Theo một số giáo viên môn Lịch sử vào môn tự chọn là không phù hợp và không khác nào “khai tử” môn Lịch sử.
Trong Chương trình GDPT 2018, từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ học một số môn bắt buộc như Văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và an ninh. Các môn học còn lại được đưa vào danh sách môn tự chọn. Đặc biệt, vấn đề được nhiều người quan tâm trong thời gian vừa qua đó là việc môn Lịch sử cũng được xếp và nhóm tự chọn, không bắt buộc.
Nhiều chuyên gia, giáo viên lo ngại về việc môn Lịch sử vốn đã không hấp dẫn với học sinh nay lại trở thành môn tự chọn thì sẽ càng khiến học sinh lười học môn này hơn.
Trao đổi với VOV, thầy Hồ Như Hiển, giáo viên môn Lịch sử trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) nói: "Một đất nước luôn tự hào mấy ngàn năm văn hiến, một dân tộc luôn tự hào với truyền thống hào hùng trong lịch sử, một nền giáo dục vốn dựa trên nền tảng lịch sử, văn hóa, dân tộc với đạo lý truyền thống tốt đẹp thì phải tôn trọng Lịch sử. Dù dưới bất kỳ hình thức gì đi nữa thì bỏ đi môn Lịch sử sẽ là một sai lầm to lớn bởi chúng ta sẽ đào tạo ra một thế hệ công dân không nhớ tới quá khứ và cội nguồn của mình”.
Thầy Hiển cho rằng, việc đưa môn Lịch sử vào môn tự chọn là không phù hợp và không khác nào “khai tử” môn Lịch sử, tạo ra “điều kiện” và “tư tưởng” để học sinh và phụ huynh loại môn học này ra khỏi chương trình của bản thân.
Thầy Đỗ Văn Chiến- giáo viên môn Lịch sử tại Thái Nguyên cho biết, lâu nay môn Lịch sử luôn là môn khó với các em do có nhiều dữ liệu, chỉ vì bắt buộc để thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên các em miễn cưỡng phải học. Theo thầy Chiến, nếu đưa môn học này trở thành môn lựa chọn thì Lịch sử sẽ bị yếu thế nhất so với tất cả các môn lựa chọn. Những em chọn môn Lịch sử đòi hỏi học sinh phải thực sự đam mê yêu thích, tuy nhiên số lượng đó rất ít.
“Xét về cơ chế thị trường học môn Lịch sử sẽ phục vụ cho những công việc như văn hóa xã hội, nghiên cứu, du lịch,… nhưng chỉ tiêu tuyển dụng cho những việc này rất thấp trong khi các ngành kinh tế rất đa dạng. Do đó học sinh có tâm lý dành ít thời gian cho Lịch sử mà chỉ tập trung các môn phục vụ xét tuyển đại học”, thầy Chiến cho hay.
Cô T.N - giáo viên Lịch sử tại Vĩnh Phúc cho biết: “Mục tiêu của chương trình mới cho phép các em chọn môn học theo năng lực và sở thích, nghĩa là chọn các môn theo định hướng nghề nghiệp, như vậy rõ ràng là số lượng giáo viên sẽ không được sử dụng hết dẫn tới bất lợi cho nhiều thầy cô.
Với vai trò là một giáo viên tôi cũng muốn được dạy học phân môn đã được đào tạo theo chuyên ngành đại học, có rất nhiều giáo viên đã học lên trình độ Thạc sĩ và mong muốn được cống hiến cho nghề, nếu không có môi trường để cống hiến cho ngành nữa thì thực sự sẽ rất nản”.
Thầy Nguyễn Đức - giáo viên Lịch sử tại Thái Nguyên cho biết, số đông các thầy cô lo lắng là có cơ sở bởi lâu nay môn Lịch sử vẫn bị coi là môn phụ, chưa kể là môn học không được đánh giá đúng vị trí và vai trò của nó.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển - nguyên giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng xuất phát từ Nghị quyết 29-NQ/TW. Theo tôi, không có chương trình hay kế hoạch nào hoàn hảo 100%, khi triển khai sẽ bộc lộ những ưu điểm, hạn chế. Đối với ưu điểm, chúng ta tiếp tục phát huy còn hạn chế thì khắc phục, điều chỉnh sao cho phù hợp".
Theo ông HIến, hiện chương trình chưa triển khai với lớp 10 nên chưa có số liệu để kết luận việc môn Lịch sử có bị "khai tử" hay không. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu tình trạng học sinh ít lựa chọn môn Lịch sử xảy ra thì các trường có thể tham khảo giải pháp mở lớp học kiến tạo.
"Lớp học kiến tạo không yêu cầu số lượng người học quá lớn, nhà trường sẽ điều tiết học sinh và cân đối sĩ số sao cho phù hợp. Mô hình này cũng giúp các trường giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên, ngày trước 100% học sinh học Lịch sử, nếu giờ chỉ còn 40%, trường vẫn có thể mở 2 lớp", nguyên giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm.
Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới nói gì?
Trước nhưng băn khoăn của các thầy cô, trao đổi với Dân Việt, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 khẳng định việc thiết kế Chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, yêu cầu của thực tế và tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết: "Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục Lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trên cơ sở đó khơi dậy sự say mê, hứng thú học tập và bước đầu phát triển những năng lực cơ bản của học sinh.
Ở cấp THCS, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong môn Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 6 đến lớp 9, giúp hoc sinh có được nền tảng kiến thức thông sử của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, từ khởi nguyên cho tới ngày nay. Đồng thời, nội dung giáo dục lịch sử cũng được thực hiện ở các môn học khác như Đạo đức, Giáo dục công dân, Tiếng Việt, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương,…
Ở cấp THPT, Chương trình môn Lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai, bao gồm các chủ đề và chuyên đề.
Theo yêu cầu chọn 5 môn học từ ba nhóm môn học lựa chọn (nhóm môn khoa học xã hội, nhóm môn khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật), trong đó mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học bên cạnh 7 môn học bắt buộc, những học sinh có định hướng nghề nghiệp khác vẫn có thể chọn học môn Lịch sử với các chủ đề học tập như đã quy định trong Chương trình GDPT.
Như vậy, có thể khẳng định là Chương trình GDPT mới đã thực hiện nội dung giáo dục lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân một cách đầy đủ, toàn diện theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 29 và các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Giải pháp dạy học phân hóa cũng đáp ứng yêu cầu giảm tải, giảm số môn học so với chương trình cũ (12 môn so với 17 môn), tuy vẫn còn cao so với chương trình các nước (chương trình tú tài quốc tế IB: 6 môn; chương trình của Anh: 6 môn; chương trình của Trung Quốc: 12 môn,…). Tôi tin chắc rằng đa số học sinh và phụ huynh học sinh sẽ thấu hiểu, đồng tình với giải pháp phân hóa mềm và giảm tải của Chương trình GDPT mới".
(Nguồn: Phụ nữ mới)