Hiệu quả từ mô hình nuôi cá lóc ở Vĩnh Thái

Mỹ Hằng |

Nhằm từng bước đa dạng hóa nghề nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã phát triển mô hình nuôi cá lóc thương phẩm trong bể xi măng lót bạt. Phương thức nuôi này không chỉ tận dụng được quỹ đất cát không canh tác được mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Ông Nguyễn Văn Quyện ở thôn Đông Luật là một trong những hộ đầu tiên ở xã Vĩnh Thái nuôi cá lóc trong bể lót bạt. Theo ông Quyện, vào đầu năm 2018, sau chuyến đi tham quan tìm hiểu thực tế mô hình nuôi cá lóc của người dân ở tỉnh Quảng Bình, nhận thấy tiềm năng phát triển mô hình này ở địa phương, ông đã bỏ gần 100 triệu đồng để đầu tư sản xuất.

Ban đầu ông xây dựng 2 bể xi măng có diện tích 200 m2 ; mỗi bể cao khoảng 1,2 m; phần đáy bể có độ dốc để thuận lợi mỗi khi thay nước. Nguồn nước trong bể được ông duy trì khoảng 1m. Phía trên bể có mái che bằng lưới nhằm hạn chế ánh sáng trực tiếp cũng như hạn chế nhiệt độ trong bể nuôi.

Hiện trên địa bàn xã Vĩnh Thái có 10 hộ nuôi cá lóc thương phẩm, với diện tích mặt nước trên 2.000 m2 .-Ảnh: M.H
Hiện trên địa bàn xã Vĩnh Thái có 10 hộ nuôi cá lóc thương phẩm, với diện tích mặt nước trên 2.000 m2 .-Ảnh: M.H

Ông Quyện cho biết: “Nuôi cá lóc trong bể không khó, chỉ cần nuôi 1 - 2 vụ đầu là cơ bản nắm vững được kỹ thuật nuôi. Cá nuôi trong bể xi măng có mái che giúp kiểm soát được nhiệt độ, thức ăn, nguồn nước nên cá sinh trưởng tốt; tỉ lệ hao hụt thấp (khoảng 1%). Tuy nhiên, để cá phát triển thì nguồn nước cần phải thay mỗi ngày và luôn đảm bảo sạch, mát.

Đối với các hộ nuôi cá lóc ở xã Vĩnh Thái đều phải khoan giếng với độ sâu 40 m để lấy nước ngọt, đảm bảo môi trường sinh trưởng cho cá. Thường nước trong bể cá sẽ được thay vào lúc chiều tối. Thời điểm này nhiệt độ xuống thấp nên cá ít bị ảnh hưởng của môi trường khi bể khô. Ngoài ra, thay nước vào thời điểm này có thể cho cá ăn nhiều lần trong ngày. Nhờ vậy, cá tăng trọng nhanh, ít bệnh”.

Trên diện tích rộng 200 m2 mặt nước, từ năm 2018 đến nay, mỗi vụ ông Quyện thả nuôi 30.000 cá giống. Sau 7 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 0,7 - 1 kg/con. Theo tính toán, với giá bán từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, bình quân ông Quyện thu lãi khoảng 10.000 đồng/kg cá thương phẩm.

Trong năm 2022, ông xuất bán được một ao nuôi, 6 tấn cá với giá 260 triệu đồng, thu lãi 60 triệu đồng. Hiện vẫn còn một ao nuôi, dự kiến sẽ thu hoạch vào dịp tới, nếu giá tăng lên sẽ cho ông Quyện có thêm nguồn thu nhập cao.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi cá lóc thương phẩm của ông Quyện, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Thái cũng đã học tập, nhân rộng. Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 hộ dân phát triển mô hình này; đồng thời liên kết thành nhóm hộ gia đình, cùng giúp nhau về kinh nghiệm trong sản xuất.

Anh Ngô Thế Biên, ở thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái cho biết, sau khi thấy tính khả thi của mô hình nuôi cá lóc, cuối năm 2018, anh đầu tư xây dựng 3 bể cá với diện tích 300 m2 mặt nước; đồng thời khoan thêm 3 giếng nước ngọt để đảm bảo nguồn nước phục vụ nuôi cá.

Ban đầu, chưa có kinh nghiệm thực tế nên anh chỉ đưa vào nuôi thử nghiệm với số lượng ít. Quá trình chăm sóc, được sự hỗ trợ, chia sẻ về kỹ thuật và tìm hiểu về đặc tính của loại cá lóc cũng như tìm hiểu kỹ thị trường đầu ra, anh đã vào tỉnh An Giang để nhập con giống đảm bảo chất lượng về thả nuôi với số lượng lớn.

Trong quá trình chăn nuôi, anh thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá lóc. Đặc biệt ở tháng thứ 2 là thời điểm cá sinh trưởng mạnh nên dễ phát sinh một số bệnh như: xuất huyết, lở loét, nấm mang. Do đó, cần sớm phát hiện bệnh để có những biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời, hợp lý.

“Hiện nay, tôi đang thả nuôi khoảng 25.000 con cá giống mỗi vụ. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình có nguồn lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ năm”, anh Biên chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái Nguyễn Văn Năm cho biết: “Mô hình nuôi cá lóc thương phẩm ở địa phương cho thu nhập khoảng 100 - 120 triệu đồng/vụ nuôi. Đối với người nông dân vùng biển bãi ngang như xã Vĩnh Thái thì đây là nguồn thu nhập cao; mô hình có khả năng nhân rộng trên địa bàn.

Tuy nhiên, khi mở rộng sản xuất, khó khăn của người dân chính là thị trường tiêu thụ. Do vậy, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn về kỹ thuật cho người nuôi cá để củng cố, nâng cao kiến thức về kỹ thuật thả nuôi, phòng trị các loại bệnh, chăm sóc cá, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đồng thời, hướng dẫn người dân xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên mua bán cá lóc để mở rộng thị trường. Mặt khác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn, phát triển sản xuất”.

Cá lóc là loại cá nước ngọt có thịt ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, nguồn cá trong tự nhiên đã ngày càng cạn kiệt. Do đó, việc phát triển mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng, lót bạt của các hộ gia đình ở xã Vĩnh Thái đã góp phần đảm bảo nhu cầu của thị trường. Mô hình còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Triển khai nuôi cá leo ở các hồ, đập thủy lợi

Phan Việt Toàn |

Nhằm tận dụng, phát huy lợi thế mặt nước trên các hồ, đập thủy lợi cũng như phát triển thêm đối tượng nuôi mới đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai mô hình nuôi cá leo trong lồng tại hồ đập, hồ chứa trên địa bàn tỉnh.

Cà gai leo An Xuân được chứng nhận Dược liệu đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới

Anh Vũ |

Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân - Cam Lộ (Quảng Trị) Trần Lê Quỳnh Diễm cho biết, sau nhiều nỗ lực của doanh nghiệp, sản phẩm của công ty đã được Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế chứng nhận Dược liệu đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (Good Agricultural and Collection Practices- GACP-WHO).

Cô “Con nuôi đồn biên phòng” đoạt giải cao tại cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”

Nguyễn Thành Phú |

Từ sự giúp đỡ, tình yêu thương, đùm bọc và kỷ vật mà các “bố nuôi” Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay tặng, em Hồ Thị Nghin, 16 tuổi, học sinh lớp 10, Trường THPT huyện Sa Muồi, trú tại bản La Lay A Sói, Cụm II, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào) đã viết tác phẩm “Chiếc xe đạp của bố nuôi bộ đội biên phòng” bằng tất cả tình cảm mà em cảm nhận được để gửi tham gia cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” do Tạp chí Thời đại (cơ quan của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam tổ chức.

Tăng cường phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

Trần Anh Minh |

Hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang có rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp 16oC, ở vùng núi có nơi nhiệt độ xuống dưới 15oC, kèm với mưa phùn làm cho mức độ rét càng tăng thêm. Thời tiết rét đậm, rét hại gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại vật nuôi. Để chủ động tăng cường phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, tránh vật nuôi bị chết do đói, rét, nông dân trong tỉnh cần thực hiện tốt các biện pháp sau trong thời gian nhiệt độ xuống thấp.