Chưa khi nào phong trào khởi nghiệp sáng tạo của tuổi trẻ huyện Triệu Phong (Quảng Trị) lại sôi nổi, mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp như thời gian qua. Mỗi mô hình, ý tưởng không dừng lại ở việc khởi nghiệp, lập nghiệp, mà còn thể hiện sự đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu của tuổi trẻ.
Cũng như nhiều thanh niên nông thôn khác, con đường lập thân, lập nghiệp của anh Nguyễn Văn Phúc (sinh năm 1991), ở thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong gặp rất nhiều khó khăn. Anh Phúc từng vào miền Nam, làm nhiều nghề để mưu sinh nhưng vẫn không bám trụ được lâu dài. Cơ duyên đến với anh khi tình cờ được tham quan một số mô hình nuôi thỏ ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Nhận thấy thỏ dễ nuôi, ăn tạp, vốn đầu tư không lớn lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại vật nuôi khác nên năm 2019 anh quyết định trở về quê hương khởi nghiệp với 10 cặp thỏ bố mẹ giống New Zealand. Trại thỏ khép kín khoảng 150 m2 được anh đầu tư xây dựng bài bản, mái che và bao bọc xung quanh bằng tôn kiên cố. Anh còn tự thiết kế, lắp đặt máng ăn, máng uống cho mỗi ô lồng nuôi thỏ một cách khoa học.
Theo anh Phúc, giống thỏ New Zealand phát triển rất nhanh, bình quân mỗi năm đẻ khoảng 6 - 7 lứa, mỗi lứa tầm 8 - 10 con. Để thỏ phát triển tốt, anh phân loại thỏ thương phẩm, thỏ giống để nuôi nhốt riêng trong từng ô lồng khác nhau.
“Nuôi tách ra như vậy thỏ sẽ không cắn nhau, dễ vỗ béo, thỏ giống đẹp mã, dễ bán ra thị trường”, anh Phúc cho biết thêm.
Lồng nuôi thỏ cũng khá đơn giản, có thể làm bằng tre, gỗ, sắt, song phải thông thoáng vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của thỏ để kịp thời phòng chống các dịch bệnh, nhất là bệnh tụ huyết trùng, ecoli… Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, anh Phúc đã chủ động tìm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, quán ăn ở các địa phương trong tỉnh và cung cấp thỏ giống cho các vùng lân cận. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Phúc thu lãi gần 100 triệu đồng từ mô hình khởi nghiệp này.
Bên cạnh những mô hình thanh niên phát triển kinh tế độc lập, hiện nay trên địa bàn huyện Triệu Phong có 4 câu lạc bộ (CLB) Thanh niên phát triển kinh tế ở các xã Triệu Trung, Triệu Hòa, Triệu Trạch, Triệu Lăng. Các mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên đã tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh và mối liên kết về kinh tế giữa đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có ý chí vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Được thành lập vào năm 2019, CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Triệu Hòa hiện có 15 thành viên tham gia.
Lựa chọn khởi nghiệp bằng mô hình xưởng cơ khí, chế tạo các công trình sân chơi cho trẻ em từ các loại vật liệu tái chế như lốp xe ô tô, vỏ thùng sơn, gỗ, ván cũ.., anh Phan Quốc Tế ở thôn Hà My là một trong những điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi trong CLB Thanh niên phát triển kinh tế của xã Triệu Hòa. Công việc làm ăn thuận lợi nên xưởng cơ khí của anh Tế đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, với mức tiền công từ 7 - 9 triệu đồng/tháng/ người. Ngoài ra, anh Tế còn phát triển ngành nghề dịch vụ cưới hỏi và vận tải.
Từ các mô hình kinh tế, đến nay mỗi năm gia đình anh Tế có thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Anh Tế chia sẻ: “Khi bắt đầu khởi nghiệp với mô hình xưởng cơ khí, tôi gặp nhiều khó khăn về vốn, về kinh nghiệm. Nhờ tham gia vào CLB Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, tôi đã giảm bớt gánh nặng về nguồn vốn để phát triển sản xuất. Đồng thời, qua sự chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh của các thanh niên ở mô hình khác, tôi cũng học hỏi và tích lũy thêm được những kiến thức có ích từ thực tiễn sản xuất”.
Nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Ban Thường vụ Huyện đoàn Triệu Phong đã hướng dẫn các cấp bộ đoàn khảo sát các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên có nhu cầu vay vốn triển khai các mô hình kinh tế, trên cơ sở đó, đề xuất Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ giải ngân vốn vay cho các dự án. Theo đó, tính đến ngày 3/7/2022, tổng dư nợ tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện qua kênh đoàn thanh niên đạt trên 37 tỉ đồng.
Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong Phan Thị Hoàng Yến cho biết: “Thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong toàn huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động ĐVTN tìm kiếm hướng phát triển kinh tế, mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Trên quy mô cấp huyện đã chủ động phối hợp tổ chức 15 buổi tư vấn xuất khẩu lao động, tham gia sàn giao dịch việc làm cho 3.210 lượt ĐVTN; tổ chức 97 buổi tư vấn, hướng nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật với hơn 10 nghìn lượt ĐVTN tham gia; phối hợp mở 11 lớp dạy nghề cho hơn 450 ĐVTN, trong đó có 2 lớp cho thanh niên xuất ngũ.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết chuyên đề, đề án phát triển kinh tế của Huyện uỷ, từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, khởi nghiệp bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả đã tạo ra một diện mạo mới cho phong trào “Thanh niên làm kinh tế giỏi” tại địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 56 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ kinh doanh hiệu quả cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm/mô hình. Dám nghĩ, dám làm, đổi mới và không ngừng sáng tạo đã giúp nhiều ĐVTN trên địa bàn huyện Triệu Phong lập thân, lập nghiệp thành công”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)