Hiến máu cứu người và câu chuyện về những ''ngân hàng máu sống''

M.H |

Hàng nghìn thành viên của các Câu lạc bộ máu hiếm, máu dự bị, máu khẩn cấp…trên khắp cả nước luôn sẵn sàng hiến máu cứu người bất kể ngày đêm, mưa nắng, không quản ngại đường sá xa xôi.

Trong số gần 1,5% dân số hiến máu tình nguyện ở nước ta, hàng nghìn người thuộc các Câu lạc bộ máu hiếm, máu dự bị, máu khẩn cấp… đã luôn sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào, dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, thậm chí không quản ngại đường xa, vượt hàng trăm cây số để cứu người.

Hiến máu không quản ngày đêm

Với tâm niệm “Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại,” “Cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp,” thầy giáo Lê Hoài Nam, Trường Trung học Cơ sở Liên Hương, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh, đã tham gia hiến máu tình nguyện rất nhiều lần và vận động hàng trăm người cùng tham gia hiến máu.
Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm khu vực miền Bắc Trần Sách Minh (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên máu hiếm nhóm B Rh(D) âm. (Nguồn: vienhuyethoc.vn)
Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm khu vực miền Bắc Trần Sách Minh (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên máu hiếm nhóm B Rh(D) âm. (Nguồn: vienhuyethoc.vn)
 

Thầy Lê Hoài Nam bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Suốt thời gian học tại trường, thầy Nam đã tham gia nhiều chương trình hiến máu tự nguyện tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh do Thành Đoàn và Đoàn trường phát động.

Khi về công tác tại quê nhà ở huyện Vũ Quang - huyện miền núi nghèo, xa trung tâm tỉnh lỵ, địa bàn cách trở, đi lại khó khăn - nhưng thầy Nam vẫn tiếp tục hiến máu cứu người vì thầy nhận thấy việc huy động “ngân hàng máu” để cấp cứu cho bệnh nhân ở đó rất khó khăn.

Trong những lần hiến máu, thầy nhớ nhất là một đêm gần Tết năm 2013. Khoảng 1 giờ sáng, thầy Lê Hoài Nam bất ngờ nhận được điện thoại của một người bạn là bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ (Hà Tĩnh) thông báo có thai phụ bị băng huyết, co giật, cần truyền máu gấp.

Ngoài trời lúc đó đang mưa phùn, gió bấc, rét lạnh, nghĩ đến tính mạng của mẹ con thai phụ, thầy Nam gấp rút chạy xe máy xuống bệnh viện hiến máu.

Lần khác, khi đang chăm sóc vợ sinh con thứ hai tại Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ, thầy nghe tin có người bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, mất máu nhiều, đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Nhận điện thoại, thầy đi ngay mà không nói cho vợ biết.

Để cứu giúp những trường hợp cần máu khẩn cấp, thầy Lê Hoài Nam đã đăng ký thông tin trợ giúp trên diễn đàn nhóm máu O của Việt Nam và trở thành “ngân hàng máu sống,” sẵn sàng cho máu trong những trường hợp nguy cấp tại địa phương.

Thầy Lê Hoài Nam còn là tuyên truyền viên tích cực, luôn vận động, tuyên truyền, tư vấn cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp hiểu về ý nghĩa của việc hiến máu và tham gia hiến máu. Thầy cũng chủ động chia sẻ kinh nghiệm với những người tham gia hiến máu nhiều lần về chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao, duy trì lối sống lành mạnh để đảm bảo cung cấp nguồn máu chất lượng cho người bệnh.

Từ chính việc làm của mình, thầy đã vận động được hàng trăm người cùng tham gia thực hiện nghĩa cử cao đẹp này.

"Nghĩ đến những người phải giã từ cõi đời vì không có đủ máu là điều luôn thôi thúc tôi tiếp tục hiến máu. Sau mỗi lần hiến máu, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn khi cho đi,” thầy Nam chia sẻ.

Hạnh phúc khi được giúp đỡ mọi người

Cũng tham gia hiến máu từ khi còn là sinh viên, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm khu vực miền Bắc Trần Sách Minh còn bất ngờ được biết mình thuộc nhóm máu hiếm B (Rh-).

Cảm giác đầu tiên là lo sợ khi không hiểu máu hiếm là thế nào. Sau khi tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin, anh Minh mới biết, máu hiếm không phải một căn bệnh và cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm khu vực miền Bắc Trần Sách Minh (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên máu hiếm nhóm B Rh(D) âm. (Nguồn: vienhuyethoc.vn)

Chỉ có điều, tỷ lệ người thuộc nhóm máu này ở Việt Nam rất ít (hiện chiếm khoảng 0,1% dân số). Vượt qua những lo ngại ban đầu, anh Minh quyết định tham gia Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm khu vực miền Bắc để có thể giao lưu và tương trợ với các thành viên trong cộng đồng. Đến nay, sau 8 năm, anh Minh đã tham gia hiến máu khẩn cấp 15 lần để cứu người.

Trong đó, lần hiến máu đáng nhớ nhất với anh Trần Sách Minh là khi đang đi làm công trường ở Bắc Ninh. Đang làm việc, anh nhận được điện thoại thông báo có bệnh nhân cấp cứu cần máu tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

Không đắn đo, anh xin phép nghỉ làm và đi xe máy vượt 30km về Hà Nội hiến máu, rồi sau đó lại chạy xe máy về Bắc Ninh để tiếp tục công việc khi biết sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm khu vực miền Bắc, anh Trần Sách Minh gần như giữ vai trò cầu nối giữa bệnh viện và các thành viên trong câu lạc bộ, huy động, điều phối mỗi khi có tình huống cần máu khẩn cấp.

Anh chia sẻ, không chỉ riêng anh mà tất cả các thành viên trong Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm khu vực miền Bắc đều sẵn sàng tham gia hiến máu bất cứ khi nào có người cần. Bởi hơn ai hết, các thành viên đều hiểu tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người.

Tuy nhiên, chàng trai trẻ Trần Sách Minh cho biết, việc hiến máu của anh còn chưa được người thân ủng hộ do lo sợ việc hiến máu thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Thế nhưng, anh Trần Sách Minh vẫn luôn tin rằng, một ngày nào đó, gia đình sẽ hiểu và ủng hộ quyết định của mình.

Với quan niệm “giúp người khác cũng là giúp chính mình,” Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm khu vực miền Bắc Trần Sách Minh cảm thấy thật hạnh phúc khi được giúp đỡ mọi người vì với anh “cho đi tức là nhận lại.”

Chưa một lần được nhận lời cảm ơn từ người nhận máu, cũng chưa từng hỏi những giọt máu đó được trao cụ thể cho ai, nhưng thầy giáo Lê Hoài Nam và anh Trần Sách Minh đều cảm thấy vui, hạnh phúc với công việc hiến máu tình nguyện của mình. Họ chỉ cần biết rằng những giọt máu ấy đã giúp một ai đó kéo dài thêm sự sống và hy vọng.

Với tấm lòng đầy tâm huyết và tinh thần sẵn sàng hiến máu cứu người, thầy Lê Hoài Nam và anh Trần Sách Minh vinh dự là hai trong số 100 cá nhân hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2021 được Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện lựa chọn tôn vinh./.

 (Nguồn: TTXVN/Vietnam+)

TAGS

3 mẹ con nhiều năm liền tham gia hiến máu nhân đạo

PV |

Nhiều năm nay, bà con ở khu phố Hồ Văn Long, phường Hòa B, quận Bình Tân (TPHCM) đã quen với hình ảnh 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Thúy Oanh “dắt nhau” đi hiến máu nhân đạo. Vừa qua, chị Oanh nằm trong Top 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2021.

2 bác sĩ kịp thời hiến máu cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch

Hà Trang |

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, để kịp thời cứu sống một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hai bác sĩ của bệnh viện đã tự nguyện hiến máu cứu người.

Tặng Bằng khen 2 chiến sĩ công an hiến máu cứu trẻ em trong vùng dịch

Thiên Bình |

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi lời cảm ơn chân thành tới lực lượng công an đã phối hợp tốt cùng ngành y tế và quân đội xứng đáng là những lực lượng ở tuyến đầu tạo nên tấm khiên vững chắc bảo vệ nhân dân trước sự tấn công của dịch COVID-19.

Đakrông: Trên 600 người tham gia hiến máu

Thu Hạ |

Ngày 13/4/2021, Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện huyện Đakrông (Quảng Trị) phối hợp với Trung tâm Huyết học - Truyền máu khu vực miền Trung tổ chức Ngày hội Hiến máu tình nguyện đợt 1, năm 2021 với thông điệp “Hiến máu cứu người, một nghĩa cử cao đẹp”.