Hướng Hóa quan tâm giáo dục trẻ mầm non về Tết truyền thống

Minh Long |

Nhằm giáo dục cho học sinh về những nét văn hóa tốt đẹp về ngày Tết truyền thống của dân tộc ngay từ bậc mầm non, ngành giáo dục và đào tạo huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã có nhiều cách làm hay và sáng tạo, đem đến sự tươi mới trong môi trường giáo dục, thu hút sự chú ý, niềm yêu thích tìm hiểu, khám phá cho trẻ.


Khác với mọi năm chỉ xây dựng một không gian nhỏ mang sắc màu mùa xuân ở sân trường, năm nay, Trường Mầm non Vành Khuyên Lao Bảo chế tác 3 mô hình linh vật rồng, biểu tượng cho năm Giáp Thìn 2024 để trưng bày tại cổng và sân trường. Mỗi linh vật rồng có chiều dài hơn 2 m, cao 1,5 m, được làm bằng vật liệu bìa cứng. Với đặc điểm mô hình linh vật rồng có rất nhiều tiểu tiết, các giáo viên của trường đã dành nhiều thời gian ngoài giờ để cùng nhau hoàn thành. Bằng sự tỉ mỉ, công phu và đôi bàn tay khéo léo của các cô giáo, 3 mô hình linh vật rồng đã được tạo nên chân thực và có hồn, được học sinh rất thích thú. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức mô hình “Phiên chợ Xuân” với nhiều gian hàng truyền thống cho trẻ tham gia trải nghiệm.

Cô và trò Trường Mầm non Hướng Lộc cùng gói bánh truyền thống của dân tộc Vân Kiều -Ảnh: M.L
Cô và trò Trường Mầm non Hướng Lộc cùng gói bánh truyền thống của dân tộc Vân Kiều -Ảnh: M.L

Hiệu trưởng Trường Mầm non Vành Khuyên Lao Bảo Nguyễn Thị Minh Phụng cho biết: “Chúng tôi muốn nâng cao hiệu quả việc giáo dục trẻ về Tết cổ truyền bằng nhiều hình thức phong phú, trong đó chú trọng yếu tố sáng tạo và nổi bật. Qua đó, tạo ấn tượng, cho trẻ có sự thích thú khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm về ngày Tết Việt Nam. Bên cạnh đó, tạo ra môi trường giáo dục có sự phối hợp, đồng hành của phụ huynh để tăng thêm hiệu quả giáo dục”.

Thực hiện chương trình giáo dục mầm non hằng năm thuộc chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường mầm non trên địa bàn huyện Hướng Hoá đã chủ động xây dựng chủ đề về “Tết và mùa xuân”.

Đây là một chủ đề giáo dục học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình thể hiện qua Tết truyền thống và mùa xuân quê hương với nhiều nét đẹp đặc trưng về phong tục, tập quán, cảnh sắc thiên nhiên. Vì thế, chủ đề này luôn được các trường mầm non đầu tư nhiều thời gian, công sức và cũng là chủ đề được cô và trò đón đợi nhất trong năm.

Tuỳ điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện xã hội của từng vùng mà các trường xây dựng nội dung kế hoạch phù hợp như: đặc trưng về hoa mùa xuân, ẩm thực truyền thống, các trò chơi dân gian ngày Tết của các vùng khác nhau.

Theo đó, các trường có hướng để xây dựng mô hình, hoạt động phù hợp cho trẻ trải nghiệm như: vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hoa ban rừng trắng, bánh tày nhỏ, bánh sừng trâu, bánh đen. Vùng dọc Đường 9 với đa phần người dân tộc Kinh thì có hoa đào, hoa mai, bánh chưng, bánh tét.

Cô giáo Lê Thị Thu Hà, giáo viên lớp lớn điểm trường Ta Xía, Trường Mầm non Hướng Lộc cho biết: “Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn của vùng bản nhưng khi triển khai kế hoạch các hoạt động chủ đề “Tết và mùa xuân”, “Bé vui đón tết Nguyên đán” thì giáo viên, học sinh và phụ huynh của đơn vị đều thích thú, cùng phối hợp để thực hiện. Qua các hoạt động thiết thực về giáo dục truyền thống cũng như trải nghiệm làm bánh, cắm hoa, phiên chợ xuân... trẻ rất thích thú và mong chờ các tiết học này”.

Cháu Hồ Văn Song, lớp lớn điểm trường Cu Ta Ka, xã Hướng Lộc nói: “Cháu rất vui và thích khi được cùng các cô, các bạn làm bánh, nấu bánh ngày Tết. Chúng cháu còn được làm cây hoa mai, hoa đào, hoa ban rất đẹp để chưng Tết”.

Các hoạt động về chủ đề “Tết và mùa xuân” được các trường mầm non triển khai phong phú, đa dạng. Thông qua các hình ảnh, video clip, truyện tranh, học sinh được giới thiệu về ý nghĩa của Tết cổ truyền, những phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt như: Tết là dịp gia đình sum vầy bên nhau; các gia đình đều dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón chào năm mới, quây quần bên nhau gói bánh chưng, bánh tét; con cháu chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên vào ngày Tết để bày tỏ lòng biết ơn; trẻ con được lì xì mừng tuổi...

Qua đó, giáo dục cho trẻ nhận thức đầy đủ về ngày Tết, hướng các em đến tình cảm tốt đẹp đối với văn hoá truyền thống của dân tộc. Để trẻ cảm nhận được không khí ngày Tết và mùa xuân, giáo viên chủ động bố trí các hoạt động rất đa dạng và linh hoạt theo từng lứa tuổi. Lớp trẻ và lớp bé thì được nghe kể chuyện, vẽ tranh, tô màu, xé giấy màu dán hoa, đọc thơ về chủ đề Tết và mùa xuân. Lớp nhỡ và lớp lớn thì ngoài các hoạt động này các em còn được tham gia trải nghiệm làm các món ẩm thực ngày Tết, cắm hoa, làm thiệp chúc mừng năm mới, trang trí lồng đèn, trình diễn trang phục truyền thống...

Ngoài các hoạt động chính giáo dục trẻ theo chủ đề, các trường mầm non còn chủ động xây dựng các mô hình phục vụ trải nghiệm cho trẻ. Đa số các mô hình đều được thực hiện rất công phu, tỉ mỉ như: chế tác linh vật của năm; xây dựng góc trưng bày những món ăn truyền thống ngày Tết, trang phục ngày Tết, trang trí hoa đào, hoa mai, câu đối; tổ chức các cuộc thi về trò chơi dân gian ngày Tết, “Phiên chợ ngày xuân” với nhiều gian hàng cho trẻ tham gia trải nghiệm như: gian làm bánh truyền thống; gian bán hàng Tết; gian viết câu đối, viết thiệp ngày xuân; gian hoa Tết... Qua đó, làm sống lại một cách chân thực không gian Tết Việt xưa và không khí mùa xuân tràn trề sức sống, tạo ấn tượng tốt đẹp cho các em về mùa xuân và Tết truyền thống của dân tộc, hướng các em đến những cảm xúc ấm áp, mong chờ về ngày Tết.

Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 26 trường mầm non, trong đó có 15 trường vùng dân tộc thiểu số thì 100% đơn vị đều xây dựng chủ đề “Tết và mùa xuân” và đồng loạt tổ chức sôi nổi các hoạt động giáo dục cũng như hoạt động trải nghiệm về chủ đề này.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hoá Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết: “Hằng năm, đến dịp tết Nguyên đán, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện lựa chọn và triển khai thực hiện chủ đề “Tết và mùa xuân” vào chương trình giáo dục của đơn vị. Các mục tiêu, nội dung và các hoạt động giáo dục đưa vào kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ theo chủ đề với nhiều hoạt động trải nghiệm thiết thực. Đa số hoạt động mang đậm nét văn hóa cổ truyền Việt Nam, phù hợp với khả năng nhận thức và điều kiện vùng miền nơi trẻ sống. Thông qua những hoạt động này không chỉ tạo ra các hoạt động trải nghiệm bổ ích mà còn giúp trẻ hiểu thêm, có ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Ươm mầm “đại sứ văn hóa đọc”

Tây Long |

Qua 5 năm tổ chức, Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” Quảng Trị đã trở thành một sân chơi trí tuệ bổ ích, được cán bộ, giáo viên, phụ huynh và đông đảo học sinh trong tỉnh quan tâm, hưởng ứng. Từ sự lan tỏa của cuộc thi, nhiều học sinh đã trở thành những “đại sứ văn hóa đọc” thực thụ.

Ươm mầm khởi nghiệp trong trường học

Tây Long |

Khác với trước kia, hiện nay, ngày càng nhiều bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường đã thử sức khởi nghiệp bằng nhiều cách, qua đó học hỏi vô vàn điều hay. Tín hiệu đáng mừng ấy bắt nguồn từ nỗ lực ươm mầm khởi nghiệp trong trường học của các cấp bộ đoàn.

Giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non

Lệ Như |

Giáo dục trẻ em nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cần thiết, nhằm hướng đến xây dựng một môi trường “Xanh - sạch - đẹp - an toàn” cho chính các em. 

Thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đạt được nhiều kết quả

Nguyễn Vinh |

Bám sát bộ tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT Quảng Trị đã cụ thể hóa thành bộ công cụ đánh giá thực hiện chuyên đề hằng năm tại cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trong tỉnh gồm 5 tiêu chuẩn, 27 tiêu chí, 72 chỉ báo kèm theo các gợi ý minh chứng được lượng hóa cách đánh giá, xếp loại từng tiêu chí và xếp loại chung theo 4 mức: tốt, khá, đạt, không đạt.