Với sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, phối hợp của chính quyền đã tạo thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) phát huy vai trò, chức năng của mình. Đặc biệt, là sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã phát huy hiệu quả sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát động có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần ổn định và tăng trưởng KT-XH, đảm bảo QP-AN, nhờ đó, vị trí, vai trò của MTTQ các cấp được nâng cao.
1.Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, gắn với việc thực hiện chuyển đổi số trong toàn hệ thống mặt trận từ tỉnh đến cơ sở. Phương thức tuyên truyền, vận động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới thích ứng với sự phát triển nhanh của công nghệ số, đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin kịp thời, cụ thể của xã hội; vận dụng tối đa các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội cho công tác truyền thông. Nội dung tuyên truyền tập trung theo hướng có chủ đề, gắn với các đợt sinh hoạt chính trị, diễn đàn Nhân dân, cụ thể hóa các trọng tâm vận động của trung ương và Tỉnh ủy.
2.Vận động Nhân dân thi đua lao động sáng tạo; tiếp tục bám sát địa bàn dân cư, huy động tốt các nguồn lực xã hội cho công tác cứu trợ, hỗ trợ an sinh, ổn định xã hội, giảm nghèo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và phục hồi nhanh nền kinh tế của tỉnh sau COVID-19.
3.Công tác đối ngoại nhân dân được mở rộng; nội dung, phương thức hoạt động ngày càng được đổi mới. MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan và các tổ chức chính trị-xã hội tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân với nhiều nội dung hoạt động phong phú, đa dạng. Tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Salavan, Savannakhet, Champasak (Lào).
4.Phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát và phản biện xã hội gắn với thực hiện 2 đề án “Tăng cường thực hành dân chủ ở khu dân cư” và đề án “Nâng cao chất lượng công tác nắm bắt thông tin, tình hình dư luận xã hội trong Nhân dân của Mặt trận cơ sở”. Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị -xã hội đã thể hiện rõ nét hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
5.Triển khai Đề án 197 về “Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022- 2026”. Từ khi phát động đến nay, đã vận động, phối hợp hỗ trợ, đối ứng xây dựng mới 1.398 nhà với tổng trị giá 82,70 tỉ đồng. Phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu xây mới 3.672 nhà ở cho hộ nghèo; đến cuối năm 2025 toàn tỉnh cơ bản không còn hộ gia đình nghèo ở nhà tạm bợ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)