Khó khăn trong thu hút, đào tạo nghề cho lao động miền núi

Hiếu Giang |

Mặc dù đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong lĩnh vực tuyển sinh các lớp dạy nghề, liên kết học nghề, có các chế độ hỗ trợ, tuy nhiên thời gian qua các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị) vẫn không tuyển đủ học viên theo kế hoạch được giao. Khi công tác này vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả thiết thực thì việc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao vẫn chưa thể bền vững.


Thôn Làng Cát, xã Đakrông, huyện Đakrông có 225 hộ với 900 nhân khẩu. Hiện nay thôn có hơn 30 lao động đi làm ăn xa và xuất khẩu lao động (XKLĐ). Dù vậy, số lao động nhàn rỗi và chưa có việc làm ổn định của địa phương vẫn chiếm tỉ lệ lên đến 80%. Lực lượng lao động dồi dào, có sức khỏe nhưng thiếu đất, thiếu vốn, thiếu nghề cộng với trình độ học vấn thấp, nhận thức về hướng đi cho tương lai chưa rõ ràng dẫn đến nhiều thanh niên rơi vào tình trạng thất nghiệp, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp khiến họ không thể thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Bên cạnh đó, thực trạng không có việc làm ổn định còn có nguy cơ kéo theo nhiều tệ nạn xã hội.

Là một người trẻ tuổi, chị Hồ Thị Nhi, thôn Làng Cát từng có ý định học một nghề phù hợp và ổn định. Tuy nhiên, hiện nay chị phải ở nhà làm những lặt vặt, thu nhập bấp bênh: “Tôi thích và cũng định học nghề nấu ăn, nhưng do hiện nay đã có chồng con, hoàn cảnh không cho phép nên khó có thể theo học. Hiện nay tôi có làm thêm nghề đan chổi đót, nhưng làm nhỏ lẻ nên thu nhập không đáng kể”, chị Nhi bộc bạch.

Đào tạo nghề chế biến món ăn tại Trung tâm GDNNGDTX huyện Hướng Hóa - Ảnh: HG
Đào tạo nghề chế biến món ăn tại Trung tâm GDNNGDTX huyện Hướng Hóa - Ảnh: HG

Thực tế đã có nhiều người dân ở huyện Đakrông tham gia học nghề phi nông nghiệp, trong đó nhiều người lựa chọn học nghề làm chổi đót nhưng sau đó cũng quay lại với nương rẫy. Nguyên nhân là do nguyên liệu sản xuất không đảm bảo, vốn đầu tư thiếu, sản xuất chủ yếu bằng hình thức tự phát, nhỏ lẻ đã khiến nghề này khó “sống” được. Cùng với đó, điều kiện cuộc sống khó khăn, nghề chính của người dân vẫn là phát nương làm rẫy nên nghề làm chổi đót chỉ theo thời vụ.

Lý giải về những khó khăn trong việc vận động bà con học nghề, Trưởng thôn Làng Cát Hồ Văn Phú cho hay: “Chính quyền địa phương đã vào cuộc, tích cực vận động người dân tham gia học nghề nhưng nhiều bà con không đi học. Những người trẻ thì không mặn mà học nghề, chỉ muốn đi làm công nhân các công ty để nhanh có thu nhập. Trong khi người lớn tuổi thì hạn chế tiếng phổ thông, sức khỏe không đảm bảo nên đi học xa rất khó khăn”.

Thực tế cho thấy đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng được ưu tiên học nghề trong mọi dự án, nhưng số người học và thành công từ nghề rất ít. Tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đakrông, mặc dù quy mô trường, phòng thực hành được đầu tư khang trang, hiện đại, tuy nhiên việc thu hút học viên tham gia học nghề vẫn là “bài toán” khó.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhà trường buộc phải dạy nghề lưu động cho đồng bào. Cán bộ, giáo viên của trường phải cùng ăn ở ngay tại thôn bản để vận động bà con đi học nghề. Dù vậy, thời gian dạy học cũng phải kéo dài, thay vì 3 tháng là hoàn thành khoá học nay kéo dài lên 7 - 8 tháng.

Cô giáo Cáp Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đakrông cho biết: “Thực tế sau khi học nghề, có nhiều học viên mạnh dạn phát huy và thực hiện các mô hình để tạo công ăn việc làm, thu nhập cho gia đình mình. Tuy nhiên, cũng có nhiều học viên do điều kiện kinh tế khó khăn nên việc vận dụng, áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực hiện các mô hình làm ăn gặp nhiều trở ngại”.

Không chỉ khó khăn trong đào tạo nghề cho đối tượng là nông dân mà chính lứa tuổi học sinh vẫn khó thu hút để đào tạo THPT và trung cấp nghề. Hằng năm, các trung tâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn để điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch tuyển sinh, chọn lựa nghề phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh đầu vào vẫn không đảm bảo. Năm học 2023 - 2024, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hướng Hoá phối hợp với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị đào tạo 6 lớp với 131 học viên học nghề trình độ trung cấp. Tuy vậy, con số này còn quá thấp so với tỉ lệ học sinh ở độ tuổi học nghề tại 19 xã và 2 thị trấn của toàn huyện Hướng Hóa.

Em Hồ Văn Bét, xã Húc, huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Em nghĩ tham gia vào học ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện thì bạn nào cũng có mong muốn. Nhưng chúng em gặp khó khăn đó là phải tự túc tiền ăn, học phí, đường xa đi lại tốn kém, vất vả”.

Mặc dù các các trung tâm GDNN - GDTX đã áp dụng linh hoạt các phương pháp, đồng thời chú trọng vào đối tượng thuộc khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, các học viên này cũng tạo ra nhiều khó khăn cho nhà trường trong quá trình đào tạo, đặc biệt là việc duy trì sỉ số đến cuối cấp.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy giáo Phạm Văn Nhi, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hướng Hoá cho hay: “Đào tạo nghề cho các em học viên miền núi cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là chất lượng đầu vào các em nhìn chung còn yếu so với các trường THPT. Thêm nữa có trên 50% học viên là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và trên 95% các em sinh sống ở các vùng đặc biệt khó khăn nên việc đi lại, ăn ở gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, các em cũng chưa định hướng được nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT tại trung tâm”.

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, những năm qua Trung tâm GDNN-GDTX hai huyện Hướng Hóa và Đakrông đã đào tạo gần 300 lớp nghề sơ cấp với hơn 7.000 học viên, trong đó có 86% học viên là người dân tộc thiểu số.

Dù đạt được những kết quả tích cực nhưng người dân nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đào tạo nghề chưa cao. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề theo quy định của nhà nước là 30.000 đồng người/ngày, trong khi ngày công lao động thời vụ hiện nay tối thiểu cũng đã 200.000 đồng/người/ngày nên nhiều lao động không mặn mà học nghề.

Phó Trưởng Phòng LĐ, TB&XH huyện Đakrông Nguyễn Xuân Quang cho biết: “Chúng tôi đề xuất, kiến nghị các địa phương cần gắn nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương với thực hiện các chương trình mục tiêu, xây dựng các mô hình sinh kế, mô hình sản xuất cụ thể. Khi đã có các mô hình cho ra sản phẩm thì sẽ liên kết, kết nối chuỗi giá trị với các đơn vị đối tác để tạo thu nhập.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người chưa có việc làm có nhu cầu học nghề thực sự, ưu tiên vào các mô hình đã thực hiện để đào tạo có hiệu quả”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

“Trải nghiệm làng nghề làm nón Trà Lộc” đoạt giải A Cuộc thi video clip “Tôi yêu Quảng Trị” năm 2023

Minh Anh |

Ban tổ chức (BTC) cuộc thi video clip du lịch Tôi yêu Quảng Trị năm 2023 (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Quảng Trị phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan) vừa tổ chức lễ tổng kết, trao giải. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Mang cơ hội học nghề, việc làm đến với thanh niên dân tộc thiểu số

Mai Lâm |

Lần đầu tiên một diễn đàn hướng nghiệp và đào tạo nghề được tổ chức về tận bản làng, nhờ đó, gần 200 thanh niên người dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được tham gia nhiều hoạt động thiết thực như: tư vấn, định hướng nghề nghiệp, trải nghiệm công đoạn thực hiện một số nghề và có cơ hội học nghề miễn phí tại Trung tâm REACH Huế.

Nỗ lực đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa

Tú Linh |

Đào tạo nghề theo các chương trình mục tiêu quốc gia cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn và giải quyết việc làm góp phần cải thiện đời sống người dân. Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn có nhiều giải pháp phù hợp để tổ chức đào tạo nghề cho lao động người DTTS trên địa bàn.

Hướng Hóa: Gần 200 đoàn viên, thanh niên người dân tộc thiểu số tham gia diễn đàn định hướng nghề nghiệp và cơ hội việc làm

Mai Lâm |

Sáng nay 7/12, tại xã Lìa, Huyện đoàn Hướng Hóa phối hợp Văn phòng Plan International tại Quảng Trị, Viện Nghiên cứu và hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp (REACH) tổ chức Diễn đàn hướng nghiệp và đào tạo nghề cho đoàn viên, thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.