Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 15 đơn vị được cấp phép khai thác cát, sỏi tại các sông Thạch Hãn, Bến Hải, Đakrông và sông Nhùng. Hoạt động khai thác cát, sỏi tạo ra nguồn vật liệu xây dựng, giúp bình ổn giá vật liệu trên thị trường, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tàn phá môi trường dân sinh.
Sạt lở, mất đất sản xuất
Sông Bến Hải chảy qua địa phận xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh với chiều dài khoảng 15km. Trên dòng sông này có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi. Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng trong lúc 2 đơn vị khai thác thường xuyên xảy ra tình trạng một số tàu thuyền lén lút khai thác cát, sỏi ngoài phạm vi được cấp phép tại khu vực gần bờ sông. Việc hút cát, sỏi trái phép gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, làm nhiều diện tích đất canh tác, rừng trồng của người dân ở thôn Minh Phước, xã Vĩnh Sơn và thôn Giang Xuân Hải, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh bị sạt lở nghiêm trọng. Sau mỗi trận mưa lớn hay lũ lụt, diện tích đất canh tác của người dân xã Vĩnh Sơn lại càng bị thu hẹp. Thậm chí lớp tre già chắn sóng được người dân trồng từ hàng chục năm trước cũng bị sóng đánh bật gốc, cuốn trôi theo dòng nước.
Dẫn tôi ra bờ sông Bến Hải, đoạn qua thôn Minh Phước, chỉ tay xuống mép sông lở lói, ăn sâu vào ruộng sắn của người dân, ông Dũng nói, từ năm 2020 đến nay, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Bến Hải, đoạn qua thôn Minh Phước ngày càng nghiêm trọng, nhiều đoạn ăn sâu vào đất liền từ 10-20m, dài khoảng 1km. Vùng hạ lưu gần cầu Hiền Lương, đoạn qua thôn Huỳnh Xá Hạ đã có kè đá chắn sóng nhưng vẫn bị xói lở, sóng đánh làm hỏng chân kè đá. Ngoài ra, việc khai thác cát, sỏi trái phép trên thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, cuốn theo bùn đất vùi lấp khoảng 6-7 ha đất trồng lúa, rau màu và hồ tôm của nông dân, thiệt hại rất lớn. Trước thực trạng này, người dân Vĩnh Sơn phải thuê máy để san lấp, cải tạo ruộng đồng, vận chuyển bùn đất để tiếp tục canh tác.
Hiện nay, trên địa bàn xã Vĩnh Sơn vẫn còn xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông ở phía thượng nguồn và bồi lấp ở hạ du. Nhiều hệ thống kênh mương, cống thoát nước, đường liên xã dọc bờ sông cũng bị sạt lở. Đặc biệt là ở vùng Hói Cụ, hệ thống kênh mương dẫn nước tưới cho ruộng lúa của nông dân bị vùi lấp nặng. Vừa qua, UBND huyện Vĩnh Linh bố trí gần 1 tỉ đồng đề khắc phục, sửa chữa tatuy âm dọc tuyến đường liên xã Vĩnh Lâm-Vĩnh SơnVĩnh Thủy và một số tuyến đường, hệ thống cống...dẫn ra khu vực nuôi tôm của thôn Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn.
Theo quy định, các DN được cấp phép khai thác cát, sỏi phải có phương án BVMT và thực hiện BVMT trong quá trình khai thác. Nhưng hầu hết, các đơn vị này đều thực hiện qua loa, không đúng như cam kết. Hiện nay, cứ mỗi lần có mưa lớn là dọc bờ sông Bến Hải lại bị sạt lở thêm, ăn sâu vào đất liền khiến người dân trên địa bàn rất lo lắng. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng cho biết thêm.
Tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh
Hiện nay, tại thị xã Quảng Trị có 4 đơn vị được cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Thạch Hãn. Theo đánh giá các đơn vị được cấp phép khai thác cơ bản đã thực hiện việc khai thác đúng phạm vi diện tích được cấp phép, đồng thời thực hiện các biện pháp BVMT, giải quyết một phần nhu cầu việc làm cho lao động, tạo nguồn thu ngân sách địa phương.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: “Hoạt động khai thác cát, sỏi của các DN tạo ra nguồn vật liệu xây dựng, giúp bình ổn giá vật liệu trên thị trường. Tuy nhiên, quá trình khai thác của các đơn vị vẫn còn một số tồn tại. Đơn cử, một số DN chưa thực hiện đầy đủ việc cắm mốc giới phạm vi được cấp phép khai thác nên khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng; chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo tình hình hoạt động, lập kế hoạch khai thác cũng như nộp thiết kế mỏ cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương…Tình trạng khai thác trái phép, nhỏ lẻ vào ban đêm của các cá nhân, đơn vị ở địa bàn khác vẫn còn diễn ra gây bức xúc trong Nhân dân”.
Những năm gần đây, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Thạch Hãn vẫn diễn ra. Đặc biệt, sau các đợt lũ lụt lớn vào cuối năm 2020, hai bên bờ sông Thạch Hãn đoạn đi qua địa bàn xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị và xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong bị sạt lở nghiêm trọng. Trước thực trạng sạt lở bờ sông do hoạt động khai thác cát, sỏi không đúng quy định, thời gian qua, người dân xã Hải Lệ đã nhiều lần kiến nghị lên cấp có thẩm quyền và tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri.
Qua kiểm tra, xác minh của các ngành chức năng cho thấy, tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra là do nhiều nguyên nhân, trong đó việc khai thác cát, sỏi có ảnh hưởng nhất định. Vì thế, trong thời gian tới, UBND thị xã Quảng Trị sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND các phường, xã tăng cường công tác quản lý, xây dựng kế hoạch kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, đồng thời yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản tổ chức khai thác đúng giấy phép và có giải pháp BVMT, hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng gây sạt lở bờ sông. Bố trí quỹ đất dự phòng để di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa bão; thẩm định chặt chẽ các công trình, cơ sở hạ tầng xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng đến sạt lở tại khu vực bờ sông Thạch Hãn. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý khai thác khoáng sản không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.
Để hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và đảm bảo môi trường dân sinh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1855/QĐUBND ngày 6/7/2017 phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Phương án quy định cụ thể trách nhiệm của các ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; việc phối hợp, trao đổi thông tin và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản giữa các lực lượng kiểm tra chuyên ngành.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)