“Lũ tháng 3, cháy nhà tháng 7”, câu dân gian thường truyền miệng để nói về thiệt hại khôn lường, khó cứu vãn nếu có lũ lụt vào thời điểm tháng 3 âm lịch, khi cây lúa đang giai đoạn làm đòng giờ lại bất ngờ xảy ra trên địa bàn Quảng Trị.
Ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với hoàn lưu vùng áp thấp gây mưa lớn liên tục trong hai ngày 1 và 2/4 khiến gần 10.500 ha lúa, hơn 3.000 ha cây hoa màu các loại bị ngập úng, đổ ngã, trong đó Hải Lăng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Dự báo một vụ mùa nguy cơ mất trắng đang hiện hữu trong nỗi âu lo của người dân.
Sang ngày thứ 3, hầu hết những cánh đồng trên địa bàn huyện Hải Lăng vẫn mênh mông nước bạc. Không cam lòng nhìn cảnh lúa, hoa màu, công sức của một vụ mùa trôi theo nước lũ, người dân nỗ lực dùng sức người, phương tiện những mong “còn nước, còn tát” cứu lúa. Từ hai hôm trước, việc be bờ, hộ đê đã được các xã vùng trũng Hải Lăng khẩn trương triển khai và hoàn thành cơ bản. Hải Quế là một trong số địa phương bị thiệt hại ít nhất đến thời điểm này, khi còn hơn 300 ha lúa chưa bị ngập trên tổng số hơn 400 ha gieo cấy vụ đông xuân 2021 - 2022. Ngay chiều ngày 1/4, xã đã huy động 800 người dân của 3 thôn Kim Long, Đơn Quế và Hội Yên cùng nhiều máy móc tiến hành gia cố các tuyến đê, kè cũng như đắp bờ bao.
Mặc cho mưa gió xối từng cơn vào mặt, đã vào tuổi 73, ông Nguyễn Trần Quả, ở thôn Kim Long vẫn hăng hái tham gia xúc cát đổ vào bao để đắp be bờ, giữ nước không tràn vào mặt ruộng. Ông Quả nói, gần một đời lăn lộn trên đồng ruộng nhưng ít thấy năm nào, mới tháng 3 âm lịch đã có lũ. “Người xưa nói, lũ dị thường vào tháng 3 khi cây lúa đang làm đòng hay nhà bị cháy vào tháng 7 gặp gió Lào quê mình thì khó cứu vãn lắm. Nhà tôi làm 4 sào ruộng nhưng có đến 2 sào đã bị ngập nặng, coi như bỏ đi rồi. Ngồi ở nhà cũng sốt ruột không yên nên tôi ra đây phụ giúp bà con một tay”.
Ngoài diện tích lúa bị ngập, xã Hải Quế có 65 ha các loại cây trồng khác bị hư hại. Trong đó, một phần lớn diện tích trồng dưa leo chỉ còn khoảng hơn tuần nữa cho thu hoạch nhưng bị ngâm nước nên khả năng mất trắng. Phó Chủ tịch UBND xã Hải Quế Hoàng Ngọc Thập cho biết: “Hai ngày qua, cùng với các lực lượng của xã, nhiều người dân thức trắng đêm để vận hành máy bơm, theo dõi đê bao, nếu có đoạn nào tràn nước thì huy động người đắp. May mắn là còn phần lớn diện tích lúa chưa bị ngập nên xã đã đồng loạt triển khai các phương án cứu lúa, vừa be bờ hộ đê, vừa huy động 13 trạm bơm, 11 máy bơm nhỏ lẻ chống úng. Tuy vậy, nếu trong vài ngày tới vẫn còn mưa to thì khả năng khó giữ được lúa”.
Tại xã Hải Định, chúng tôi gặp Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thiện Tây Nguyễn Khuyến đội mưa cùng các thành viên HTX đi gia cố lại hệ thống trạm bơm. Ông Khuyến ngậm ngùi nói: “Tình hình ngập nước sâu như thế này, nếu thuận lợi cũng phải gần một tuần nữa nước mới rút cơ bản để phụ thêm máy bơm tiêu úng. Chứ bây giờ đồng mênh mông nước thế này, sức người, sức máy cũng bất lực. Bao nhiêu công sức, giống má, phân bón của người dân đầu tư cho hơn 200 ha vụ này coi như đổ sông, đổ biển”.
Nguy cơ mất mùa cũng đồng nghĩa với nợ nần chồng chất. Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỵ Trường, xã Hải Trường Lê Văn Dạn cho biết, hầu hết thành viên HTX đều đang nợ vật tư nông nghiệp, dự kiến sau thu hoạch vụ mùa sẽ thanh toán, nhưng vụ này mất mùa thì khó chồng thêm khó.
Với những hộ dân làm mô hình trồng sen trên địa bàn xã Hải Lâm, trận lũ này đã làm toàn bộ diện tích 40 ha mất trắng. Anh Nguyễn Minh Quảng, hộ có diện tích trồng sen lớn với 1,5 ha ở thôn Xuân Lâm nói: “Thêm một tháng nữa là người trồng sen đến kỳ thu hoạch. Đây là lứa sen thứ 4 tôi trồng, những lứa trước cho thu hoạch gần 300 triệu đồng/ lứa. Giờ nhìn mấy hồ sen bị cuốn đi theo nước lũ mà chỉ biết ngậm ngùi. Nhưng đáng lo hơn là vụ tới không có giống sen để trồng lại vì giống chủ yếu mua ở Huế, mà Huế cũng bị lụt như mình”.
Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Hải Lăng có hơn 6.369,7 ha lúa, hơn 1.541 ha hoa màu bị ngập nặng và hơn 115 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh cho biết: “Huyện tăng cường chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai kịp thời các giải pháp tiêu úng, rút nước, khôi phục diện tích sản xuất bị thiệt hại. Đồng thời, tiến hành thống kê các thiệt hại của người dân để có chủ trương hỗ trợ kịp thời”.
Đi qua địa bàn các xã của Hải Lăng, nhìn cảnh nước bạc mênh mông phủ đồng mới thấu hiểu nỗi âu lo nặng trĩu của người nông dân. Bên vệ đường, giữa ruộng ngô đang oằn mình ngâm nước bạc, một người đàn ông lội nước ngập ngang ngực, cố gắng nhổ những thân cây ngô vẫn còn non xanh, vớt vát mang về làm thức ăn cho lợn, gà. Một chị phụ nữ tiếc vạt sắn bỏ bao công chăm sóc, cứ nhìn trời mà than… Một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu luôn là ước mơ canh cánh của người nông dân trong bối cảnh khí hậu ngày càng diễn biến bất thường như hiện nay. Chị Trần Thị Hoa, ở xã Hải Dương nói: “Mất trắng hơn 3 sào ruộng và 2 sào dưa leo, gia đình tôi chỉ còn trữ được 40 kg thóc để ăn, sắp tới chưa biết xoay xở ra sao”.
Trước mắt, người dân cần được hỗ trợ lương thực cứu đói và hỗ trợ giống cây trồng để sản xuất vụ hè thu. Ngoài ra cần có chính sách hỗ trợ giảm, giãn, khoanh nợ đối với HTX, người dân những khoản vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Có cơ chế hỗ trợ các HTX nông nghiệp về nguồn vốn để mua vật tư giúp người dân có điều kiện tái sản xuất vụ hè thu 2022.
Về lâu dài, tỉnh cần quan tâm đầu tư nguồn lực để gia cố thêm hệ thống đê bao, nhất là những đoạn đê bao có cao trình thấp, nước đã tràn qua cục bộ tại các khu vực. Đồng thời nghiên cứu thiết kế đầu tư xây dựng hệ thống chắn nước ở tất cả các cống nước tiêu vào các đồng ruộng để khoanh chặn cục bộ, ngăn nước không tràn vào các cánh đồng để có thể bảo toàn một số khu vực như ở Kim Long, Đơn Quế. Đầu tư xây dựng, nâng cao công suất hệ thống các trạm bơm tiêu, tưới đảm bảo năng lực tiêu úng trong trường hợp mưa lớn, nhất là trong thời kỳ các vụ mùa đang sản xuất.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)