sạt lở núi kinh hoàng không còn sức để khóc nữa. Tiếng kêu cứu xé lòng vang lên rồi chìm vào trong đất từ đỉnh núi đổ xuống. Giữa đại ngàn bao la, nóc Ông Lục (thôn 1, xã Trà Leng) vốn bình yên với những mái nhà gỗ nằm bên con suối thì nay đã bị san phẳng. 11 căn nhà với 55 nhân khẩu bỗng chốc bị nước lũ cùng hàng nghìn tất đất đá từ núi đổ về cuốn phăng cùng bao gia sản. Dù 33 người đã may mắn thoát chết nhưng 22 người tử vong và mất tích là còn số quá kinh hoàng. Nỗi ám ảnh ấy có lẽ rất khó nguôi ngoai.
Phép màu trong bùn đất
Thời tiết ở Nam Trà My những ngày sau vụ lở núi rất nguy hiểm do mưa bão làm phần đất sạt lở bị nhão, kết dính khiến công tác cứu hộ chồng chất khó khăn. Ngay sau vụ lở, các phương tiện, thiết bị tìm kiếm nhanh chóng được đưa vào hiện trường để đánh dấu các vị trí nghi có nạn nhân bị vùi lấp. Một vệt dài của vụ sạt lở đất từ trên vách núi kéo dài theo con suối xuống tận vực sâu với ngổn ngang đất đá, gỗ và các vật liệu. Giữa đống đổ nát ấy, hình ảnh lực lượng cứu nạn tại chỗ cùng người thân vẫn đang cố gắng tìm kiếm người mất tích trông lọt thỏm, sao mà nhỏ bé.
Điều kỳ diệu đã xảy ra sau khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được khu vực xảy ra sạt lở, dù bị lượng lớn đất đá vùi lấp dẫn tới bị thương rất nặng nhưng nhiều người đã may mắn thoát nạn, vẫn còn sống sót.
Chị Hồ Thị Hà - một trong số các nạn nhân kể lại khoảnh khắc sinh tử đó, chị Hà dù bị đất đá vùi nhưng vẫn cố gắng ngoi lên. Thời điểm đó, trước mắt chị là cảnh tượng kinh hoàng. Chị kêu gào để tìm người thân trong gia đình. Lúc này, chị thấy hai cô con gái bị đất vùi nhưng vẫn lộ ra một số bộ phận trên cơ thể. Không nghĩ ngợi, chị Hà đã dùng đôi tay để moi cào đống đất đá đó. Cứu được con, chị Hà ôm con vào lòng rồi khóc nức nở. Hai đứa con của chị Hà, một cháu chỉ bị xây xát nhẹ, một cháu bé bị gãy chân.
Chồng chị Hồ Thị Hà là anh Nguyễn Cao Tùng (ở Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam) đang đi làm thuê tại huyện Phước Sơn thì nghe tin bão và sạt lở đất ở quê nhà vùi lấp vợ con nên lội sông lội suối để về. Khi về đến làng, anh nhận hung tin cha vợ đã bị núi sạt lở vùi lấp, người vợ đang mang bầu và hai đứa con nhỏ đã được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam điều trị vì bị thương khá nặng. gặp mấy người quen chặn lại nói: “Mày đừng về nữa, cha vợ mày chết rồi, còn vợ con và mẹ vợ mày bị thương nặng lắm đưa hết xuống bệnh viện dưới Tam Kỳ rồi”.
Không nghĩ được gì, anh bật khóc, quay ngược ra đường đón xe tìm vợ con. Khi thấy đoàn từ thiện đang trên đường đi xe buýt lên Trà Leng, anh xin đi nhờ để ngược xuống Bệnh viện Tam Kỳ thăm vợ. Gặp một nhóm từ thiện đang phát quà cho bà con ở Trà Leng thì anh xin đi nhờ xuống Tam Kỳ. Đường còn rất xa, đi xe đò phải hơn 7 tiếng mới tới.
Nhóm từ thiện đã rút 1 triệu cho nhưng người đàn ông này nói trong nước mắt: “Em không cần tiền, cho em xin xe đi thôi”. “Chân em đi như chạy, bụng đói. Gặp mấy anh chị từ thiện, em xin đi xe mà họ lại cho tiền, em sợ họ không cho đi nên nói em không nhận tiền, em chỉ cần xin xe đi thôi. Họ nói đợi họ khoảng 30 phút để họ tặng quà cho dân xong rồi sẽ cho em đi theo xe nhưng em sốt ruột quá, không đợi đươc", anh Tùng kể lại.
Vì quá nóng ruột lo cho vợ con, anh đã tự lội bộ ra đường để bắt xe xuống Tam Kỳ. Sau đó Tùng cắm đầu đi bộ khoảng 6 cây số thì gặp một xe đi trao quà từ thiện từ Trà Leng về nên xin đi nhờ xe xuống Tam Kỳ rồi xuống Bệnh viện Quảng Nam tìm vợ con... Câu chuyện của anh được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và khiến nhiều người xúc động.
Dốc sức với đồng bào
Sau 4 ngày xảy ra vụ sạt lở đất ở Trà Leng, lực lượng cứu nạn của Quân khu 5 và địa phương vẫn đang nỗ lực hết sức để khắc phục. Tuy nhiên, do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9 vừa đi qua, con đường lên Trà Leng nay ngổn ngang bởi cây cối và sạt lở đất và những cơn mưa lớn hậu bão.
Ngày 1-11, lực lượng Công an huyện Nam Trà My, Công an Bắc Trà My, Cảnh sát PCCC&TKCN, Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với lực lượng chức năng đã dùng 32 phương tiện tổ chức tìm kiếm 14 người còn đang mất tích trong vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My trên sông Leng và lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Diện tích mặt nước tìm kiếm lên đến hơn 200ha. Mặc dù trải qua nhiều ngày tìm kiếm rất vất vả, song lực lượng công an vẫn nỗ lực tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân.
Cùng với đó, cũng trong ngày 1-11, máy bay trực thăng Mi-171, Trung đoàn 930, Sư đoàn không quân 372 thực hiện chuyến bay cứu trợ người dân đang bị cô lập tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Máy bay Mi-171 đã cất cánh tại sây bay Đà Nẵng mang theo hơn 2 tấn hàng cứu trợ gồm: Gạo, nước ngọt, nhu yếu phẩm được tập kết để nhanh chóng vận chuyển lên cho bà con xã Phước Lộc đang bị cô lập nhiều ngày qua.
Cùng với trực thăng, thì trong sáng 1-11, các đơn vị ứng cứu tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã quyết định chia nhiều nhóm, cắt rừng để gùi hàng hóa vào cho các hộ dân và công nhân thủy điện đang bị cô lập trong vụ sạt lở núi tại xã Phước Lộc. Các đơn vị dân quân đã chia nhau gùi cõng lương thực và nước uống vào khu vực sạt lở núi để ứng cứu cho các hộ dân và các nhóm công nhân của nhà máy thủy điện Đak Mi 2 vốn đang bị cô lập nhiều ngày nay. Mỗi người gùi một bao hàng hóa nặng 15kg rồi cắt rừng lội suối để vào ứng cứu. Lương thực, thực phẩm gồm gạo, áo quần, chăn màn được tập kết tại nhà sinh hoạt cộng đồng xã Phước Công cho lực lượng dân quân chuyển đến xã Phước Lộc.
Cuộc sống của người dân sau khi sạt lở đất thì đã vùi lấp, tan hoang và mất đi hết tất cả mọi thứ, bây giờ cuộc sống họ đang rất khó khăn và cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội. Thiên tai khó có thể ai lương hết được nhưng những gì nó để lại thật sự là kinh hoàng với người xóm núi này. Khung cảnh tan hoang và không khí tang thương đang bao trùm lên ngôi làng đã bị xóa sổ do vụ sạt lở đất gây ra. Rất may, chính quyền, đoàn thể các cấp đã sớm vào cuộc hỗ trợ bà con, đưa họ đến nơi an toàn, thăm viếng chia sẻ nỗi đau, cùng giúp họ có phần ấm lòng trong những thời khắc đau thương này.
(Nguồn: Báo An Ninh Thế Giới)