Khi trẻ là trung tâm giáo dục

Trúc Phương |

Được thực hiện từ năm 2017, đến nay, chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã mang lại nhiều kết quả tích cực đối với các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Cam Lộ nói riêng. Không chỉ tạo ra môi trường giáo dục mang tính “mở”, giúp trẻ có cơ hội học tập, vui chơi mà việc lấy trẻ làm trung tâm còn kích thích tính chủ động, tích cực, sáng tạo của trẻ, góp phần nâng cao từng bước chất lượng giáo dục mầm non.


Hoạt động tạo hình của lớp mẫu giáo 3-4 tuổi, Trường Mầm non Sơn Ca Cam Lộ diễn ra trong không khí hào hứng, vui tươi.

Với đề tài tô màu con cá, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, trẻ được tự do lựa chọn màu sắc và tô theo trí tưởng tượng của mình. Nhiều cháu đã phát huy được tính sáng tạo, khắc họa nên những bức vẽ vô cùng sống động, đẹp mắt.

Sau khi học sinh hoàn thành các tác phẩm của mình, giáo viên gợi ý cho trẻ nói lên ý tưởng của mình về bức tranh. Không chỉ riêng lớp mẫu giáo lớn mà tại các nhóm tuổi khác nhau, mỗi giờ lên lớp, giáo viên đều linh hoạt các phương pháp truyền đạt kiến thức, tạo cơ hội để trẻ sáng tạo, tự khám phá. Như trong một hoạt động góc tại lớp mẫu giáo 5-6 tuổi A, cô giáo cho trẻ tự nhận góc chơi, tự chọn bạn chơi, đồ chơi yêu thích.

Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện - Ảnh: T.P
Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện - Ảnh: T.P

Điều này giúp trẻ mạnh dạn, tự tin khám phá khi tham gia các hoạt động giáo dục ở lớp, trường, tạo cho trẻ thói quen tốt từ độ tuổi mầm non. Việc để trẻ tự do học hỏi, vui chơi là một trong phần trong chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được triển khai từ năm 2017. Đến nay, chuyên đề đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo nên những sự thay đổi tích cực cho việc dạy - học của cô trò nhà trường.

Giáo viên không chỉ năng động hơn trong đổi mới cách thức tổ chức, phương pháp giáo dục cho trẻ mà trẻ cũng tự tin, sáng tạo, thích được đến trường.

Theo cô giáo Lê Thị Thảo Trang, chủ nhiệm lớp Mẫu giáo 3-4 tuổi A, việc thực hiện chuyên đề giúp bản thân cô và đồng nghiệp luôn cố gắng học tập, bồi dưỡng thêm về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức trang trí lớp học theo hướng “mở”.

“Trong quá trình giảng dạy, giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở, còn trẻ mới là người thực hiện chính. Chúng tôi luôn đổi mới phương pháp và nội dung dạy học để trẻ được trải nghiệm thực tế nhiều hơn, đảm bảo “học mà chơi, chơi mà học”. Một khi các cháu được tự do phát triển, vừa học, vừa chơi thì sẽ yêu thích đến trường”, cô Trang cho hay.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca Cam Lộ Hoàng Thị Mạnh Hiệp đánh giá, chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” thực sự phù hợp với chương trình giáo dục mầm non hiện nay cũng như xu thế phát triển chung của xã hội.

Thay vì luôn là người truyền thụ kiến thức để trẻ nghe, tiếp thu và thực hiện theo mẫu thì với chuyên đề này, giáo viên sẽ là người định hướng, gợi ý để trẻ cùng nhau tìm hiểu vấn đề, tạo cơ hội để trẻ phán đoán, học hỏi dựa trên những quan sát, hiểu biết của bản thân.

Việc tham gia hoạt động khám phá trải nghiệm về thế giới xung quanh bằng nhiều cách khác nhau sẽ giúp trẻ tự tin và sáng tạo theo ý tưởng riêng, từ đó phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - kỹ năng xã hội và thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, môi trường học tập cũng được các giáo viên sử dụng như là một phương tiện hữu hiệu để thúc đẩy quá trình học, sáng tạo của trẻ như tạo môi trường thân thiện, nội dung các góc hoạt động được bố trí linh hoạt với các nguồn tư liệu, bài tập, trò chơi phong phú, đáp ứng nhu cầu hoạt động của trẻ và có sự liên kết giữa môi trường trong và ngoài lớp học...

Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cam Lộ cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 11 trường mầm non.

Kể từ khi triển khai, thực hiện chỉ đạo của ngành GD&ĐT các cấp, Phòng GD&ĐT huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

Sau 5 năm với các giai đoạn khác nhau, chuyên đề đã đạt được các mặt nổi bật, như môi trường lớp học đẹp, thân thiện, đảm bảo an toàn cho các hoạt động của cô và trẻ; giáo viên được nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ trong thực hiện nội dung, đổi mới phương pháp, hạn chế sự gò bó, máy móc trong tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục cho trẻ. Trẻ được tạo cơ hội bộc lộ hết khả năng, biết làm chủ được bản thân, mạnh dạn, tự tin, chủ động đưa ra quyết định giải quyết vấn đề theo ý thích riêng của mình.

Cha mẹ trẻ, cộng đồng xã hội và trường mầm non đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn; các bậc phụ huynh thường xuyên tham gia vào hoạt động cùng nhà trường, tạo sự thống nhất trong chăm sóc, giáo dục trẻ và thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã góp phần làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu cho trẻ hoạt động chơi và trải nghiệm đa dạng, phù hợp điều kiện cụ thể của trường, lớp và địa phương.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cam Lộ Phan Thị Phương Lan cho biết: “Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chuyên đề, thời gian tới, phòng sẽ chỉ đạo các trường mầm non trên địa bàn bám sát các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; tích cực, chủ động, có cách làm sáng tạo, tạo nên nét đặc trưng riêng của đơn vị mình trong việc thực hiện chuyên đề trên.

Đồng thời tăng cường bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ, giáo viên; duy trì tốt phong trào làm đồ dùng, đồ chơi, tăng cường cơ sở vật chất để phát triển môi trường giáo dục cho trẻ hoạt động, đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng trẻ mầm non”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cô hiệu trưởng mầm non tâm huyết với giáo dục vùng bản

Thanh Hải |

Gương mẫu, trách nhiệm, tâm huyết và sáng tạo không ngừng…, đó là nhận xét, khen ngợi của đồng nghiệp và lãnh đạo cấp trên dành cho cô Đỗ Uyên Thiên Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xy, xã Xy, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). 12 năm làm quản lý ở một trường mầm non vùng bản, trong đó có 8 năm là hiệu trưởng, cô giáo Minh luôn xem trường như nhà, yêu trẻ như con, nỗ lực phấn đấu hết mình đưa Trường Mầm non Xy trở thành trường mầm non đầu tiên ở vùng bản huyện Hướng Hóa đạt trường chuẩn quốc gia vào năm 2019, là “điểm sáng” về huy động các nguồn lực dành cho giáo dục vùng bản.

Giáo dục Hướng Hóa, những bước tiến vững chắc

Khánh Ngọc |

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng với sự nỗ lực vượt khó bám bản, bám dân, bám trường, bám lớp để tổ chức lớp và dạy học hiệu quả của các thế hệ nhà giáo, giáo dục huyện miền núi Hướng Hóa đã có những bước tiến khá vững chắc.

Nỗ lực với giáo dục vùng khó

Phan Văn Đức |

Gặp thầy giáo Trần Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị) ngay ở cổng trường, bằng cái bắt tay ấm áp, nghĩa tình và nụ cười trìu mến, chúng tôi nhận thấy sự thân thiện của thầy ngay khi gặp mặt. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phê duyệt cho các cơ sở tổ chức thi IELTS, TOEFL trở lại vài ngày tới

Thanh Mai |

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, bộ sẽ nhanh chóng phê duyệt để các cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ trong một vài ngày tới.