Hình thức bán hàng online đang trở nên phổ biến, đáng chú ý là ngày càng có nhiều công chức, viên chức (CCVC) tham gia. Tuy không có quy định cụ thể nào của pháp luật nghiêm cấm lực lượng này bán hàng online nhưng làm thế nào để CCVC biết cân đối thời gian, công việc khoa học, hợp lý để việc bán hàng qua mạng không ảnh hưởng việc công là vấn đề cần được quan tâm.
Từ kế toán một đơn vị hành chính nhà nước với đồng lương ít ỏi, không đủ để trang trải cuộc sống của gia đình, hơn 5 năm trước, chị T. T. Đ. (TP. Đông Hà) tìm hiểu và bắt đầu kinh doanh trái cây qua facebook.
Ý tưởng kinh doanh này của chị Đ. xuất phát sau lần vào thăm gia đình 2 chị gái lập nghiệp ở miền Nam. Mê mẩn với những vườn cây ăn quả như sầu riêng, cam, xoài, chôm chôm, bưởi… chị Đ. đã quay nhiều video đưa lên facebook cá nhân để “khoe”. Chuyến đi đó, chị phải đưa về quê một số lượng lớn trái cây vì nhiều người quen, bạn bè nhờ mua hộ. Trái cây được hái trực tiếp từ vườn rồi vận chuyển về liền nên rất tươi ngon. Vì vậy, sau lần đó có một số người nhờ chị đặt mua tiếp.
Từ đó, ngoài công việc hành chính ở cơ quan, chị Đ. có thêm nghề bán trái cây trên mạng. Nhờ nguồn hàng đảm bảo chất lượng, giá thành tương đối thấp hơn so với thị trường nên dần dần chị có những mối đặt hàng với số lượng lớn. Đến nay, ngoài bán lẻ, chị Đ. còn làm đại lý phân phối trái cây cho nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Đông Hà và một số địa phương lân cận.
Dù là công việc làm thêm ngoài giờ nhưng hiện tại nghề bán trái cây online mang lại nguồn thu cao gấp 3 - 4 lần so với lương cơ quan trả hàng tháng. “Một tháng tôi thường có 4 - 6 ngày bận rộn nhất, đó là dịp 14, rằm và 30, mồng 1 theo ngày Âm lịch. Để có hàng phục vụ người dân thắp hương ông bà, tổ tiên vào dịp này tôi phải chuẩn bị trước đó 2 - 3 ngày, đó là đăng bài, tư vấn, tương tác, trả lời, chốt đơn, gửi hàng… Tôi luôn cố gắng bố trí, sắp xếp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến công việc ở cơ quan nhưng nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi vì phải xoay như chong chóng suốt cả ngày”, chị Đ. chia sẻ.
Do bán đa dạng mặt hàng từ thực phẩm khô đến đồ ăn sẵn, đồ gia dụng, mỹ phẩm, hoa quả…. nguồn hàng khá chất lượng nên trang bán hàng online của chị N. L. - một cán bộ mặt trận trên địa bàn tỉnh được nhiều người biết đến. Nói là bán hàng nhưng thực ra chị L. làm cộng tác viên cho một số cơ sở kinh doanh bằng cách đăng lại sản phẩm lên facebook cá nhân, đầu mối nhận đơn rồi đi lấy hàng về giao cho khách lấy công làm lãi chứ trang bán hàng của chị hầu như không có sẵn bất kỳ loại hàng hóa nào. Tuy nhiên, cũng nhờ kinh doanh online ngoài giờ mà thu nhập của chị L. tăng lên so với trước, đời sống gia đình ngày càng được cải thiện.
Có thể thấy, bán hàng online đang trở nên phổ biến vì nghề này không cần quá nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, vốn đầu tư ít, nguy cơ rủi ro thấp nhưng lợi nhuận mang lại cũng đáng kể, mỗi người đều có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để thực hiện. Đối với CCVC, nghề phụ này giúp họ kiếm thêm thu nhập trong thời buổi vật giá ngày càng leo thang nhưng mức lương nhà nước còn tương đối thấp như hiện nay. Việc bán hàng online của CCVC không bị cấm nếu thực hiện ngoài giờ làm việc hành chính ở cơ quan. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít CCVC bán hàng online trong giờ làm việc.
Minh chứng cụ thể là vào đầu năm 2022, trước tình trạng cán bộ, CCVC, người lao động làm việc tại trụ sở HĐND, UBND thành phố đặt giao, nhận hàng tại nơi làm việc diễn ra phổ biến; nhiều trường hợp thực hiện giao, nhận hàng tại phòng làm việc ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn cũng như các quy định về an toàn phòng chống COVID-19, UBND TP. Đông Hà phải ban hành văn bản yêu cầu CCVC tuyệt đối không được giao, nhận hàng trực tiếp trong trụ sở cơ quan HĐND và UBND thành phố, trừ trường hợp giao nhận tài liệu, trang thiết bị phục vụ công tác.
Trên thực tế, để chứng minh việc CCVC có sử dụng thời gian trong giờ làm việc để bán hàng online hay không, có thể căn cứ vào thời gian đăng tin, bài; thời gian tương tác, tư vấn của họ với khách hàng hoặc thời gian online trực tuyến trên các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử và các website bán hàng,... Nếu thời gian này nằm trong giờ hành chính thì có nghĩa họ đã sử dụng thời gian của Nhà nước để làm việc riêng.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến công việc chính của CCVC đó nơi công sở. Vì thế, trên cơ sở những quy định chung của pháp luật, mỗi cơ quan, đơn vị nên xây dựng những quy định nghiêm ngặt về vấn đề quản lý đội ngũ CCVC bán hàng online, không để việc bán hàng của những người này ảnh hưởng đến công việc chính ở cơ quan. Xử lý nghiêm các trường hợp CCVC cố tình “đánh cắp” thời gian hành chính để kinh doanh online.
Tuyên truyền, động viên mỗi CCVC sắp xếp thời gian làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý, không được để việc bán hàng online ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi cần thiết nhằm tái tạo sức lao động; không được kinh doanh, buôn bán những mặt hàng cấm; thực hiện việc đăng ký kinh doanh, các nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật hiện hành đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)