Thanh niên dân tộc thiểu số nếu tự mình tìm hiểu thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) để giải quyết việc làm của bản thân là vấn đề không hề dễ dàng vì nhiều nguyên nhân.
Chia sẻ khó khăn này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) cũng như nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã về đến tận các xã để hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số XKLĐ đúng pháp luật. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa được nhiều người quan tâm, ủng hộ.
Anh Hồ Văn Thưi, (30 tuổi) ở thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông cho biết, công việc chính của anh là làm rẫy, cuộc sống gia đình luôn khó khăn. Anh Thưi kể, vừa rồi ở xã A Ngo có anh Hồ Văn Úc ở thôn A Rông Dưới, Hồ Cu Tôm ở thôn Kỳ Neh gửi tiền về cho gia đình sau 2 tháng XKLĐ tại Nhật. Anh Úc và Tôm gửi về nhà mỗi người 20 triệu đồng. Câu chuyện của anh Úc và Tôm trở thành động lực cho thanh niên dân tộc thiểu số ở vùng này tìm đến với con đường XKLĐ.
Hôm đó, anh Thưi tham gia chương trình giao lưu, đối thoại về việc làm do Sở LĐ,TB&XH phối hợp với UBND huyện Đakrông tổ chức cho đoàn viên, thanh niên. Anh mong muốn được đi XKLĐ tại Nhật Bản nhằm kiếm tiền nuôi con ăn học, thay đổi cuộc sống và có được tay nghề để sau này về nước có thể tiếp tục lao động nuôi sống gia đình. Anh Thưi đã được tư vấn các chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Sau khi được tư vấn và tìm hiểu kỹ, anh hy vọng và cố gắng đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện để sớm được đến Nhật Bản làm việc.
Là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em, Hồ Thị Mai ở thôn A Đăng, xã Tà Rụt, học sinh lớp 11B5, Trường THCS&THPT Đakrông cho biết, tất cả các anh chị đều đi làm nghề tự do nhưng thu nhập quá thấp, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Mai quyết định học xong THPT sẽ đi XKLĐ để kiếm tiền giúp bố mẹ.
Thời gian qua em tìm hiểu và được biết đã có một số người của địa phương đi lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…có thu nhập tốt, gửi tiền về cho gia đình xây nhà ở kiên cố, mở cửa hàng kinh doanh hoặc chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế. May mắn chương trình giao lưu, đối thoại việc làm được tổ chức ngay tại xã, em rất mừng vì được doanh nghiệp XKLĐ giới thiệu, tư vấn kỹ lưỡng giúp hiểu thêm về điều kiện để được đi XKLĐ. Sau khi học xong lớp 12, em mong muốn được đi Nhật Bản làm việc nếu trúng tuyển.
Bí thư Xã đoàn Tà Rụt Hồ Văn Phong cho biết, có hơn 30 đoàn viên, thanh niên của xã tham gia chương trình giao lưu, đối thoại việc làm đợt này. Đa số các đoàn viên, thanh niên chưa có việc làm ổn định, cuộc sống khá khó khăn. Họ rất mong muốn được đi XKLĐ để thoát nghèo. Thực tế lâu nay đoàn viên, thanh niên người dân tộc thiểu số rất e ngại đi XKLĐ. Nhờ chương trình, các đoàn viên, thanh niên hiểu hơn về các chính sách thiết thực của trung ương và tỉnh quan tâm đến công tác XKLĐ cho người dân tộc thiểu số nên đã mạnh dạn tìm hiểu và đăng ký tìm việc làm.
Trước đó, trên địa bàn xã đã có người đi XKLĐ nhưng chưa nhiều. Từ đầu năm 2022 đến nay có 12 thanh niên XKLĐ sang Nhật Bản và có 4 người đang tham gia đào tạo tiếng Nhật. Hy vọng đợt này, từ quyết tâm của các đoàn viên, thanh niên cộng với sự tư vấn nhiệt tình của các đơn vị, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều lao động địa phương được tuyển chọn đi XKLĐ để thoát nghèo.
Theo Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Đakrông Lê Văn Chỉ, do ảnh hưởng COVID-19 nên thời gian qua công tác XKLĐ trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Trong 10 tháng đầu năm 2022, sau khi COVID-19 được khống chế, huyện có 86 người tham gia XKLĐ. Thực tế cho thấy đi XKLĐ có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn nhiều so với công việc ở nhà. Người lao động đã gửi tiền làm được từ công việc chính đáng về cho gia đình, người thân. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện. Một số gia đình đã thoát nghèo nhờ đi làm việc ở nước ngoài.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước, ổn định cuộc sống, đặc biệt là người lao động đang sinh sống, cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, ở huyện nghèo. Đakrông là huyện nghèo có 12 xã, 1 thị trấn với gần 50.000 người, số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 60% dân số, trong đó tỉ lệ lao động có nhu cầu tìm việc làm rất lớn.
Vì vậy, XKLĐ là hướng đi phù hợp để phát triển KT-XH vùng này. Thanh niên đi XKLĐ sau khi về nước có được những kỹ năng nghề, tác phong làm việc chuyên nghiệp, có vốn tích lũy được đã giúp họ tự tin hơn để tạo sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Kết quả đạt được về XKLĐ thời gian qua của huyện Đakrông nhờ vào sự nỗ lực của chính quyền địa phương và cách làm kiên trì, khéo léo của các đơn vị, doanh nghiệp XKLĐ. Sở LĐ,TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động và tuyển chọn, tạo điều kiện cho thanh niên dân tộc thiểu số tham gia XKLĐ ngày càng nhiều hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)