Hiệu quả mô hình bán trú dân nuôi ở Hướng Lộc

Bích Liên |

Hướng Lộc là xã vùng khó của huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cuộc sống khó khăn khiến nhiều người dân ít quan tâm đến việc học của con em, ngành giáo dục và đào tạo tại đây gặp khó khăn trong việc duy trì sĩ số học sinh. Điều này luôn khiến các thầy, cô giáo tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lộc trăn trở. Ý tưởng xây dựng mô hình bán trú dân nuôi được nhà trường triển khai và đã đem lại hiệu quả rõ nét.

Lịch học của học sinh lớp 1, 2, 3, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa là cả ngày. Tuy nhiên, có một thực tế là đa số các ngày trong tuần, lớp học chỉ đông đủ vào buổi sáng còn buổi chiều chỉ có chưa đầy 50% học sinh đến lớp. Lý do chính là ba mẹ các em bận đi làm rẫy cả ngày, buổi trưa không có ai đưa các em đến lớp.

Tình trạng đó kéo dài khiến chất lượng dạy và học của trường bị ảnh hưởng. Việc bỏ lỡ nhiều buổi học trên lớp khiến nhiều học sinh không theo kịp chương trình học. Trước thực tế đó, từ tháng 9 năm 2022, nhà trường đã tổ chức mô hình bán trú dân nuôi.

Giáo viên tình nguyện ở lại chăm sóc học sinh vào buổi trưa khi thực hiện mô hình bán trú dân nuôi - Ảnh: B.L
Giáo viên tình nguyện ở lại chăm sóc học sinh vào buổi trưa khi thực hiện mô hình bán trú dân nuôi - Ảnh: B.L

Buổi sáng đi học, các em được ba mẹ chuẩn bị sẵn cơm để mang đến lớp. Hoặc có những em không chuẩn bị kịp, phụ huynh sẽ đưa cơm vào giờ trưa hơn. Nhờ vậy mà lớp học đã đông dần, không còn cảnh học sinh thưa thớt vào giờ học buổi chiều.

Cũng như đa số học sinh trong lớp 2A, gia đình em Hồ Kê Sia thuộc diện khó khăn. Ba mẹ làm nông nên thường ở lại trên rẫy vào buổi trưa, dù lịch học cả ngày song em thường chỉ đi học vào buổi sáng vì sau khi về nhà không ai đưa đi học vào buổi chiều. Việc nghỉ học thường xuyên khiến em không theo kịp bạn bè.

Em Hồ Kê Sia chia sẻ: “Đầu năm chưa có bán trú, cháu chỉ đi học buổi sáng vì không ai chở đi học. Từ ngày trường tổ chức bán trú ba mẹ chuẩn bị cơm để cháu đưa đi học, ăn trưa ở trường xong cháu ngủ lại ở trường chiều học lại nên không bị vắng học buổi nào”.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lộc hiện có trên 700 học sinh, trong đó có 265 học sinh lớp 1, 2, 3 học tại 1 điểm trường chính và 4 điểm trường lẻ. Mô hình bán trú dân nuôi dành cho học sinh lớp 1, 2, 3 của trường được triển khai thực hiện từ tháng 9/2022.

Thực hiện mô hình, phụ huynh mang cơm cho các em, còn nhà trường hỗ trợ về nơi ăn, ngủ. Nhà trường quyên góp đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ chăn, gối chiếu để các em ngủ trưa tại trường. Các giáo viên của trường ở lại chăm sóc các em trên tinh thần tự nguyện. Ngoài ra, thông qua các hình thức vận động, nhà trường cũng thường xuyên bổ sung thêm thức ăn trong khẩu phần ăn của các em.

Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lộc Võ Văn Thanh cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường gặp khó khăn đối với các học sinh lớp 1, 2, 3. Ở đây địa bàn rộng, dân cư thưa thớt nên các cháu học cả ngày thì phụ huynh chỉ đưa các cháu đi học vào buổi sáng, trưa đón về các cháu không đi học lại được. Nhà trường có một sáng kiến là tổ chức bán trú dân nuôi, phụ huynh đưa cơm cho các cháu, nhà trường hỗ trợ về nơi ăn, ngủ trưa.

Ngoài ra, các thầy, cô giáo cũng ủng hộ thêm để bữa ăn của các cháu thêm phần đầy đủ hơn. Từ mô hình bán trú dân nuôi đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà trường, số lượng học sinh được duy trì trên lớp đảm bảo, chất lượng học tập của các cháu được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì nhà trường cũng gặp một số khó khăn, nhất là cơ sở vật chất nơi ăn, nghỉ trưa cho các cháu. Phụ huynh của đa số học sinh còn khó khăn nên bữa cơm trưa của các cháu còn đơn giản, chưa đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, nhà trường cũng mong các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm để bữa ăn của các cháu đầy đủ hơn, đảm bảo sức khỏe học tập”.

Hiệu quả của mô hình bán trú dân nuôi tại một trường học ở địa bàn vùng khó như Hướng Lộc là rõ rệt. Từ sĩ số lớp học duy trì 50% khi chưa thực hiện bán trú lên gần 100% sau khi thực hiện bán trú cho thấy đây là mô hình phát huy hiệu quả tại những điểm trường vùng khó như Hướng Lộc.

Tận mắt chứng kiến bữa ăn được ba mẹ đưa tới cho các em, những chiếc bàn, ghế xếp tạm cùng sự ân cần, tình nguyện chăm lo cho học sinh nơi vùng khó này mới cảm nhận được tình nghĩa thầy, trò ngày đêm bền bỉ trên từng con chữ. Và càng mong có nhiều sự quan tâm, sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để những ngày bán trú của các em thêm phần đủ đầy.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đánh thức tiềm năng nuôi thủy sản trong lồng bè

Lê An |

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có trên 125 hồ, đập chứa nước, trong đó có 13 hồ chứa lớn và 1 đập lớn. Ngoài ra còn có các sông lớn như Bến Hải, Thạch Hãn, Ô Lâu…

Làng nghề nuôi cá chép đỏ nhộn nhịp trước ngày Tết ông Công, ông Táo

PV |

Những ngày này, người dân làng nuôi cá chép đỏ ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) lại nhộn nhịp chuẩn bị thu hoạch cá phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong ngày Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp hàng năm).

10 năm nuôi cháu bại liệt

Nam Phương |

Đó là câu chuyện của vợ chồng bà Lê Thị Bé (sinh năm 1953), hiện đang sống tại thôn An Thái, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Dù tuổi đã cao, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng ông bà vẫn cố gắng làm mọi thứ có thể để chăm lo cho đứa cháu tội nghiệp của mình.

Nỗi ác mộng mang tên suất ăn bán trú ở iShool Nha Trang

PV |

Ngôi trường ngỡ sẽ mang đến cho học sinh phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất nhưng đã để lại nỗi ác mộng không bao giờ quên cho các cháu.