Thời gian qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng về thư viện, đầu sách, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm khơi dậy lòng yêu đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách trong cộng đồng. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển bền vững nguồn nhân lực, tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập ở địa phương.
Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang (Đakrông) là một trong những đơn vị đi đầu phong trào đọc sách ở huyện Đakrông. Trường có 3 điểm trường, 24 lớp với 644 học sinh và 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Những năm học qua, trường đã đầu tư xây dựng thư viện thân thiện với 8.407 đầu sách, báo, tạp chí các loại. Thường xuyên tuyên truyền, hưởng ứng ngày hội đọc sách nhằm tôn vinh giá trị của sách và “Văn hóa đọc”. Hằng năm, nhà trường xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong toàn trường với nhiều giải pháp cụ thể. Nhờ vậy, phong trào đọc sách đã trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong thầy và trò. Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang Hoàng Tuấn Kiệt cho biết: “Đơn vị đã quan tâm tạo môi trường thân thiện, lành mạnh, không gian trí tuệ và bổ ích để học sinh có điều kiện giao lưu đọc sách cũng như trong học tập và rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Nhờ vậy, đến nay phong trào thi đua đọc sách lan tỏa mạnh mẽ. Năm học 2019 - 2020 vừa qua, có 1 học sinh lớp 2 của trường đã đạt giải khuyến khích “Đại sứ văn hóa đọc” cấp tỉnh…
Có được kết quả này, huyện Đakrông đã triển khai nhiều giải pháp, nhất là trong triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được ban hành theo Kế hoạch số 5097/KH-UBND ngày 12/10/2017 của UBND tỉnh. Trong đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai hoạt động của đề án tại thư viện huyện, thư viện các trường học, tủ sách các xã, nhà văn hóa cộng đồng một cách kịp thời. Xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của huyện. Chú trọng phát triển văn hóa đọc trong định hướng phát triển văn hóa - giáo dục chung của huyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi về nội dung đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện (cài đặt phần mềm VEMIS vào quá trình xử lý kỹ thuật vốn tài liệu theo chuẩn nghiệp vụ tại thư viện huyện). Xây dựng và nhân rộng mạng lưới tủ sách cơ sở. Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, luân chuyển sách, báo để giúp các tủ sách đặt tại nhà văn hóa của UBND các xã, thị trấn có vốn tài liệu phong phú hơn, làm cơ sở tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày sách.
Đến nay các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa đọc được thực hiện nghiêm túc. Huy động tối đa nguồn lực và phát huy hiệu quả văn hóa đọc, tạo sự lan tỏa đến với các địa phương vùng sâu, vùng xa, các đơn vị trường học trên địa bàn. Được sự quan tâm của Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam”, toàn huyện được trang bị 20 máy vi tính để truy cập và sử dụng internet miễn phí. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án của nhà nước và tổ chức nước ngoài quan tâm hỗ trợ nguồn sách nên số lượng và chất lượng các đầu sách ở Đakrông ngày càng phong phú, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc của người dân. Hiện nay, toàn huyện có 63 điểm đọc sách, báo miễn phí, trong đó có 1 thư viện cấp huyện với 6.759 đầu sách; 2 thư viện cấp xã, 12 tủ sách cơ sở tại UBND các xã, 10 điểm bưu điện văn hóa xã và 1 bưu cục cấp 3; 36 thư viện/36 trường học với 161.121 tài liệu, đầu sách, trong đó có 21 thư viện thuộc 21 trường đạt chuẩn; 1 điểm cà phê sách học đường. Hệ thống thư viện và tủ sách cơ bản được bố trí hợp lý, giúp các đối tượng được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức thuận lợi. Bình quân mỗi năm thư viện huyện cấp 110 thẻ bạn đọc phục vụ 4.600 lượt bạn đọc với 5.000 lượt sách đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. 13/13 xã, thị trấn có internet, sóng điện thoại di động và truyền dẫn cáp quang; 90% thôn, bản có mạng internet, sóng 3G đến tận thôn… Đây là điều kiện thuận lợi để cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tiếp cận thông tin đại chúng, phát triển văn hóa đọc mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho biết: “Việc thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” ở huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc. Tiếp tục tăng cường phát triển vốn tài liệu, luân chuyển sách báo xuống cơ sở, tổ chức tốt phong trào thi đua đọc sách báo, củng cố và đẩy mạnh hoạt động thư viện cơ sở; nâng cao hiệu quả các hoạt động tủ sách lưu động, tặng sách cho các điểm vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng phần lớn nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của cán bộ và Nhân dân”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)