Đánh thức tiềm năng nuôi thủy sản trong lồng bè

Lê An |

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có trên 125 hồ, đập chứa nước, trong đó có 13 hồ chứa lớn và 1 đập lớn. Ngoài ra còn có các sông lớn như Bến Hải, Thạch Hãn, Ô Lâu…

Đây là tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản tương đối lớn, đặc biệt là nuôi cá trong lồng bè. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện việc phát triển nuôi thủy sản trên sông và hồ chứa trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Nhằm khai thác lợi thế mặt nước trên các hồ, đập thủy lợi, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nuôi cá leo trong lồng tại hồ Bảo Đài thuộc xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh với quy mô 180 m3. Sau hơn 4 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân từ 1,2 kg/con. Với giá bán từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, trừ chi phí mô hình cho lợi nhuận gần 90 triệu đồng.

Ông Trần Đức Dũng, chủ hộ thực hiện mô hình cho biết, lợi thế của nuôi cá lồng trong hồ chứa đó là chất lượng nguồn nước luôn trong sạch, nhiệt độ ổn định, chưa có quá nhiều tác động của con người như nước thải sinh hoạt, chất thải, hóa chất của các nhà máy công nghiệp, rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản theo hướng tạo các các sản phẩm sạch, chất lượng cao.

Nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi Bảo Đài, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: L.A
Nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi Bảo Đài, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: L.A

Hiện tại, ngoài cá leo và các đối tượng nuôi truyền thống như cá chép, cá trắm cỏ, cá diêu hồng, ông còn thả nuôi thử nghiệm giống cá lăng đuôi đỏ để đa dạng hóa đối tượng nuôi. “Với lợi thế mặt nước lớn, trong thời gian tới tôi sẽ làm thêm lồng nuôi để thả nuôi với số lượng lớn hơn”, ông Dũng cho biết thêm.

Còn tại thôn Văn Trị, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, hơn 15 năm nay người dân ở đây ngoài nghề chài lưới trên sông đã có thêm nguồn thu nhập ổn định từ nghề nuôi cá lồng. Hiện tại toàn thôn Văn Trị đã có hơn 35 lồng nuôi cá chình với số lượng từ 200 - 300 con/lồng. Mỗi lồng cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Anh Phạm Viết Tin, một hộ nuôi cá chình lồng tại thôn Văn Trị cho biết, bình quân mỗi năm anh thả nuôi từ 3 - 4 lồng cá chình. Tùy kích cỡ giống thả mà sau từ 1 - 1,5 năm là có thể thu hoạch. Ngoài ra anh còn thả nuôi thêm một số lồng cá leo, cá trê, cá trắm cỏ, mang lại thu nhập mỗi năm từ 200 - 300 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của anh Tin, đối với nuôi cá lồng trên sông, người nuôi chỉ cần phải lưu ý ảnh hưởng của mưa bão, nước lũ tràn về có thể cuốn trôi lồng nuôi.

Do vậy, cần tính toán kỹ thời gian nuôi của từng đối tượng nuôi, đảm bảo thu hoạch trước mùa mưa bão. Riêng đối với nuôi cá chình lồng, do thời gian nuôi dài nên thay vì làm lồng nuôi hình chữ nhật, người dân ở đây đã cải tạo lại bằng cách vuốt nhọn một đầu theo hình dạng mũi thuyền, thân lồng được khoan nhiều lỗ nhỏ.

Khi đưa vào nuôi cá, phía mũi nhọn của lồng được hướng về phía thượng nguồn của sông và được cố định chắc chắn giữa lòng sông. Nhờ có hình mũi thuyền nên các lồng nuôi không cản nước, không bị nước lũ cuốn trôi hay làm hư hỏng.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Đào Văn Trẩm thông tin, nhằm tận dụng tiềm năng mặt nước, thời gian qua huyện Hải Lăng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng thủy sản trên sông và hồ chứa như hỗ trợ chi phí làm lồng nuôi cá chình với mức 3 triệu đồng/ lồng.

Du nhập các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá chình, cá leo, cá lóc vào nuôi trong lồng bè nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện đã có trên 160 lồng nuôi, trong đó có hơn 60 lồng nuôi cá chình.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phan Văn Phương, với hơn 125 hồ, đập chứa nước trong đó có những hồ đập lớn là lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung, phát triển nuôi cá lồng bè nói riêng. Tuy nhiên, qua khảo sát, toàn tỉnh hiện chỉ mới có hơn 320 lồng nuôi thủy sản các loại, còn rất ít so với tiềm năng.

Để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản trên sông và hồ chứa, cùng với việc duy trì số lượng lồng nuôi cá hiện có, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước, giảm khai thác tự nhiên, bảo vệ cảnh quan đa dạng hệ sinh thái thủy sinh.

Lựa chọn, đưa vào nuôi các đối tượng nuôi là thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ mạnh. Đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các hộ nuôi lồng, bè hình thành các hợp tác xã nghề cá liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển nuôi cá lồng theo hướng công nghệ cao với các loại lồng nuôi có kích thước lớn nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cá lồng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Nhất là đối với các loài thủy đặc sản, chất lượng như các loại cá chình, cá leo, cá chép giòn…

Xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp giữa các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch nông nghiệp… Tổ chức các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường để đảm bảo nuôi an toàn đối với sản phẩm thủy sản và tạo được thị trường bền vững; góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất và tăng trưởng bền vững ngành thủy sản.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Làng nghề nuôi cá chép đỏ nhộn nhịp trước ngày Tết ông Công, ông Táo

PV |

Những ngày này, người dân làng nuôi cá chép đỏ ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) lại nhộn nhịp chuẩn bị thu hoạch cá phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong ngày Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp hàng năm).

10 năm nuôi cháu bại liệt

Nam Phương |

Đó là câu chuyện của vợ chồng bà Lê Thị Bé (sinh năm 1953), hiện đang sống tại thôn An Thái, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Dù tuổi đã cao, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng ông bà vẫn cố gắng làm mọi thứ có thể để chăm lo cho đứa cháu tội nghiệp của mình.

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá lóc ở Vĩnh Thái

Mỹ Hằng |

Nhằm từng bước đa dạng hóa nghề nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã phát triển mô hình nuôi cá lóc thương phẩm trong bể xi măng lót bạt. Phương thức nuôi này không chỉ tận dụng được quỹ đất cát không canh tác được mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Triển khai nuôi cá leo ở các hồ, đập thủy lợi

Phan Việt Toàn |

Nhằm tận dụng, phát huy lợi thế mặt nước trên các hồ, đập thủy lợi cũng như phát triển thêm đối tượng nuôi mới đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai mô hình nuôi cá leo trong lồng tại hồ đập, hồ chứa trên địa bàn tỉnh.