Hơn 10 ha rừng tự nhiên ở Đakrông bị tàn phá

Trường Nguyên |

Nhiều thân cây rừng tự nhiên có đường kính từ khoảng 50 – 80 cm bị cưa hạ, cắt phần thân, chỉ còn gốc, sau đó được cưa xẻ thành hộp gỗ rồi đưa ra khỏi cửa rừng. Nhiều nơi có cây lớn nằm chồng lên các cây nhỏ bị đốn hạ còn nguyên trạng. Đó là tình trạng chặt phá rừng diễn ra ở khu vực thuộc quản lý của các thôn ở xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị).

Cả khoảnh rừng tự nhiên bị chặt trơ trọi

Để vào được hiện trường vụ phá rừng, từ thôn Làng Cát, xã Đakrông, huyện Đakrông, đi theo suối Cu Dong, vượt qua vài đoạn đường sình lầy vì dấu xe tải rồi tiếp tục băng qua suối Pa Chồ, đến thêm đoạn dốc có tên Mạ Ơi (tên địa danh theo người dân cho biết) do đường không thể đi bằng xe máy nên chúng tôi phải đi bộ theo đường mòn. Sau gần một buổi tìm đường, đến quá trưa chúng tôi mới tiếp cận được khu vực rừng bị đốn hạ. Quan sát từ xa, ở vị trí cao thấy cả khoảnh rừng trơ trọi vì cây bị đốn hạ nằm rạp xuống, chỉ còn ngổn ngang thân cây và gốc. Tìm hiểu từ người dân địa phương sau đó, thì khu vực rừng bị tàn phá gần đồi Cò A Chuài giáp với đồi Le Pút, thuộc địa phận xã Đakrông (huyện Đakrông).

Nhiều cây gỗ bị cưa hạ có đường kính khoảng từ 50 – 80 cm - Ảnh: T.N
Nhiều cây gỗ bị cưa hạ có đường kính khoảng từ 50 – 80 cm - Ảnh: T.N

Tại khu vực rừng tự nhiên bị chặt phá, sử dụng thiết bị định vị cho chúng tôi biết tọa độ nơi bắt đầu có dấu hiệu cây rừng bị phá là E00561774 N01838676. Theo quan sát, ngay bên cạnh đường đi vào, nhiều cây rừng có đường kính khoảng 40 cm bị đốn hạ, phần gốc được cưa cắt, thân gỗ được xẻ vỏ bên ngoài rồi vận chuyển đi đâu không rõ, còn lại là phần ngọn và cành nằm ngổn ngang. Tiếp tục di chuyển theo đường mòn, từ tọa độ ban đầu là E00562498 N01838018 kéo dài đến tọa độ E00562756 N01837673, chúng tôi phát hiện rừng tự nhiên 2 bên đường đi hoàn toàn bị đốn hạ, còn sót lại nhiều nhánh, cành nằm la liệt và trơ trọi nhiều gốc cây. Mục sở thị tại hiện trường, nhiều thân cây bị cưa hạ có đường kính từ khoảng 50 – 80 cm đã bị cắt phần thân, chỉ còn gốc, sau đó được cưa xẻ thành hộp gỗ rồi đưa ra khỏi cửa rừng từ trước đó. Nhiều nơi có cây lớn nằm chồng lên các cây nhỏ bị đốn hạ còn nguyên trạng.

Từ trên đồi cao nhìn xuống sẽ thấy cả một diện tích lớn rừng bị tàn phá. Quan sát khoảng trên 10 ha rừng tự nhiên ở vị trí nói trên đã bị cưa trụi, một vài điểm sau khi cây rừng bị cắt, có dấu hiệu bị đốt nhưng không cháy hết. Khu vực xảy ra tình trạng phá rừng nằm sâu bên trong, cách xa khu dân cư nên rất ít người dân qua lại nơi đây. Tại hiện trường, thời điểm chúng tôi có mặt không có một bóng người hay lực lượng chức năng lui tới.

Phá rừng, chiếm đất để đợi bồi thường từ dự án điện gió?

Trao đổi với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông Trần Đại Đức về vụ việc, ông Đức cho biết, địa điểm rừng tự nhiên bị phá nói trên thuộc Tiểu khu 699 và 708. Theo ông Đức, từ dữ liệu ảnh vệ tinh và các nguồn tin báo về, từ ngày 5/4 đến ngày 12/4, lực lượng kiểm lâm đã đến kiểm tra tại 2 tiểu khu này và phát hiện có dấu hiệu của phá rừng. Rừng bị phá 100% là rừng tự nhiên phục hồi, thuộc quản lý của xã Đakrông, một phần thuộc quản lý của Cộng đồng thôn Làng Cát và Cộng đồng thôn Pa Tầng (xã Đakrông).  “Ngay khi có thông tin về vụ phá rừng, chúng tôi đã báo cáo với các đơn vị liên quan, phối hợp với chính quyền địa phương cùng lực lượng công an và Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Làng Cát thành lập đoàn kiểm tra để thu thập thông tin, tiến hành điều tra. Tại hiện trường, chúng tôi phát hiện một diện tích khá lớn rừng tự nhiên bị chặt phá, các loại cây rừng bị cưa hạ ở đây thuộc gỗ nhóm VII, VIII. Do khu vực này nằm cách xa khu dân cư, đường vào rất hiểm trở và khó đi, thời gian kiểm tra ngắn nên trước mắt chúng tôi chưa kiểm đếm cụ thể diện tích, trữ lượng gỗ bị chặt phá”, ông Trần Đại Đức thông tin.

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông, mặc dù lực lượng chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng ở khu vực này thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng phá rừng. Trước đó, tại khu vực này lực lượng kiểm lâm cũng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu. Chủ tịch UBND xã Đakrông Hồ Thanh cho biết, dân cư ở thôn Làng Cát phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào nông nghiệp là chủ yếu, nên một số khu vực trong xã vẫn xảy ra tình trạng người dân phá rừng tự nhiên để làm rẫy. Tuy nhiên, sau khi phóng viên dẫn chứng việc nhiều cây gỗ lớn ở khu vực nói trên đã bị cưa xẻ thành hộp gỗ rồi vận chuyển đi nơi khác, vậy thì mục đích phá rừng đâu chỉ để lấy đất làm rẫy? ông Hồ Thanh trả lời rằng, chính quyền xã đã phối hợp với kiểm lâm và một số đơn vị liên quan bắt một số vụ vận chuyển gỗ lậu từ khu vực phá rừng, nhưng gỗ đó chỉ để dùng làm nhà.

Theo một số thông tin từ người dân, tại khu vực giáp ranh giữa xã Húc (huyện Hướng Hóa) và xã Đakrông (huyện Đakrông) tới đây có thể sẽ triển khai xây dựng một số trụ điện gió. Nên cũng có thể vì thế, người dân đã ồ ạt vào khu vực nói trên, đốn hạ cây rừng tự nhiên nhằm chiếm đất để sau này hưởng lợi bồi thường từ dự án điện gió?

Trước tình trạng chặt phá cây rừng tự nhiên ở Tiểu khu 699 và 708 thuộc địa bàn xã Đakrông, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi thông tin rằng địa phương chỉ mới được báo cáo sự việc, hiện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc điều tra, xử lý.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khởi tố vụ chặt phá gỗ rừng trái phép tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa

Trường Nguyên |

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến việc chặt phá rừng trái phép được phát hiện vào tháng 11/2021 tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Nhiều tiện ích từ ứng dụng flycam trong quản lý, bảo vệ rừng

Lê An |

Gần 1 năm nay, nhờ vào việc ứng dụng thiết bị bay không người lái có chức năng chụp ảnh và quay phim (còn gọi là flycam) mà công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông (Quảng Trị) được cập nhật chính xác, kịp thời hơn. Đặc biệt là những khu vực địa hình đồi núi hiểm trở, khó tiếp cận.

Hướng Hóa chú trọng bảo vệ và phát triển rừng

Nguyễn Đình Phục |

Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hiện có hơn 51.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên gần 40.500 ha; diện tích rừng trồng hơn 10.000 ha. Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái.

Người giữ rừng ở thôn Chênh Vênh

Minh Long |

Năm 2017, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng được huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) giao quản lý gần 700 ha rừng. Từ đó đến nay, diện tích rừng này được bảo vệ chu đáo, phát triển tốt, đặc biệt từng bước hạn chế tình trạng khai thác, phá rừng, săn bắt động vật trái quy định. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Hồ Văn Chiến, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh.