Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bùng phát năm 2018 - 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 20/5/2019 “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi”. Chỉ thị nêu rõ: “Cùng với việc chỉ đạo các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tổ chức đảng các cấp chỉ đạo việc chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thủy cầm để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân…”
Năm 2020, tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần, nhiều địa phương đã hết dịch (qua 21 ngày) là điều kiện để người chăn nuôi thực hiện tái đàn lợn
Thiếu hụt nguồn cung lợn giống, giá lợn giống tăng cao
Theo thống kê, bệnh DTLCP xảy ra từ đầu năm 2019 đến nay đã gây thiệt hại hết sức nặng nề cho sản xuất, chăn nuôi lợn. Từ ngày 25/3/2019 đến ngày 31/12/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 119 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố (trong đó có huyện đảo Cồn Cỏ), buộc phải tiêu hủy 54.930 con lợn. Tính đến ngày 5/8/2020 bệnh DTLCP xảy ra tại 161 hộ chăn nuôi tại 78 thôn, 43 xã của 6 huyện, thị xã với tổng số 851 con và đã bị tiêu hủy. Tình hình dịch bệnh khiến tổng đàn lợn giảm nhanh, đến cuối năm 2019 chỉ còn 109.777 con, giảm 54,9% so với thời điểm cuối năm 2018 (thời điểm trước khi có DTLCP). Trong đó, đàn lợn nái chỉ còn 24.800 con, giảm 57,2%, đàn lợn đực giống phục vụ thụ tinh nhân tạo (TTNT) chỉ còn 10 con, giảm 87,5%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2019 đạt 27.491 tấn, giảm 5,28%.
Ảnh hưởng của bệnh DTLCP đã làm cho tổng đàn giảm, đàn lợn nái cho đến nay chỉ còn 25.204 con; đàn lợn đực giống khai thác tinh phục vụ TTNT chỉ còn 10 con. Trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở chăn nuôi lợn đực giống thì có đến 4 cơ sở phải dừng hoạt động do đàn lợn bị bệnh DTLCP, tổng số lợn đực giống của 4 cơ sở bị chết và tiêu hủy là 70 con. Trong đợt dịch năm 2019 có 10.798 hộ có lợn bị dịch phải tiêu hủy. Tính đến ngày 5/8/2020, có 161 hộ chăn nuôi lợn có dịch phải tiêu hủy. Thực trạng này dẫn đến thiếu hụt con giống nghiêm trọng, đẩy giá con giống lên cao. Thêm vào đó, điều kiện chăn nuôi chưa bảo đảm, thiếu vốn đầu tư vào chăn nuôi, việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi để phòng bệnh chưa được chú trọng, giá thịt lợn tăng cao làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thịt và các sản phẩm chăn nuôi làm giảm sản lượng tiêu thụ thịt trên địa bàn. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi lợn hơi được xuất chuồng, đến khi sản phẩm thịt đến tay người tiêu dùng phải qua từ hai đến năm khâu trung gian, như thương lái thu gom lợn hơi, trung gian giết mổ, thương lái bán buôn, thương lái bán lẻ, chi phí nhiều khâu trước khi đến chợ dân sinh… làm giá thành đội lên trên đơn vị thịt lợn tăng khoảng 43% khi đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc diễn biến phức tạp, bệnh DTLCP đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị nên người chăn nuôi còn có tâm lý e dè vì gặp rất nhiều “rào cản” trong việc tái đàn lợn.
Khôi phục và nâng cao chất lượng đàn lợn là nhu cầu bức thiết
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị xác định tập trung khôi phục và nâng cao chất lượng đàn lợn; chủ động đẩy mạnh sản xuất lợn giống chất lượng phục vụ người chăn nuôi tái đàn sau DTLCP, nhanh chóng ổn định sản xuất, bình ổn giá thịt lợn trên thị trường, góp phần thực hiện tốt công tác tái cơ cấu nông nghiệp. Cùng với đó là kiểm soát bệnh DTLCP, thực hiện tái đàn lợn, ổn định sản xuất, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Mục tiêu hướng đến là xây dựng được một số mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học, làm cơ sở để người chăn nuôi học hỏi, nhân rộng. Khôi phục và phát triển đàn lợn đạt 243.000 con vào năm 2025, đàn lợn nái trên 48.600 con (chiếm khoảng 20% tổng đàn lợn), đàn lợn đực giống phục vụ TTNT trên 80 con. Nâng cao chất lượng đàn lợn nái, đưa tỉ lệ lợn nái ngoại, nái lai ngoại chiếm trên 85% tổng đàn lợn nái toàn tỉnh, đảm bảo nhu cầu lợn giống nuôi thịt trên địa bàn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngày 31/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 6060/ĐA-UBND khôi phục đàn lợn sau bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đối tượng thực hiện là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp…thỏa mãn điều kiện hỗ trợ của đề án. Trong đó ưu tiên các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP, chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn đực giống phục vụ TTNT, các cơ sở sản xuất chăn nuôi lợn thịt có liên kết, chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường… Thời gian thực hiện từ năm 2021-2025, cụ thể: Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, thực hiện từ khi đề án được phê duyệt đến hết năm 2021. Hỗ trợ lãi suất vay vốn giai đoạn 2021-2025: Tổng số 89.000 con lợn, trong đó lợn thịt 65.350 con, lợn nái 23.600 con, lợn đực giống 50 con…
Đề án cũng đã nêu rõ chính sách và cơ chế hỗ trợ; các giải pháp thực hiện quy hoạch, tái cơ cấu; giải pháp về con giống, tăng cường liên kết sản xuất, thu hút đầu tư, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; giải pháp về nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thú y, tài chính…Tổng kinh phí thực hiện đề án là 712.759.860.000 đồng.
Sau khi đề án kết thúc, dự kiến hằng năm 23.600 con lợn nái được hỗ trợ sẽ sản xuất được trên 472.000 con lợn giống cung cấp cho người chăn nuôi, 48 con lợn đực giống dự kiến sản xuất trên 210.000 liều tinh. Đề án thành công sẽ giúp thúc đẩy chăn nuôi lợn theo hướng tập trung an toàn sinh học, góp phần phòng, chống dịch bệnh và ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nâng cao tỉ trọng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi lợn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)