Như có duyên với nhau, tôi và PGS.TS Đức Vượng (Đàm Đức Vượng) luôn song hành trong nhiều công việc, với mong muốn được góp phần vun đắp cho quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Năm 1993 tôi là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Viêng Chăn, có nhiều dịp gặp đồng chí Xixanạ Xixan, Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, kiêm Giám đốc Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản để tìm hiểu việc chuẩn bị xây dựng Bảo tàng lớn, hiện đại, bày tỏ sự thành kính và tri ân công lao to lớn của Cố Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, đáp ứng nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.
PGS.TS Đức Vượng từng là chuyên viên nghiên cứu cấp cao Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương; Trưởng Ban Nghiên cứu Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, trực thuộc Viện Mác – Lênin – Hồ Chí Minh; Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Ngoài sách in chung, ông có hơn 30 đầu sách in riêng:“Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh”; “Hồ Chí Minh với vấn đề đào tạo cán bộ”; “Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài”; “Những dấu ấn lịch sử về Đảng và Hồ Chí Minh do Người sáng lập”; “Nguyễn Đức Cảnh người con của giai cấp công nhân Việt Nam”; “Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng”; “Hà Huy Tập Tổng Bí thư của Đảng”; “Tổng Bí thư Trường Chinh”… Ông có phông kiến thức rộng, sức viết khỏe, nhất là viết sách về các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Nhà nước Việt Nam được giới khoa học xã hội và đông đảo bạn đọc tin yêu, kính nể.
Trò chuyện thân tình với tôi, PGS.TS Đức Vượng kể lại một cuộc điện thoại bất ngờ mà ông chưa một lần nghĩ tới. Bộ trưởng Xixanạ Xixản mời ông sang Viêng Chăn giúp tư vấn giúp một công việc quan trọng. Sau cuộc họp mặt tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, ông nhận được thông báo về việc Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử ông và Trung tướng Nguyễn Hòa cùng ông Nguyễn Vĩnh Thiêm sang làm chuyên gia tại Lào, giúp tư vấn xây dựng Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản và viết tiểu sử Tổng Bí thư Đảng đầu tiên của Lào. Trong số ba thành viên, Đức Vượng là người trẻ nhất, lại chưa một lần công tác ở Lào, phải chăng Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng tin tưởng ông là Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, có đủ các tố chất chính trị và nghiệp vụ bảo đảm trọng trách này.
Đến Viêng Chăn ngày 8-10-1993, Đức Vượng được các đồng chí lãnh đạo Lào bố chí nơi ăn, ở và làm việc tại Văn phòng Trung ương Đảng ở km số 6 đường Phôn Khêng. Công việc đầu tiên ông dành thời gian học tiếng Lào qua cuốn Từ điển Việt-Lào. Có năng khiếu về ngoại ngữ, biết tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Séc nên ông học tiếng Lào nhanh, chỉ trong thời gian ngắn đọc và hiểu được chữ Lào, giúp ông sưu tầm được nhiều tài liệu quý. Ông thường xuyên làm việc với Bộ trưởng Xixanạ Xixan, người có nhiều năm cùng sống và làm việc với đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Chủ tịch Xuphanuvông, giỏi tiếng Việt và tiếng Pháp, rất thông hiểu về từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Lào. Ông thân quen với đồng chí Thoongsavăt Khảykhămphithun, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Chiều thứ 7 hằng tuần, ông được mời về thăm nhà đồng chí, vừa câu cá, vừa trò chuyện về gia đình, quê hương và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Lào. Ông còn được bà Bun Ma ( tên Việt là Nguyễn Thị Lan), phu nhân của Chủ tịch nước Nuhăc Phumxavẳn mời đến thăm gia đình, ăn bún sườn Hà Nội do bà nấu.
Ngày 29-6-2013, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, đồng chí Xuvănđi Xixavạt, Phó Chánh Văn phòng trung ương Đảng, Giám đốc Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản, thừa Lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho PGS.TS Đàm Đức Vượng, về thành tích hoàn thành xuất sắc công trình nghiên cứu về đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Nhọtkẹomani Xuphanuvông, chuyên viên cấp cao của Văn phòng Trung ương Đảng, luôn giúp ông sưu tầm, đọc và chuyển ngữ tài liệu. Đồng chí Xuvănđi Xixavạt, Phó Giám đốc Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản (sau này làm Giám đốc) đưa ông đi thăm quê hương cách mạng của cố Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, tại bản Naxeng, huyện Khănthabuli, tỉnh Xavẳnnakhệt, gặp gỡ thân tình những người trong gia đình Chủ tịch, nghe kể chuyện về cậu thiếu niên Kẹo Cayxỏn Đoọcmay ( tên của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản thủa nhỏ) học giỏi, thông minh, lanh lợi và có chí lớn. Thăm quê hương của Chủ tịch Khăm Tày Xiphănđon có thác Khôn hùng vĩ trên sông Mê Công, với hàng nghìn hòn đảo kỳ thú, một kỳ quan thiên nhiên hiếm nơi nào có. Thăm Văt Phu, Di sản văn hóa thế giới với nhiều đền đài kiến trúc cổ nổi tiếng. Ông còn có dịp đi thăm những di tích lịch sử, văn hóa, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp tại các tỉnh, khi thì đi ca nô trên sông Mê Công, khi thì đi ô tô dọc đường lớn 13 suốt chiều dài từ Bắc xuống Nam Lào…
Những năm tháng công tác ở Lào, được sống trong bầu không khí ấm áp của tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào, thêm am hiểu về đất nước, lịch sử và văn hóa Lào, ghi chép được nhiều tài liệu quý về cách mạng Lào, vai trò và những đóng góp to lớn của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, cùng các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng và Nhà nước Lào, PGS.TS Đức Vượng đã hoàn thành hai tập bản thảo vể tiểu sử Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản bằng tiếng Việt, trao cho Ban Giám đốc Bảo tàng làm tài liệu tham khảo để biên soạn sách“ Tiểu sử Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản”, xuất bản và tái bản tại Viêng Chăn.
Hết nhiệm kỳ, PGS.TS Đức Vượng ôm tập tài liệu dày cộm quý hơn vàng về nước, tiếp tục sưu tầm, khảo cứu. Ông đến kho tư liệu cuả Văn phòng Trung ương Đảng, của Ban Công tác Miền tây Trung ương (CP38), sưu tầm thêm tư liệu về hoạt động của Ban xung phong Lào Bắc năm 1948, tại Lào Khô, xã Phiêng Khoải, huyên Yên Châu, tỉnh Sơn La do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Chỉ huy trưởng; việc thành lập Quân đội Lào Itxalạ ngày 20-1-1949 tại đơn vị Latxavông do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Tổng Chỉ huy. Đại hội quốc dân Lào họp tại Đá Bàn, Làng Ngòi (Tuyên Quang) năm 1950, bầu ra Chính phủ kháng chiến Lào, cử đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Bộ trưởng Quốc phòng. Những tài liệu nói về Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Trưởng đoàn đại biểu Đảng bộ Lào dự Đại hội, đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. Trong dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp đồng chí Cayxỏn Phômvihản và tặng đồng chí sách Sửa đổi lối làm việc của X.Y.Z ( bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) viết năm 1947. Tại Đại hội II, đồng chí Cayxỏn Phômvihản được Đảng Cộng sản Đông Dương giao nhiệm vụ, cùng các đồng chí lãnh đạo Lào, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để sớm thành lập Đảng Nhân dân Lào ( 22-3-1955). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II ( 3-2-1972), Đảng Nhân dân Lào đổi tên thành Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày nay…
PGS.TS Đức Vượng hoàn thành tác phẩm “Cayxỏn Phômvihản-Tiểu sử và sự nghiệp”, gồm 5 chương, 334 trang , do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, xuất bản tháng 10 năm 2008 ( ảnh 1). Đây là công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc, cung cấp nhiều tư liệu quý về đất nước Lào và những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đối với đất nước Lào và nhân dân các dân tộc Lào.
Đồng chí Xamản Vinhakệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo công tác tư tưởng, lý luận, văn hóa của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, sau khi đọc tác phẩm này, ông nói: PGS.TS Đức Vượng là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người nước ngoài đầu tiên viết sách về Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Tác phẩm này đã phản ảnh trung thực cuộc đời hoạt động cách mạng, những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cayxỏn Phômvihản đối với cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giành độc lập tự do cho Tổ quốc và trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Lào phồn vinh.
(Nguồn: Tạp chí Việt Lào)