Mệnh lệnh trái tim của những người lính xung phong nơi tuyến đầu chống dịch

Nguyễn Viết Tôn |

"Ở đâu nhân dân cần, ở đâu khó khăn thì ở đó có bộ đội". Đây là lời khẳng định của Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

“Chia lửa” với tuyến đầu

Trong lá đơn tình nguyện viết ngày 9/8/2021 gửi Thường vụ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị, Đại úy chuyên nghiệp, Nguyễn Đình Nam, quân y công tác tại Đồn Biên phòng Hướng Phùng (Quảng Trị) viết: “Hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, là cán bộ, đảng viên, nhân viên quân y, với tinh thần tình nguyện tôi viết đơn xin tham gia Đội cơ động phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Tư lệnh BĐBP để góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của đất nước”.

Các quân y biên phòng chuẩn bị tư trang lên đường tăng cường cho các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19.
Các quân y biên phòng chuẩn bị tư trang lên đường tăng cường cho các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19.

Còn Thượng úy chuyên nghiệp Võ Tấn Vinh, nhân viên quân y Lữ đoàn 574, Sư đoàn 307 (Bộ Tư lệnh Quân khu 5) chia sẻ: “Chúng tôi mang hết tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định của địa phương, đơn vị nơi công tác, phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm cùng toàn quân và cả nước chiến thắng đại dịch”.

Cùng ý chí quyết tâm ấy, Thượng úy chuyên nghiệp Hoàng Anh Thắng, nhân viên lái xe Phòng Hậu cần Sư đoàn 307 (Bộ Tư lệnh Quân khu 5) khẳng định: “Sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

Đại úy Nguyễn Đình Nam, Thượng úy Võ Tấn Vinh hay Thượng úy Hoàng Anh Thắng chỉ là 3 trong hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ toàn quân tham gia cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Mong muốn của các anh là được “chia lửa” với các lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Nam vượt qua mọi hiểm nguy của dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “Có thể nói Việt Nam là một trong số những quốc gia áp dụng rất sớm việc đưa lực lượng quân đội, công an vào chống dịch. Hình ảnh những chiến sĩ áo xanh ngày đêm bám chốt, canh gác nghiêm ngặt từng mét biên cương để chặn nguồn lây, tận tụy chăm lo cho bà con trong khu cách ly càng thấy được sự hy sinh thầm lặng của bộ đội ta. Công an các cấp đã siết chặt việc quản lý địa bàn để bảo đảm nghiêm yêu cầu chống dịch”.

Ngày 23/8 vừa qua, cùng với các lực lượng vũ trang toàn quân lên đường vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19 còn có 1.096 y bác sĩ, sinh viên Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) cũng lên đường Nam tiến với long nhiệt tình của tuổi trẻ. Trước lúc lên máy bay vào Nam, học viên Nguyễn Tất Thịnh, sinh năm 2000, là một trong những gương mặt trẻ nhất của đoàn công tác Học viện Quân y được tăng cường cho các tỉnh phía Nam tự tin nói: “Chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Sâu đậm nghĩa tình quân dân "cá - nước"

Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam đã trải qua gần 2 năm với 4 đợt dịch liên tiếp, tính chất hết sức phức tạp. Đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư, từ cuối tháng 4/2021 đến nay đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, hiện nay bà con các tỉnh phía Nam rất cần sự có mặt của lực lượng thầy thuốc quân đội. Chính phủ biểu dương tinh thần sẵn sàng xung kích của các lực lượng và tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn lực lượng vũ trang, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch...

Đến thời điểm này, quân đội đã triển khai hơn 1.900 tổ, chốt chống dịch với hơn 13.000 lượt người, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với địa phương tổ chức gần 5.000 tổ, chốt phòng dịch với sự tham gia của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tại các địa bàn có dịch; triển khai 190 điểm cách ly phục vụ hơn 270.000 người.

Quân đội cũng đã tổ chức 10 bệnh viện dã chiến với hàng nghìn bác sĩ, nhân viên quân y, chuyển đổi công năng Bệnh viện đa khoa quân dân y Miền Đông thành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, thành lập trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng tại Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện 7A, Quân khu 7.

Nhiều đơn vị trong toàn quân đã có cách làm sáng tạo, có các mô hình hay thể hiện sâu sắc tình cảm tốt đẹp quân - dân "cá - nước" như: Hiến máu tình nguyện, tổ chức các phiên chợ nghĩa tình, gian hàng 0 đồng, phối hợp với địa phương giúp thu hoạch, tiêu thụ nông sản cho nông dân vùng có dịch... 

Hẹn ngày chiến thắng dịch bệnh sẽ trở về.
Hẹn ngày chiến thắng dịch bệnh sẽ trở về.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nhiều đêm phải ngủ ngoài rừng, canh giữ vững chắc biên giới để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh. Những tấm gương nhường doanh trại, nơi ăn, chỗ ngủ cho nhân dân, tận tình chăm sóc người dân tại các khu vực phong tỏa, các điểm cách ly. Nhiều chiến sĩ có người thân trong gia đình mất, có vợ con bị nhiễm dịch bệnh COVID-19 mà không thể về được vì đang làm nhiệm vụ; hàng trăm y sĩ, bác sĩ, học viên các trường quân y xung phong về Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang vừa hoàn thành nhiệm vụ lại lập tức lên đường vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tiếp tục tham gia phòng chống dịch. Trong cuộc chiến này, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội bị nhiễm bệnh, có người đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ... Những việc làm đó đã thể hiện rõ ý chí quyết tâm, trách nhiệm to lớn của người chiến sĩ Quân đội nhân dân với Tổ quốc, với nhân dân.  

Sự cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong phòng chống đại dịch COVID-19 đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ" - Bộ đội của nhân dân, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì nhân dân".

Xin trích ý kiến của Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để kết thúc bài viết này: “Đảng và nhân dân Việt Nam tự hào có lực lượng Quân đội nhân dân anh hùng, đã cùng với dân tộc Việt Nam trải qua nhiều cuộc trường chinh để giải phóng dân tộc, gìn giữ non sông, đất nước. Đại dịch COVID-19 là một cuộc trường chinh mới, một trận chiến mới... Tôi tự hào khi Quân đội ta có đội ngũ y, bác sĩ, những người làm công tác quân y hùng hậu, đủ trình độ, năng lực để chung tay cùng các lực lượng khống chế thành công đại dịch COVID-19 này. Tôi tin các đồng chí sẽ là những tấm gương sáng...

Đội ngũ thầy thuốc quân y sẽ cùng với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với chúng ta. Chúng ta hãy vì nghĩa lớn, vì tình đồng bào để thực hiện sứ mệnh cao cả đó. Chúc các đồng chí sức khỏe và thành công, sớm chiến thắng trở về an toàn tuyệt đối”.  

Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y xúc động: “Trong các cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Quốc phòng hay Chính phủ, khi được phát biểu, tôi luôn khẳng định rằng, ở Học viện Quân y, có ngọn lửa quyết tâm, sẵn sàng xung kích luôn cháy từng ngày, nhất là những ngày gần đây, khi đại dịch diễn biến ngày càng phức tạp. Với tinh thần, ngọn lửa ấy, chúng ta luôn sẵn sàng lên đường, xung kích vào những nơi tuyến đầu, gian nguy nhất... Chúng ta sẽ xung kích vào với các tỉnh phía Nam bằng tất cả lòng nhiệt huyết và nguồn lực cao nhất có thể”.

(Nguồn: Báo Tin tức)

TAGS

Sẵn sàng lực lượng góp sức cùng tuyến đầu phòng, chống dịch

Lê Trường |

Hưởng ứng lời kêu gọi tham gia phòng, chống COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, nhiều y, bác sĩ nghỉ hưu và cả những sinh viên ngành y sẵn sàng chung tay, góp sức vào cuộc chiến chống dịch, bảo vệ sức khỏe và sự bình yên của Nhân dân.

Hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm COVID-19 trực tuyến

PV |

Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia đã đưa vào hoạt động nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến để hỗ trợ nhân viên y tế.

Nữ chiến sĩ công an nơi tuyến đầu chống dịch

Thành Nam |

Trên hành trình trở về quê hương tránh dịch, dẫu gặp phải khó khăn, vất vả nhưng khi đi qua Quảng Trị, người dân ở nhiều tỉnh, thành khác nhau đã nhận được sự chung tay, tiếp sức của chính quyền, người dân và lực lượng Công an Quảng Trị. 

Sắp có tàu chạy bằng hơi nước chở khách du lịch tuyến Huế-Đà Nẵng

Việt Hùng |

Dự án vận chuyển hành khách du lịch trên đoàn tàu kéo bằng đầu máy hơi nước trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn Huế-Đà Nẵng đang được lên kịch bản triển khai.