Mở lối cho người khuyết tật bằng nghề truyền thống

Tây Long |

Từ lúc còn được địu trên lưng, người Vân Kiều ở xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã thấy ông bà, ba mẹ miệt mài làm chổi đót. Trăn trở khi thấy nghề truyền thống dần bị quên lãng, một nhóm người khuyết tật ở địa phương đã cùng nhau tìm cách bảo tồn, gìn giữ. Không phụ lòng người, nghề làm chổi đót đã mở ra cho họ một hướng đi mới, nhiều niềm vui.


Chọn nghề ông cha để lại

6 giờ sáng, khi đất trời còn chìm trong sương sớm, không khí ở nhà cộng đồng thôn Ka Lu đã nhộn nhịp. Từ khắp thôn, bản trên địa bàn xã Đakrông, những chiếc xe chở người khuyết tật đến làm việc mỗi lúc một đông. Hành trang mỗi người mang theo là dao, rựa, đót, mây... Phần lớn những người đến nhà cộng đồng làm việc đều bị khuyết tật vận động. Dẫu đi lại khó khăn, lại mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc nhưng ai cũng nở nụ cười. Đó là niềm vui của những người đã rất lâu mới tìm thấy một nghề phù hợp với mình.

Trưởng nhóm người khuyết tật sản xuất chổi đót Hồ Ê Nót thường là người đến muộn nhất. Tuy nhiên, không ai lấy điều đó làm khó chịu. Các thành viên trong nhóm đều biết, cứ đến ngày làm việc chung theo kế hoạch đề ra, anh Nót phải lái xe máy đến nhiều thôn, bản để chở những người khuyết tật không có ai đưa đón hoặc thiếu phương tiện đi lại.

Nhờ nghề làm chổi đót, anh Hồ Ê Nót (bên phải) cùng nhiều người khuyết tật khác ở xã Đakrông có thêm thu nhập và niềm vui trong lao động - Ảnh: T.L
Nhờ nghề làm chổi đót, anh Hồ Ê Nót (bên phải) cùng nhiều người khuyết tật khác ở xã Đakrông có thêm thu nhập và niềm vui trong lao động - Ảnh: T.L

Một số hôm, anh Nót phải đón 2, 3 người. Gãy cả 2 chân sau vụ tai nạn giao thông, việc đi lại của anh Hồ Ê Nót gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu vậy, so với thành viên trong nhóm, anh vẫn là một trong những người khỏe mạnh nhất. Vì thế, anh Nót luôn xem việc giúp đỡ các thành viên khác là nhiệm vụ, niềm vui của mình.

Chuyện trò với phóng viên, anh Hồ Ê Nót cho biết, nhóm người khuyết tật sản xuất chổi đót xã Đakrông được thành lập vào ngày 19/5/2023, đúng dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh nhật Bác. Trước đó, từ sự hỗ trợ của Dự án Plan, hàng chục người khuyết tật ở xã đã được tạo điều kiện học nghề làm chổi đót.

Để mở lớp học này, cán bộ xã, cán bộ dự án về từng thôn, bản khảo sát thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người khuyết tật. Khi được hỏi muốn học gì, anh Hồ Ê Nót và phần lớn người khuyết tật đều nhắc ngay đến nghề làm chổi đót. Từ lâu, họ luôn trăn trở khi nghề truyền thống của cha ông bị mai một.

Sau khi đào tạo nghề, phần lớn các học viên đã đồng lòng thành lập nhóm người khuyết tật sản xuất chổi đót xã Đakrông. Anh Hồ Ê Nót được mọi người tín nhiệm bầu làm trưởng nhóm. Theo anh Nót, mỗi thành viên trong nhóm đều có một hoàn cảnh, cá tính, nỗi khổ riêng. Họ gặp nhau ở điểm chung là không may mắn được khỏe mạnh, lành lặn. Vì thế, mọi người dễ đồng cảm, chia sẻ với nhau và luôn nêu cao tinh thần làm việc nhóm.

Sau khi thành lập, các thành viên trong nhóm sớm thống nhất xây dựng quy chế hoạt động; thời gian, địa điểm làm việc; xây dựng nguồn quỹ chung... “Nghề làm chổi đót khá phù hợp với những người khuyết tật. Mỗi tháng, chúng tôi làm việc tập trung 4 ngày, vào thứ 2 hằng tuần để mọi người có thể học tập, hỗ trợ lẫn nhau. Trong quá trình sản xuất, mỗi người đảm trách một công đoạn phù hợp”, anh Nót cho biết.

Nghề không phụ người

Trong nhóm người khuyết tật sản xuất chổi đót xã Đakrông, ông Hồ Văn Nươi là một trong những thành viên có hoàn cảnh khó khăn nhất. Ông Nươi bị khuyết tật chân phải đã lâu. Nhiều năm nay, có vợ san sẻ gánh nặng gia đình với ông. Thế nhưng, mới đây, vợ ông Nươi phát bệnh ung thư. Từ đó, những khó khăn trong cuộc sống gia đình ông nhân lên gấp đôi.

Trước tình cảnh ấy, ông Nươi muốn làm việc gì đó để phụ giúp gia đình nhưng tuổi tác, sức khỏe lại không cho phép. Trong lúc lòng rối như tơ vò, ông Nươi rất vui khi được hỗ trợ đào tạo nghề và trở thành thành viên nhóm người khuyết tật sản xuất chổi đót xã Đakrông. Từ đây, cuộc sống của ông có thêm niềm hy vọng mới.

Nhờ chăm chỉ làm chổi đót, ông Nươi có thu nhập ổn định để phần nào trang trải cho gia đình và chăm sóc người vợ đau ốm. Đặc biệt, từ ngày tham gia nhóm sản xuất, tinh thần ông như được vực dậy. Ông Nươi vui vì được quen biết, cùng làm việc với những người đồng cảnh và có cơ hội góp sức đưa sản phẩm truyền thống của người Vân Kiều đi xa.

Không chỉ ông Nươi, từ ngày gắn bó với nhóm và tham gia sản xuất chổi đót, những người khuyết tật ở xã Đakrông như đã tìm được hướng đi mới cho cuộc đời mình. Vì thế, ai cũng hăng say, chăm chỉ lao động, sản xuất. Không chỉ làm việc tập trung, họ còn đem dụng cụ, vật liệu về nhà làm để lấp đầy những khoảng thời gian rảnh rỗi.

Tuy nhiên, ai cũng thống nhất một quan điểm chung là phải làm cùng nhau ở những công đoạn quan trọng nhất. Lúc này, vai trò của những người có tay nghề cao sẽ được phát huy. Không chỉ để làm ra sản phẩm đẹp nhất, họ còn có thể hướng dẫn, chỉ việc cho những người khác để tay nghề mọi thành viên đều tiến bộ. Đó là lý do giúp những sản phẩm làm ra từ bàn tay các thành viên trong nhóm ngày càng bền đẹp, được nhiều khách hàng tin chọn.

Trò chuyện với phóng viên, chị Hoàng Vân Trinh, cán bộ văn hóa xã Đakrông, cũng là người phụ trách nhóm người khuyết tật sản xuất chổi đót vui mừng cho biết, hiện tại, sản phẩm do nhóm làm ra đã đến nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Ngày càng có nhiều khách hàng cũ quay trở lại chọn sản phẩm của nhóm và giới thiệu cho người thân, bạn bè. Một số đơn vị, trường học cũng đã đặt hàng với nhóm để cung cấp sản phẩm hằng năm.

“Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, nhóm người khuyết tật sản xuất chổi đót xã Đakrông và mỗi thành viên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong sẽ nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ các tổ chức, dự án, khách hàng gần xa và những tấm lòng nhân ái”, chị Trinh nói.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khó khăn trong thu hút, đào tạo nghề cho lao động miền núi

Hiếu Giang |

Mặc dù đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong lĩnh vực tuyển sinh các lớp dạy nghề, liên kết học nghề, có các chế độ hỗ trợ, tuy nhiên thời gian qua các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị) vẫn không tuyển đủ học viên theo kế hoạch được giao. Khi công tác này vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả thiết thực thì việc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao vẫn chưa thể bền vững.

“Trải nghiệm làng nghề làm nón Trà Lộc” đoạt giải A Cuộc thi video clip “Tôi yêu Quảng Trị” năm 2023

Minh Anh |

Ban tổ chức (BTC) cuộc thi video clip du lịch Tôi yêu Quảng Trị năm 2023 (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Quảng Trị phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan) vừa tổ chức lễ tổng kết, trao giải. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Mang cơ hội học nghề, việc làm đến với thanh niên dân tộc thiểu số

Mai Lâm |

Lần đầu tiên một diễn đàn hướng nghiệp và đào tạo nghề được tổ chức về tận bản làng, nhờ đó, gần 200 thanh niên người dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được tham gia nhiều hoạt động thiết thực như: tư vấn, định hướng nghề nghiệp, trải nghiệm công đoạn thực hiện một số nghề và có cơ hội học nghề miễn phí tại Trung tâm REACH Huế.

Nỗ lực đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa

Tú Linh |

Đào tạo nghề theo các chương trình mục tiêu quốc gia cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn và giải quyết việc làm góp phần cải thiện đời sống người dân. Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn có nhiều giải pháp phù hợp để tổ chức đào tạo nghề cho lao động người DTTS trên địa bàn.