Mẹ khuyết tật nuôi con liệt hai chân

Tây Long |

Ở tuổi 90, bà Trần Thị Man, trú tại thôn An Đồng, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh (Quảng Trị), luôn lo lắng mỗi lần nghĩ đến chuyện sống chết. Bà sợ, nếu mình rời cõi tạm này thì người con trai cả khuyết tật sẽ mất đi chỗ dựa, không biết sống ra sao.


Mỗi lần nhìn thấy con ngồi trên chiếc xe lăn, lòng bà quặt thắt. Con trai của bà Man tên là Lê Văn Hào, năm nay 65 tuổi. Gần 50 năm qua, chiếc xe lăn đã trở thành đôi chân của người đàn ông này. Nhớ lại những ngày buồn, bà Man cho kể: “Năm chuẩn bị bước vào tuổi 16, con trai tôi ốm nặng. Bấy giờ, gia đình quá khó khăn. Vợ chồng tôi không biết phải xoay xở thế nào để tìm thầy chữa trị, thuốc thang cho cháu. Sau trận ốm kéo dài, con trai tôi bị liệt cả hai chân”.

Bà Trần Thị Man bên người con trai bị liệt hai chân - Ảnh: T.L
Bà Trần Thị Man bên người con trai bị liệt hai chân - Ảnh: T.L

Sinh ra, lớn lên trong lam lũ, bà Man và chồng quen với nghèo khó. Khi về sống dưới một mái nhà, ngoài đôi bàn tay trắng, hai người gần như không có tài sản gì. Khó khăn nhân lên khi bom đạn chiến tranh khiến bà Man vĩnh viễn mất đi cánh tay phải. Có thời điểm, vợ chồng bà Man chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Ước mơ có một bữa cơm ngon, manh áo lành luôn hiện diện trong tâm trí vợ chồng bà và các con.

Trong gian khó, vợ chồng bà Man vẫn luôn nhắc nhở nhau vươn lên. Nhìn các con khỏe mạnh, lớn khôn từng ngày, ông bà như được tiếp thêm động lực. Thế nhưng, nguồn động lực ấy bất ngờ chuyển thành nỗi đau. “Khi con trai cả ngã bệnh, rồi bị liệt cả hai chân, vợ chồng tôi như bị xát muối trong lòng. Từng mất đi cánh tay phải nên tôi hiểu nỗi đau của người tàn tật. Tôi ước ao có một phép màu sẽ đến. Nếu có thể bị liệt hai chân thay con, tôi cũng cam lòng”, bà Man chia sẻ.

Thế nhưng, không có một phép màu nào đến với gia đình bà. Theo thời gian, con trai cả của ông bà lớn dần lên. Tuy nhiên, anh vẫn không thể rời chiếc xe lăn, tự đứng trên đôi chân của mình. Trong khi đó, vợ chồng bà ngày một già yếu. Năm 2013, chồng bà Man qua đời do bạo bệnh. Từ đây, cuộc sống gia đình càng túng quẫn. Thương mẹ, thương anh, những người con sau của bà Man luôn nỗ lực để phụ giúp mẹ bớt vất vả. Thế nhưng, hoàn cảnh của ai cũng khó khăn nên không thể gánh vác mãi được. Hai mẹ con bà Man sống dựa vào số tiền trợ cấp ít ỏi. Dù khuyết tật, bà vẫn gắng gượng kiếm thêm thu nhập từ nương vườn.

Đến nay, bà Man và con trai dựa vào nhau mà sống đã 11 năm. Chừng ấy thời gian, những nỗi lo chưa bao giờ để bà Man yên. Tuổi càng cao, sức khỏe của bà đi xuống. Mỗi lúc làm việc gì đó quá sức, trái tim bà như nghẹt thở. Biết mình không thể sống mãi bên con, bà Man chỉ mong sao cuộc đời u tối của mình và con sẽ có những ngày vui dù muộn màng.

*Mọi sự ủng hộ gia đình bà Trần Thị Man xin gửi đến Báo Quảng Trị, 311 Hùng Vương - thành phố Đông Hà (ĐT: 0919001317) hoặc chuyển vào tài khoản: Báo Quảng Trị, số TK: 0771000000456 tại NHTMCP Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Trị hoặc gửi trực tiếp về gia đình theo địa chỉ: Bà Trần Thị Man, thôn An Đồng, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hoàn cảnh khốn khó của nữ vận động viên khuyết tật

Thảo Trang |

Việc mất đi một chân sau tai nạn bom mìn khi mới 17 tuổi khiến cuộc đời vốn bình yên, tươi đẹp của chị Lê Thị Hoài Phương (sinh năm 1976), hiện đang sống tại thôn Liêm Công Tây, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), rơi vào nghịch cảnh. Nhiều năm qua, dù nỗ lực làm việc song những biến cố liên tiếp xảy ra khiến người phụ nữ ấy trở nên bất lực.

Mở lối cho người khuyết tật bằng nghề truyền thống

Tây Long |

Từ lúc còn được địu trên lưng, người Vân Kiều ở xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã thấy ông bà, ba mẹ miệt mài làm chổi đót. Trăn trở khi thấy nghề truyền thống dần bị quên lãng, một nhóm người khuyết tật ở địa phương đã cùng nhau tìm cách bảo tồn, gìn giữ. Không phụ lòng người, nghề làm chổi đót đã mở ra cho họ một hướng đi mới, nhiều niềm vui.

“Bình Minh” của phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật

Tây Long |

Không may trở thành nạn nhân của bạo lực giới, phần lớn phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật như bị đẩy tới bờ vực thẳm. Trong bóng đêm chứa đầy nỗi hoang mang, tuyệt vọng, sự ra đời của ngôi nhà tạm lánh mang tên “Bình Minh” được ví là một tia nắng ấm áp chiếu soi vào cuộc đời những người vốn đã chịu nhiều thiệt thòi.

Tặng quà Tết cho người khuyết tật, nạn nhân da cam

Đức Việt |

Ngày 15/1, Hội Người Khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (NKT, NNDC, BTNKT và BVQTE) tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình tặng quà Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 cho các đối tượng NKT, NNDC trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch Hội NNDC/Dioxin Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng tham dự.