Vượt qua hàng nghìn thí sinh trên khắp cả nước, cô PHẠM THỊ THÚY HỒNG, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP. Đông Hà (Quảng Trị) vừa đoạt giải Nhì cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 với chủ đề “Sách và khát vọng cống hiến”.
Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với cô về câu chuyện bên những trang sách.
Niềm vui từ tình yêu sách
- Trước tiên, xin chúc mừng cô vừa đoạt giải Nhì cuộc thi giới
thiệu sách trực tuyến năm 2022 với chủ đề: “Sách và khát vọng cống hiến”. Cảm xúc của cô như thế nào khi nhận tin vui này?
- Xin cảm ơn lời chúc mừng và câu hỏi của phóng viên. Tham dự cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 với chủ đề: “Sách và khát vọng cống hiến”, tôi đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Khi tên mình được xướng lên ở giải Nhì, cảm xúc trong tôi như vỡ òa. Tôi và các cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành ra Hà Nội tham dự lễ trao giải đều xúc động đến rưng rưng. Đây là niềm vui, niềm vinh dự rất lớn.
- Cơ duyên nào dẫn cô đến với cuộc thi?
-Những năm học gần đây, việc lan tỏa tình yêu sách ở Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, nơi tôi công tác đã trở thành phong trào phát triển rất mạnh mẽ. Tôi và các giáo viên khác trong trường là cộng tác viên thân thiện, nhiệt tình của thư viện. Tháng 4/2022, sau khi cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến với chủ đề “Sách và khát vọng cống hiến” được triển khai, tôi cùng các giáo viên và học sinh trong trường được lãnh đạo nhà trường, giáo viên phụ trách thư viện chia sẻ thông tin, động viên, hướng dẫn tham gia. Vì thế, chúng tôi đã tập hợp lại để lên ý tưởng, xây dựng video clip dự thi.
-Tại sao cô và đồng nghiệp lại lựa chọn cuốn sách “Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị (81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa - 1972)” để đến với cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến với chủ đề “Sách và khát vọng cống hiến”?
-Trước tiên, tôi và các đồng nghiệp thấy cuốn sách “Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị (81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa - 1972)” rất phù hợp với chủ đề cuộc thi. Thứ hai, tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc trên cả nước về quá khứ hào hùng của cha ông ta và về các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thứ ba, tôi tìm thấy ở cuốn sách nguồn cảm hứng và thực sự mong muốn lan tỏa nó. Tôi hy vọng mình có thể truyền tải được ý nghĩa cuốn sách đến mọi người, qua đó khơi gợi, thôi thúc bạn đọc trực tiếp chiêm nghiệm từng trang sách.
-Đề nghị cô chia sẻ đôi nét về cuốn sách này và những ấn tượng của mình?
-Cuốn sách “Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị (81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa - 1972)” có 4 phần, giới thiệu về mảnh đất, con người Quảng Trị; cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị; câu chuyện về những người lính đã mãi mãi nằm xuống; lời chia sẻ, tâm sự của các cựu chiến binh… Ngay trang bìa của cuốn sách, tôi đã ấn tượng với hình ảnh đài tưởng niệm Thành Cổ Quảng Trị. Đây cũng chính là một nấm mồ chung của các anh hùng, liệt sĩ, nằm trang nghiêm, yên bình giữa không gian xanh tươi màu trời và cây cỏ. Đọc sách, ngay những trang đầu tiên, ta đã cảm nhận được khá trọn vẹn về thông điệp mà ban biên soạn, nhóm tác giả muốn truyền tải.
Mỗi trang trong cuốn sách “Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị (81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa - 1972)” đều để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Đặc biệt, khi đọc đến phần thứ 3, từ trang 101, từng câu, từng chữ của cuốn sách đều khiến tôi xúc động. Theo từng trang sách, tôi và có lẽ những người đọc khác sẽ không khỏi cảm phục tấm lòng kiên trung, quả cảm của người lính Thành Cổ. Từ trang 101 đến tận trang 227, cảm giác bồi hồi, rưng rưng cứ hiện hữu và vỡ òa khi tôi lật đến 3 trang danh sách “trắng” tiếp theo.
Có thể thấy ban biên soạn dành hơn một nửa số trang sách trong 254 trang của cuốn sách để lưu danh những người lính Thành Cổ với lòng tri ân sâu nặng nhất. Những người lính Thành Cổ đã nằm lại trên đất mẹ Quảng Trị ở tuổi 19, đôi mươi, để lại bao ước mơ, hoài bão, dự định còn dang dở. Hôm nay và mãi mãi về sau, các thế hệ người dân Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ không bao giờ quên công lao, sự hy sinh cao cả của những người lính Thành Cổ.
Hạnh phúc khi làm “người truyền lửa”
- Hay tin cô Phạm Thị Thúy Hồng đoạt giải Nhì cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 với chủ đề: “Sách và khát vọng cống hiến”, một số độc giả Báo Quảng Trị muốn biết nhiều hơn về cô. Mong cô chia sẻ đôi điều về bản thân?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Tình yêu với nghề giáo đã đưa tôi đến với công việc trồng người. Tôi vào nghề từ năm 2011, hiện công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP. Đông Hà. Tôi rất hạnh phúc khi tìm thấy niềm vui trên bục giảng. Ngoài công việc ý nghĩa này, tôi còn là một huấn luyện viên yoga. Trong cuộc sống thường ngày, tôi yêu ca hát, đam mê tập luyện yoga và đọc sách. Việc đọc sách đã mang lại cho tôi nhiều điều ý nghĩa. Tôi cảm thấy thư giãn, thoải mái với những trang sách. Vì thế, tôi vẫn luôn bồi đắp cho mình tình yêu, niềm đam mê sách.
- Như cô vừa thông tin, việc đọc sách mang lại cho mình nhiều điều ý nghĩa. Cô có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
- Có nhiều câu nói hay ứng với những điều ý nghĩa của sách mang đến với tôi, đơn cử như: “Sách khiến ta biết cười, để thấy tâm hồn ta rộng mở và chào đón những điều tốt đẹp sẽ đến với ta”. Trong công việc, kho tàng kiến thức từ sách đã góp phần làm cho những bài giảng của tôi trở nên thú vị hơn.
- Là một người yêu sách, cô lan tỏa tình yêu của mình cho học trò như thế nào?
- Từ thực tiễn công việc, tôi và đồng nghiệp nhận thấy rằng việc đọc sách giúp học sinh hình thành, phát triển 2 năng lực đặc thù là: năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học. Đọc sách cũng có tác dụng rèn kỹ năng đọc cho học sinh tiểu học, giúp các em hình thành tư duy phản biện, khả năng sáng tạo và bồi dưỡng trí tuệ, cảm xúc. Việc đọc sách thường xuyên cũng góp phần hình thành ở học sinh một thái độ sống tích cực.Vì thế, để lan tỏa tình yêu đọc sách, ngoài việc giúp học sinh hiểu về lợi ích của việc đọc sách, tôi và những giáo viên khác trong trường luôn nỗ lực bồi dưỡng tình yêu sách cho các em qua từng mẩu chuyện ý nghĩa, bài học nhân sinh quan, thế giới quan... Chúng tôi luôn động viên, khích lệ học sinh tham gia các hoạt động, phong trào khơi gợi tình yêu sách do nhà trường phát động như: “Mỗi ngày một trang sách”, “Cuốn sách em yêu”… và tích cực đọc sách ở “Thư viện xanh”, thư viện trường. Tôi cũng luôn tìm tòi những cuốn sách hay để truyền cảm hứng cho các em tìm đọc qua tiết “đọc thư viện” trong chương trình giáo dục phổ thông Tiếng Việt 3.
- Trong bối cảnh các phương tiện nghe, nhìn phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thói quen đọc sách và tình yêu dành cho sách của nhiều người có phần phai nhạt. Theo cô, cần phải làm gì để khơi nguồn, chắp cánh tình yêu sách cho học sinh?
- Để khơi nguồn, chắp cánh cho tình yêu đọc sách, tôi nghĩ, học sinh rất cần một người hướng dẫn gần gũi, tận tâm. Đó có thể là thầy cô, ba mẹ, người thân của mình. Người hướng dẫn sẽ giúp các em lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích, nhu cầu, thị hiếu, thậm chí là… túi tiền. Nếu người hướng dẫn đã đọc, hiểu ý nghĩa, đúc rút được những bài học trong cuốn sách mà mình giới thiệu cho con em thì thật tuyệt vời. Với những khởi đầu như thế, tôi nghĩ, thầy cô, ba mẹ, người thân sẽ thành công trong việc khơi gợi trí tò mò, sự hứng khởi, dẫn lối học sinh đến với thế giới của những trang sách. Về sau, họ cũng sẽ là người truyền lửa đam mê cho các em. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng mỗi học sinh là một người đọc độc lập, sáng tạo. Mỗi gợi ý của chúng ta chỉ là một đề xuất mang tính tham khảo. Chúng ta không nên áp đặt thái quá về việc đọc sách của con em mình.
Để “dẫn lối” học sinh đến với sách, chúng ta cũng cần tạo ra một môi trường không gian đọc sách thân thiện với những đầu sách hay, phong phú; tăng cường cơ sở vật chất hiện đại ở các thư viện, nhà sách; xây dựng các câu lạc bộ, đội, nhóm yêu đọc sách… Và cuối cùng, tôi nghĩ chúng ta đừng quên việc khích lệ, động viên học sinh bằng những lời khen, phần thưởng khi các em hình thành thói quen, đam mê đọc sách.
-Xin cảm ơn cô! Chúc cô sức khỏe, hạnh phúc và thành công hơn nữa trên con đường mà mình đã chọn!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)