Nuôi lợn bản địa – Vấn đề đặt ra cho người sản xuất ở vùng núi sau mưa lũ

Nguyên Bảo |

Lợn bản hiện đang là vật nuôi mang tính đặc trưng trong phát triển chăn nuôi của người sản xuất ở vùng núi tỉnh Quảng Trị.

Chăn nuôi lợn bản là mô hình phù hợp với điều kiện và tập quán chăn nuôi của người dân, lại cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, một thực tế đang đặt ra hiện nay là sau những đợt mưa lũ lớn thời gian qua, việc tái sản xuất loại vật nuôi này hiện đang là vấn đề nan giải đối với người dân.

Hiện nay, với việc chăn nuôi lợn bản ở vùng núi thì không thể phủ nhận vai trò của loại vật nuôi này đối với đời sống cũng như nền kinh tế. Bà Hồ Thị Phuôi, xã Mò Ó, huyện Đakrông chia sẻ: “Nhà nuôi lợn đen này lâu lắm rồi. Năm nào cũng phải nuôi để lúc tết, lễ có thịt. Nhà tôi còn bán đề lấy tiền mua sắm trong nhà, mua sách vở đồ dùng cho con cái ăn học. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân khác cũng chăn nuôi lợn bản. Vì nuôi nó rất dễ, nhiều khi không có thức ăn có thể thả cho nó ra ngoài kiếm thức ăn được, lợn này cũng ít bị dịch bệnh hơn những loại lợn khác nên ai cũng có thể nuôi được.”

Chuồng nuôi lợn của gia đình chị Hồ Thị Cương ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng sau mưa lũ
Chuồng nuôi lợn của gia đình chị Hồ Thị Cương ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng sau mưa lũ

Tại huyện Đakrông, lợn bản địa là loại vật nuôi có từ lâu đời gắn với việc sản xuất của người dân. Với khả năng chống chịu dịch bệnh và thức ăn đơn giản, lợn bản địa phù hợp với tập quán sản xuất của người dân vùng núi. Theo thống kê từ Phòng NN&PTNT huyện Đakrông, toàn huyện có tổng đàn lợn hơn 4.100 con, trong đó 2/3 là giống lợn bản địa – lợn Vân Pa. Mỗi hộ dân trung bình nuôi từ 2 -3 con đáp ứng nguồn thực phẩm của gia đình, những hộ dân nuôi nhiều phục vụ cho phát triển kinh tế của gia đình. Lợn bản hiện đang phân bổ hầu hết các địa phương vùng núi và thực tế đã mang lại kinh tế cao cho người dân. Cùng với phục vụ nhu cầu thực phẩm cho thị trường thì nuôi lợn bản còn đáp ứng nhu cầu cho dân làng vào các dịp lễ, tết khi tổ chức các ngày hội, ngày lễ của dân làng. Chăn nuôi lợn bản thực sự đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ nghề chăn nuôi truyền thống mang tính đặc trưng và phát triển kinh tế cho gia đình và mỗi địa phương.

Tuy nhiên, sau đợt mưa lũ lớn thời gian qua, các loại vật nuôi của bà con ở vùng núi tỉnh Quảng Trị bị nước lũ cuốn trôi, cơ sở chăn nuôi của nhiều hộ dân bị phá hủy. Việc tái sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn. Gia đình chị Hồ Thị Cương ở thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa nhờ chăn nuôi lợn bản mà chị có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Vậy nhưng sau lũ, chỉ còn đống đổ nát bị bùn lầy vùi lấp. Việc chăn nuôi lợn trở lại của gia đình giờ gặp không ít khó khăn. Ngay cả ngôi nhà của mình chị không thể sửa lại được thì kinh phí để khôi phục sản xuất là điều hoàn toàn không dễ. Chị Cương chia sẻ: “Lũ lụt về nước cuốn trôi hết, cả heo và gà đều không còn. Giờ chăn nuôi trở lại thì rất khó khăn, không có tiền làm trang trại và mua con giống. Giống lợn này thì phải ở bản địa ở vùng núi mới nuôi được chứ ở xuôi lên thì không nuôi như lợn bản”

Không riêng gia đình chị Hồ Thị Cương mà phần lớn hộ dân ở xã Hướng Việt đều có chung hoàn cảnh tương tự.Nước lũ nhấn chìm và cuốn trôi mọi thứ từ nhà cửa, vật dụng sinh hoạt đến cơ sở chăn nuôi, giống vật nuôi. Hiện nay việc khôi phục lại đời sống cũng như ổn định chỗ ở của bà con đang gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy để tái sản xuất lợn bản thì đang là vấn đề nan giải đối vời người dân ở đây. Điều đáng quan tâm đó chính là giống lợn bản địa không phải là giống vật nuôi dễ kiếm khi nhiều địa phương có chung tình cảnh tương tự như xã Hướng Việt. Chị Hồ Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa cho biết: “Cuộc sống người dân ở đây chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng trọt. Nhưng sau lũ, giống vật nuôi đang là vấn đề mà địa phương và chính người dân lo lắng. Chính quyền sẽ tiếp tục kết nối và đề xuất để có chính sách ưu tiên giống vật nuôi cho bà con.”

Khó khăn trong tái sản xuất được xem là thực trạng chung của nhiều hộ dân vùng núi của tỉnh Quảng Trị sau đợt mưa lũ vừa rồi. Theo đánh giá của bà con nông dân từng nuôi lợn bản thì giống lợn bản địa là giống có khả năng thích nghi tốt, kháng bệnh cao, nuôi con khéo, có giá trị kinh tế cao gấp từ 1,5 - 2 lần so với các giống lợn lai, lợn ngoại và có chất lượng thịt thơm ngon. Đây là giống lợn có có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Việc tái sản xuất là điều rất cần thiết không chỉ với người dân mà còn lưu giữ nghề chăn nuôi truyền thống, mang lại giá trị kinh tế cao góp phần phát triển kinh tế tại các địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đây là giống vật nuôi còn mang tính hoang dã tương đối lớn nên môi trường chăn nuôi chủ yếu là thả rong nên việc gìn giữ bảo tồn là vấn đề khó. Đầu năm 2020, trong phiên làm việc với Cục Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Quảng Trị đã đề xuất để Cục Chăn nuôi báo cáo Bộ NNN&PTNT đưa giống lợn này vào bảo tồn và phát triển thời gian tới. Khi có được chính sách của Bộ NN&PTNT thì con nuôi này phát triển thuận lợi hơn. Về vấn đề nguồn giống, tốt nhất sử dụng ở địa phương, nếu không có thì mua giống địa phương khác.” Tuy nhiên, ông Đào Văn An cũng khuyến cáo người dân không nên mua giống từ nước bạn Lào vì chủ yếu qua đường tiểu ngạch không được kiểm soát, kiểm dịch. Nếu ở Quảng Trị không có, người dân cần mua tại các địa phương ở vùng núi của Việt Nam, tránh nguy cơ dịch tả lợn châu Phi và các bệnh khác từ nước ngoài. Khi tái đàn, người chăn nuôi cũng nên chú trọng đảm bảo tiêm phòng vacxin theo quy định của cơ quan thú y địa phương, tiêu độc khử trùng hàng ngày đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vật nuôi của mình.

Để phát triển nuôi lợn bản thành một nghề chăn nuôi hàng hóa ổn định, lâu dài, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người nông dân về giống, vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật để họ yên tâm sản xuất. Cùng với những giải pháp căn cơ mà ngành chăn nuôi tỉnh hiện đang hướng đến thì cần xây dựng mô hình liên kết giữa người chăn nuôi với các nhà hàng, quán ăn để bảo đảm bao tiêu sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm đưa lại giá trị kinh tế cao hơn.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi lợn rừng

Phương Nga |

Ngoài công việc chính tại Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), với sự nhạy bén, năng động, anh Nguyễn Lê Anh Tuấn ở khu phố Thống Nhất, thị trấn Hồ Xá đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi lợn rừng để mở hướng phát triển kinh tế gia đình. Sau hơn 3 năm, mô hình đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.

Cấp bách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Trần Tuấn |

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công điện chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống sau khi xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại 2 xã.

Hà Tĩnh: Xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi

Trần Tuấn |

Một ổ dịch tả lợn Châu Phi vừa xuất hiện tại thôn Thượng Lội xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), chính quyền và ngành chức năng đang tập trung xử lý.

Xe tải chở lợn gặp tai nạn nghiêm trọng làm hai người chết

Tổng hợp |

Một xe tải chở lợn đang lưu thông trên tuyến đường Phou Kaolak, nối huyện Kasy của tỉnh Vientiane với huyện Meuang Nan, tỉnh Luang Prabang (Lào) gặp tai nạn rạng sáng nay 29/9 khiến 2 người trên xe thiệt mạng tại chỗ.