Huế từng bước tái hiện trang phục truyền thống

Thụy Bất Nhi |

Chưa đầy 12 giờ đồng hồ sau khi báo chí đưa tin sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế cho toàn thể cán bộ công chức mặc áo dài truyền thống khi đến công sở, dư luận đã dấy lên hai luồng tranh cãi khen, chê. Phản hồi những ý kiến đó, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở này cho biết, đây mới chỉ là thí điểm triển khai việc tái hiện trang phục truyền thống theo đúng nét văn hóa trước đây, cụ thể dưới thời Nguyễn triều.


Ông Hải nhấn mạnh rằng, việc này là chủ trương của địa phương với mục tiêu xây dựng hình ảnh Huế trở thành “kinh đô áo dài Việt Nam”, đồng thời giúp khôi phục lại phần nào nét văn hóa Việt Nam qua y phục truyền thống trong cuộc sống người dân Huế.

Cần thiết tái tạo áo dài Huế?

Ông Phan Thanh Hải nhìn nhận, nói đến văn hóa truyền thống tại Huế, lâu nay nhiều người luôn tâm đắc về hình ảnh chiếc áo dài “quyền quý và lịch thiệp” dưới thời Nguyễn triều, đã trở thành hình ảnh đại diện cho nét đẹp con người Việt Nam – phụ nữ Việt Nam. Bóng dáng những cô gái Huế với trang phục áo dài thước tha kiều mị đã đi vào thơ ca, văn học, đã trở thành niềm tự hào với mọi người dân Việt Nam, dù ở nơi đâu trên địa cầu này.

Cán bộ công chức ngành văn hóa Huế với trang phục áo dài truyền thống.
Cán bộ công chức ngành văn hóa Huế với trang phục áo dài truyền thống.

Tuy nhiên, trong khi chiếc áo dài phụ nữ ngày càng được tôn vinh tỏa sáng, thì chiếc áo dài ngũ thân của người đàn ông Việt Nam, được chế tác từ thời chúa Nguyễn, lại hầu như không ai nhắc tới. Mẫu áo này, thực tế đã được sử dụng rộng rãi ở thời chúa Nguyễn và lan truyền trong suốt chiều dài lịch sử của triều đình Huế. Chính từ nền tảng mẫu áo này, một số nhà thiết kế đã dựng nên các mẫu áo dài cách tân cho nam giới thời gian gần đây, và đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của công chúng. “Vậy tại sao chúng ta không thể tái tạo hình ảnh mẫu áo dài này trong cuộc sống người Huế hiện đại, dần biến thành quen thuộc với mọi người về chính nguyên bản?”. Ông Hải đặt vấn đề như vậy.

Quan trọng hơn, ông Hải cho rằng, với áp lực biến đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện nay, các mẫu trang phục cộng đồng được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, càng được giới trẻ lựa chọn, sẽ lấn át, làm mất dần những hình ảnh, giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống. Cụ thể với tà áo dài phụ nữ, những năm gần đây xã hội cũng chứng kiến không ít ý tưởng biến thể, cách điệu, sử dụng những vật liệu thời trang khác nhau, qua đó có khi biến tấu sai lệch, phản cảm, gây nhiều dư luận bất ổn. Do đó, thật sự đã đến lúc cần có những đánh giá và xúc tiến mạnh mẽ về yêu cầu tái hiện chính xác, nguyên bản những giá trị trang phục truyền thống với công chúng, với người dân, để mọi người hiểu hơn về văn hóa Huế nói riêng và văn hóa dân tộc Việt nói chung.

Đi từng bước

“Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi ngày hôm nay, hoạt động vận động mặc áo dài truyền thống ở Huế, nhất là áo ngũ thân cho nam giới, được tổ chức, là dư luận lập tức có những phản hồi trái chiều sôi nổi. Điều ấy cho thấy, ẩn sau những thờ ơ cuộc sống trong sinh hoạt đời thường, cộng đồng người dân vẫn rất quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống, vẫn lo lắng về câu chuyện cội nguồn với những biểu hiện đi sâu vào tiềm thức dân tộc. Đó là điều đáng quý, đáng mừng, càng giúp chúng tôi thêm tin tưởng vào lựa chọn của mình, nỗ lực tái hiện lại phần nào những giá trị văn hóa từng có của cha ông”. Ông Hải chia sẻ như vậy.

Ông Hải cho biết, việc vận động sử dụng áo dài truyền thống trong hoạt động hàng ngày, thật ra đang đi từng bước một, chậm rãi, để tiếp nhận cảm giác, đánh giá từ công chúng Huế rồi mới lan tỏa. Những đánh giá cho rằng địa phương thúc đẩy cán bộ công chức tại Huế mặc ngay y phục cổ truyền để đến công sở là chưa hoàn toàn chính xác.

Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế hiện tại chỉ mới vận động cán bộ nhân viên của ngành văn hóa tập làm quen với việc mặc áo dài vào thứ hai tuần đầu tiên mỗi tháng. Chú ý ở đây là lâu nay, người ta quen thấy áo dài nữ, nên sự xuất hiện áo ngũ thân cho nam giới sẽ có phần đường đột, cần có thời gian để công chúng làm quen mới bàn tiếp việc ăn vận ra sao, lúc nào. Sở cũng sẽ giới hạn việc chỉ sử dụng trang phục áo dài truyền thống này trong các sự kiện văn hóa Huế, gắn với hoạt động bản địa của người Huế, phạm vi ngành văn hóa địa phương, mảng du lịch sở tại. Việc này tiến hành từ từ, chủ yếu dựa vào vận động cán bộ công chức tự thức sử dụng trước.

“Chúng tôi đã có hội thảo đánh giá vấn đề tái hiện áo dài truyền thống vào tháng 7 vừa qua, và đã nhận được những tín hiệu đồng tình tích cực. Như họa sĩ Nguyễn Đức Bình, chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài Ngũ thân truyền thống trình bày, lâu nay nhiều người phản đối áo dài, nhất là áo dài nam vì cho là bất tiện trong khi chưa hề biết đến chiếc áo dài này, thì việc Văn hóa Huế phục chế mẫu áo rất có ý nghĩa. Ông Paolo Epifani, Phó đại sứ Italia tại Việt Nam cũng cho rằng, áo dài nữ Việt Nam rất nổi tiếng và ai cũng yêu thích, cá nhân ông chưa nhìn thấy áo dài của đàn ông Việt, nên ông rất thích thú với sáng kiến khôi phục mẫu áo này, để bảo vệ và thúc đẩy văn hoá truyền thống. Qua đó, chúng tôi tin tưởng với sự vận động chu đáo, cẩn thận, tránh mọi xung đột, hiểu sai lệch ý tưởng y phục truyền thống với trang phục hiện nay, vấn đề tái hiện lại giá trị trang phục truyền thống trong đời sống văn hóa Huế sẽ được ủng hộ”. Ông Hải kết luận như vậy.

(Nguồn: Vi Vu 247)

TAGS

Đồng bào dân tộc thiểu số làm du lịch

Hải Huế |

Đồng lòng, đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống đuối nước… là cảm nhận của tôi khi đến các điểm du lịch ở xã Phong Mỹ như: thượng nguồn Ô Lâu (Khe Trăn) và A Đon (Hạ Long).

Các cung đường đẹp vào mùa thu trên thế giới dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia

Thanh Mai |

Dưới góc nhìn nghệ thuật của họ, các cung đường mùa thu trên thế giới mang một vẻ đẹp khiến lòng người mê đắm.

Việt Nam là quốc gia có nhiều món ăn từ hoa nhất thế giới

Q.Huy |

Việt Nam có đến 272 món ăn chế biến từ hoa, giữ kỷ lục là quốc gia có nhiều món ăn từ hoa nhất thế giới.

Bài 3: Đặc sản từ đất trăm nghề

Cam Lộ |

Chúng tôi có dịp dẫn các bạn từ bên kia dãy Trường Sơn về thăm Quảng Trị. Lần theo bài vè dân gian thống kê các sản vật của quê nhà “nem chợ Sãi, vải La Vang, khoai Quán Ngang, dầu tràm Đại Nại…” , chúng tôi đưa bạn về chợ Sãi, xã Triệu Thành, Triệu Phong (Quảng Trị).