Những năm trở lại đây, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng cộng đồng học tập ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã được các cấp, ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng quan tâm, từng bước mang lại hiệu quả và tạo được sức lan tỏa ngày càng sâu rộng.
Cộng đồng chung tay
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục- Đào tạo, Hội Khuyến học các cấp nên công tác khuyến học, khuyến tài đã có sức lan tỏa, phát huy hiệu quả ở huyện Hướng Hóa. Bắt đầu từ năm 2016, thôn Cồn, xã Tân Lập là cộng đồng đầu tiên của huyện Hướng Hóa phát động “Cộng đồng học tập”, có 100% gia đình tham gia, đến nay toàn huyện có 11.546 gia đình đăng kí “Gia đình học tập”, trong đó 9.096 gia đình được công nhận gia đình học tập; 115 cộng đồng đăng kí “Cộng đồng học tập”, trong đó 93 cộng đồng được công nhận cộng đồng học tập; 35 dòng họ được công nhận “Dòng họ khuyến học”; 79 đơn vị được công nhận “Đơn vị học tập”.
Với sự chung tay của toàn xã hội, đến nay toàn huyện Hướng Hóa đã có hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên được nhận học bổng, tiếp sức đến trường. Trong đó chỉ riêng năm 2019, huyện có 685 học sinh, sinh viên nghèo được nhận học bổng qua các kênh của Hội Khuyến học tỉnh, huyện với tổng số tiền hơn 677 triệu đồng. Những con số nói trên là sự phản ánh thực tế quá trình nỗ lực xây dựng cộng đồng học tập và sự chung tay của toàn xã hội đến sự học trên địa bàn huyện Hướng Hóa trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Đình Hiếu, Bí thư Chi bộ thôn Cồn, xã Tân Lập cho biết, hiệu quả phong trào “Cộng đồng học tập” của địa phương đã được duy trì và phát triển từ ngày phát động đến nay. Kết quả đáng mừng ấy không chỉ nhờ nhận thức của người dân được nâng lên mà chi bộ thôn cũng đóng vai trò quan trọng. “Hằng năm chi bộ ban hành nghị quyết và phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên, các tổ chức đoàn thể nhiệm vụ cụ thể, như: Chi hội phụ nữ tiếp tục duy trì và nhân rộng quỹ “Ống tre khuyến học”, Chi hội nông dân phát động quỹ “Gốc chuối khuyến học”. Đồng thời chỉ đạo chi hội khuyến học hằng năm tổ chức sơ kết đánh giá. Từ những mô hình trên đã góp phần huy động hàng trăm suất học bổng, xe đạp, áo quần, sách vở, xây dựng nhà tình thương… để tiếp sức cho con em đến trường học tập”, ông Hiếu cho hay.Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Lộc nhận định, qua 4 năm thực hiện cộng đồng học tập ở thôn, bản, khối, khu phố trên địa bàn huyện đã thể hiện “3 cái được”: Được người, được việc, được tổ chức. Được người, là thông qua phát động “Cộng đồng học tập” đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng cao, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, người đồng bằng hay miền núi, người giàu hay người nghèo đã đăng kí gia đình học tập tại cộng đồng với tỉ lệ cao; chất lượng học tập của học sinh được nâng lên, số học sinh đạt các giải học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh tăng, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cũng như số lượng học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng cao. Được việc, đó là việc thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ thị của Đảng về xây dựng xã hội học tập được triển khai về tận cộng đồng, thôn bản, vào mỗi nếp nhà. Được tổ chức, là các chi hội đoàn thể ở thôn, bản, khối, khu phố đã đổi mới phương thức hoạt động thiết thực, phù hợp, ngày càng có chất lượng và hiệu quả; có nhiều giải pháp tích cực vận động con em đến trường... “Xây dựng cộng đồng học tập trên địa bàn huyện đã tạo nền tảng tốt cho việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Từ đây thúc đẩy mục tiêu phát triển phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ngày càng lan tỏa sâu rộng trong mỗi cộng đồng dân cư, mỗi gia đình để nâng cao chất lượng học tập của học sinh cũng như trình độ, tri thức của người dân…”, bà Lộc cho biết.
Người lớn học tập để “tăng tri thức, giảm nghèo”
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh thì công tác xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh khuyến học những năm qua chủ yếu hướng đến độ tuổi các em học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, song song với nhiệm vụ xuyên suốt đó, hiện nay Hội Khuyến học tỉnh và Hội Khuyến học các huyện, thị xã, thành phố sẽ hướng đến chú trọng thực hiện phát triển việc học tập cho người lớn. Và thực tế, thời gian qua việc học tập của các gia đình trong cộng đồng trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã mang lại hiệu quả, có tác động tích cực trong việc nâng cao tri thức, nhận thức cho người dân. Thông qua học tập kiến thức, kinh nghiệm tại các trung tâm học tập cộng đồng, nhiều gia đình ở xã A Dơi, A Xing đã tập trung trồng, chăm sóc cây xóa đói giảm nghèo như: Cao su, sắn; các cộng đồng ở xã Hướng Tân thì phát triển cây gừng, nghệ, dong riềng… Cũng qua hoạt động tại các trung tâm học tập cộng đồng, Hội Khuyến học tỉnh đã kêu gọi, tài trợ xây dựng 5 nhà “Mái ấm khuyến học” cho 5 hộ “gia đình học tập” nghèo với tổng số tiền 250 triệu đồng, đồng thời huyện đối ứng xây dựng thêm 1 nhà cho “gia đình học tập” nghèo ở Khối 6, thị trấn Khe Sanh. Với những hoạt động thiết thực đó đã góp phần xóa đói giảm nghèo chung trong toàn huyện nên từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2019 đã giảm được 644 hộ nghèo.
Ông Nguyễn Đình Hiếu, Bí thư Chi bộ thôn Cồn, xã Tân Lập cho biết thêm, việc học tập của người lớn trong gia đình ở thôn thời gian qua có nhiều tín hiệu tích cực, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Trong năm 2019 đã có 67 người tham gia tập huấn kĩ thuật chăm sóc cây hồ tiêu và trồng lúa. Ngoài ra còn có một số người học trên truyền hình và báo chí về kĩ thuật nuôi bò bán thâm canh nhằm giảm thiểu tình hình chăn nuôi gia súc thả rông phá hoại hoa màu và gây ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đã thay đổi kĩ thuật thâm canh cây sắn từ làm thủ công chuyển sang làm đất bằng máy cày và bón phân cho cây sắn ở những thửa đất bạc màu, mang lại năng suất cao. Tổng diện tích sắn của thôn năm 2019 là 32 ha, sản lượng đạt 750 tấn, tổng thu nhập 1,5 tỉ đồng; trong đó có nhiều hộ thu nhập từ sắn đạt hơn 60 triệu đồng/năm như các hộ: Hồ Văn Khun, Hồ Văn Cun, Hồ Văn Tuấn, Hồ Xim Mi, Hồ Pả Thiên. “Từ kiến thức học được, nhiều hộ dân đã biết áp dụng vào thực tế làm ăn và thoát nghèo, từng bước vươn lên khấm khá. Cũng nhờ vậy mà tỉ lệ hộ nghèo của thôn sau 4 năm từ 22 hộ hiện đã giảm còn 11 hộ/49 hộ dân toàn thôn. Con em được đầu tư cho ăn học ngày càng đầy đủ”, ông Hiếu cho hay.
Hay như Chi hội Khuyến học thôn Tân Thuận, xã Tân Lập, bên cạnh chăm lo việc học cho trẻ em cũng đã nỗ lực thực hiện các tiêu chí học tập cho người lớn. 4 năm qua toàn thôn đã có 270 lượt người tham gia tập huấn kĩ thuật chăm sóc cây hồ tiêu, chuối, thâm canh lúa nước, nuôi lợn và trồng rừng. Nhờ tiếp thu khoa học kĩ thuật tốt nên một số hộ dân thực hiện có hiệu quả mô hình. Như gia đình ông Nguyễn Hữu Đông thực hiện mô hình chăn nuôi lợn, trồng rừng, trồng nấm linh chi, nấm tai mèo; gia đình anh Lê Tiến Đại, gia đình chị Đoàn Thị Thơm đã thực hiện mô hình kết hợp nuôi lợn và trồng rừng, trồng chuối với quy mô lên đến hàng chục héc ta, mang lại nguồn thu khá hằng năm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh chia sẻ thêm: “Cùng với thúc đẩy khuyến học, khuyến tài đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì công tác giáo dục, khuyến khích người lớn học tập là hướng đi phù hợp, mang lại nhiều lợi ích. Khi người lớn ý thức được học tập mang lại tri thức để làm ăn, làm giàu thì họ sẽ tự thân nỗ lực cố gắng, sau đó quay lại chăm lo việc học cho con em tốt hơn. Không chỉ vậy, người lớn học tập sẽ tạo động lực thúc đẩy nâng cao dân trí, làm gương cho con em noi theo quyết tâm học tập để có tương lai tươi tốt đẹp hơn”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)