Kết quả tích cực từ dự án phục hồi sau lũ lụt tại Quảng Trị

Thu Hạ |

Quảng Trị là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt bão lũ liên tiếp trong năm 2020. Ngay sau khi thiên tai xảy ra trên địa bàn, Sở Ngoại vụ đã chủ động, tích cực vận động nhiều dự án, tổ chức quốc tế hỗ trợ khẩn cấp cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.

Dự án “Phục hồi sau lũ lụt tại Quảng Trị” là một trong những dự án Sở Ngoại vụ vận động thành công với sự tài trợ của Cơ quan viện trợ Ai-len (Irish Aid) thông qua tổ chức Plan International Việt Nam. Dự án “Phục hồi sau lũ lụt tại Quảng Trị” có tổng ngân sách là 400.000 EUR (tương đương 10.769.513.200 đồng), thực hiện trên địa bàn 15 xã thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông bắt đầu từ ngày 1/7/2021 - 31/8/2022.

Hỗ trợ sân chơi cho trẻ em tại xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông - Ảnh: H.T
Hỗ trợ sân chơi cho trẻ em tại xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông - Ảnh: H.T

Mục tiêu dự án nhằm hỗ trợ trẻ em gái, trẻ em trai, gia đình và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi cơn lũ lịch sử năm 2020 tại Quảng Trị trở lại cuộc sống bình thường và có khả năng chống chịu với các thiên tai trong tương lai. Các lĩnh vực can thiệp chính của dự án bao gồm: hỗ trợ khôi phục sinh kế và thúc đẩy các sáng kiến cộng đồng về mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu; hỗ trợ cải thiện môi trường học tập cho trẻ em có thể quay lại trường học và hỗ trợ cải thiện khu vui chơi học tập thân thiện với trẻ trong cộng đồng.

Theo đó, sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ cho 18.228 đối tượng hưởng lợi, trong đó có 8.979 trẻ em (4.193 trẻ em gái) thông qua các hoạt động như khôi phục sinh kế và thúc đẩy các sáng kiến cộng đồng về mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường học tập cho trẻ em, cải thiện khu vui chơi, học tập thân thiện với trẻ trong cộng đồng.

Xã Tà Rụt, huyện Đakrông từng là “thủ phủ” của cây chuối lùn với hàng chục héc ta được người dân trồng trên nương rẫy, trong vườn nhà. Loại chuối lùn này khi chín rất thơm ngon, quả lại to tròn và có vị đặc trưng riêng nên được nhiều người ưa chuộng. Song vì nhiều lý do, diện tích cây trồng này ngày càng thu hẹp, đặc biệt là sau đợt lũ lụt năm 2020.

Với mong muốn giúp người dân từng bước khôi phục mô hình trồng chuối lùn bản địa, dự án “Phục hồi sau lũ lụt tại Quảng Trị” đã hỗ trợ trên 99 triệu đồng cho 17 hộ dân thực hiện sáng kiến “Mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu - Trồng chuối lùn bản địa” theo hướng thâm canh, trồng tập trung và trở thành loại cây trồng hàng hóa, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định.

Giống chuối lùn bản địa rất phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của địa phương. Sau khoảng 12 - 14 tháng trồng, chăm sóc thì chuối cho thu hoạch và duy trì ổn định từ 3 - 4 năm. Theo kế hoạch của địa phương, đến hết năm 2023 toàn xã sẽ nhân rộng thêm 200 hộ, nâng cấp từ mô hình tổ hợp tác hiện có thành hợp tác xã trồng chuối lùn bản địa.

Đồng thời xây dựng thương hiệu, kết nối, mở rộng thị trường đến các huyện, thị xã, thành phố và các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ A Duân cho biết: “Ngoài hỗ trợ trồng chuối lùn bản địa, dự án “Phục hồi sau lũ lụt tại Quảng Trị” còn hỗ trợ sinh kế cho gia đình hộ nghèo, hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp trường học, sân chơi cho trẻ và một số hệ thống nước sạch cho các hộ gia đình trong xã với tổng kinh phí trên 388 triệu đồng.

Thời gian tới, địa phương mong muốn được hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm chuối lùn bản địa, hỗ trợ thành lập cơ sở sấy chuối đóng bao, đồng thời hỗ trợ xã thành lập Hợp tác xã chuối lùn xã Tà Rụt để đưa sản phẩm trở thành sản phẩm OCOP của huyện. Qua đó, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương”.

Không chỉ xã Tà Rụt, tại huyện Đakrông, dự án “Phục hồi sau lũ lụt tại Quảng Trị” đã tập trung hỗ trợ người dân khôi phục, bảo vệ đất sản xuất bị bồi lấp, sạt lở và sửa chữa hệ thống kênh mương bị hư hỏng, xuống cấp do thiên tai gây ra nhằm giúp người dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Cụ thể, dự án đã khôi phục và bảo vệ 13,94 ha đất sản xuất, trong đó có 4,47 ha đất sản xuất bị bồi lấp; 9,47 ha đất trồng lúa nước của người dân tại thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp; hỗ trợ 2.400 mét ống nước tưới cho các hộ thiếu nước sản xuất; sửa chữa 5 hệ thống kênh mương của các xã Đakrông, Mò Ó, Hướng Hiệp và Tà Long nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho trên 39 ha lúa nước của người dân.

Còn tại huyện Hướng Hóa, trong các mùa mưa lũ hằng năm, nước trên các sông suối thường lên nhanh, có nguy cơ xảy ra lũ quét dọc các khe suối và chia cắt giao thông tại các địa phương. Với mục đích tuyên truyền và cảnh báo cho người dân biết được những địa điểm có nguy cơ sạt lở đất, ngập sâu ở những tuyến đường trọng điểm trên địa bàn của các xã và những công việc cần làm trước khi thiên tai xảy ra, dự án “Phục hồi sau lũ lụt tại Quảng Trị” đã hỗ trợ hệ thống cảnh báo sớm cho các xã Húc, Thanh, Thuận, Hướng Lộc, Lìa, Xy, A Dơi, Ba Tầng với tổng kinh phí trên 356 triệu đồng.

Trong đó, hỗ trợ trang thiết bị cảnh báo sớm như loa cầm tay, loa phát thanh không dây, dàn âm thanh di động… với kinh phí trên 110 triệu đồng; hỗ trợ lắp đặt bảng hiệu, hệ thống cảnh báo sớm với kinh phí trên 245 triệu đồng. Có thể nói, sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ dự án đã góp phần cùng chính quyền địa phương giúp người dân nắm bắt được thông tin, chủ động ứng phó với thiên tai.

Bà Phạm Thu Ba, Quyền Giám đốc quốc gia của Tổ chức Plan International Việt Nam nhấn mạnh, kết quả dự án tại Quảng Trị đã giúp phục hồi và nâng cao năng lực để có thể ứng phó, thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người dân. Mặt khác, dự án đã góp phần vào cam kết hỗ trợ 2 triệu trẻ em gái trong chiến lược 5 năm của Tổ chức Plan International Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Phiên chợ khuyến đọc - sân chơi cho người yêu sách

PV |

Ngày 24/9, "Phiên chợ khuyến đọc" do Thái Hà Books và Câu lạc bộ Yêu sách Thái Hà đã khai mạc tại Phố sách Hà Nội. Cũng trong ngày 24/9 sẽ diễn ra các hoạt động talkshow "Khuyến đọc Việt Nam"; đọc và ký tặng sách "Tạm biệt bà ngoại" của tác giả Hoài Anh; workshop: sản phẩm tái chế từ vải...

Tặng công trình thanh niên “Ánh sáng đường quê” và “Sân chơi cho em”

Trúc Phương |

Ngày 17/9, tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Huyện đoàn Triệu Phong tổ chức chương trình trao tặng công trình thanh niên “Ánh sáng đường quê” và “Sân chơi cho em”. Đây là hoạt động nằm trong chương trình công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2022; chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Lễ bàn giao công trình xây dựng sân chơi và nhà vệ sinh tại điểm trường A Cha

Bảo Phú |

Ngày 05/08/2022, Trường TH&THCS A Xing (xã Lìa, Hướng Hoá, Quảng Trị) tổ chức lễ bàn giao công trình xây dựng sân chơi và nhà vệ sinh cho điểm trường A Cha. 

Sân chơi Rung chuông vàng tìm hiểu về cuộc đời, thân thế Tổng Bí thư Lê Duẩn

Trúc Phương |

Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907 – 2022), ngày 1/4, Nhà Thiếu thi tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trường Tiểu học Triệu Thành (huyện Triệu Phong) tổ chức Sân chơi Trạng nguyên nhỏ tuổi dưới hình thức Rung chuông vàng với chủ đề “Tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn”.