Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, riêng trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã có hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ, trong đó có hàng chục điểm đặc biệt nghiêm trọng không chỉ vùi lấp ách tắc giao thông mà còn gây đứt, gãy hoàn toàn, xâm thực vào nền đường gây chia cắt. Sạt lỡ nghiêm trọng nhất là khu vực Đèo Sa Mù với gần 30 điểm trong đó có nhiều điểm sạt lở taluy âm và taluy dương với chiều dài hàng trăm mét.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải và của UBND tỉnh Quảng Trị về tập trung khắc phục hậu quả sạt lở núi, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến giao thông trọng điểm, nhất là đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, phá thế chia cắt, cô lập hai xã Hướng Việt và Hướng Lập (huyện Hướng Hóa); trong suốt 2 tuần qua, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã tập trung phương tiện cơ giới, nhân lực, tăng ca tăng kíp khắc phục nhanh các điểm sạt lở.
Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Giao thông 494 là một trong 3 đơn vị được giao nhiệm vụ khắc phục sạt lỡ đất đá từ km 22 cho đến khu vực đỉnh đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa. Trong suốt thời gian qua, bên cạnh giải tỏa hàng triệu mét khối đất đá bị sạt lở, công ty còn huy động vật tư, đá hộc, vải bạt để khắc phục sạt lở.
Ông Đặng Công Sự, Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 494 cho biết: Hiện nay, đơn vị đang khắc phục điểm sạt lở cuối cùng, khó khăn nhất trong thời gian qua là do mưa bão liên tục, nhất là cơn bão số 9 nhưng anh em vẫn quyết tâm, làm ngày làm đêm để đảm bảo thông tuyến cho bà con ở xã Hướng Việt.
Với tinh thần hết sức khẩn trương, các đơn vị đã tập trung giải tỏa sạt lở từ trong ra và ngoài vào để thông tuyến nhanh nhất có thể. Đến ngày 4/11, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây cơ bản thông tuyến, đảm bảo cho 1 làn xe đi lại, chấm dứt việc chia cắt cô lập cho hai xã Hướng Việt và Hướng Lập. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ tái sạt lở trên tuyến là rất lớn, các phương tiện lưu thông cần hết sức đề phòng, hạn chế các sự cố giao thông có thể xảy ra.
(Nguồn: QRTV)