Mong muốn đóng góp xây dựng quê hương Tà Rụt ngày càng đổi mới

Thanh Lê |

Chia sẻ về công việc của mình, ông Hồ Văn Chinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) nói: “Tôi mong muốn những đóng góp nhỏ bé của mình có thể góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên, người dân, từng bước xây dựng quê hương Tà Rụt ngày càng đổi mới”.

Xã Tà Rụt trải dài dọc trục đường Hồ Chí Minh, có 7 thôn, trên 4.700 nhân khẩu với 4 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Pa Kô chiếm trên 80%, còn lại là các dân tộc Kinh, Vân Kiều và Mường. Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, KT-XH trên địa bàn xã Tà Rụt có nhiều đổi thay, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, địa phương này vẫn còn nhiều khó khăn của một xã vùng cao. Đó là trình độ dân trí không đồng đều; cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thiện; sản xuất còn manh mún, mang tính tự cung, tự cấp, chưa tạo thành hàng hóa để có sức cạnh tranh trên thị trường; thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, tự phát; tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao.

Cựu chiến binh Hồ Văn Chinh thường xuyên về bản làng tìm hiểu cuộc sống của hội viên - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cựu chiến binh Hồ Văn Chinh thường xuyên về bản làng tìm hiểu cuộc sống của hội viên - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, không chỉ gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao, ông Hồ Văn Chinh luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, biết phát huy lợi thế vùng gò đồi để phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ hội viên giảm nghèo. Là người địa phương, ông Chinh hiểu rõ đặc điểm vùng đất, con người nơi đây, vì thế ông dành thời gian tìm hiểu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để áp dụng phát triển kinh tế gia đình, đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên CCB và người dân địa phương làm theo. Nhờ vậy, nhiều cây trồng có giá trị kinh tế như sắn, ngô, dứa... lần lượt được đưa vào sản xuất ở Tà Rụt và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ông Chinh còn tích cực khai hoang, vay vốn để mở rộng diện tích trồng rừng kinh tế, đến nay ông đã trồng được 5 ha tràm, đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Nhận thấy lợi ích của việc phát triển rừng trồng nên ông cũng tích cực vận động hội viên cùng khai hoang, mở rộng diện tích trồng rừng. Đối với những diện tích rừng trồng ở vùng sâu, vùng xa, ông Chinh vận động người dân góp vốn để làm tuyến đường dài hơn 4 km dẫn đến tận rừng tràm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch. Đặc biệt, nhận thấy diện tích đất bồi ven sông Đakrông rất phù hợp cho việc trồng cây chuối lùn bản địa nên năm 2021 ông Chinh tiên phong cải tạo 0,5 ha đất ven sông của gia đình để trồng loại cây này. Đến nay, toàn bộ diện tích trên đã thành khuôn viên, dựng hàng rào và xuống giống. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, trong thời gian tới, ông Chinh sẽ đưa cây đinh lăng vào trồng xen với chuối lùn, làm mô hình điểm cho hội viên CCB và người dân làm theo.

Để giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, với vai trò là Chủ tịch Hội CCB xã Tà Rụt, ông Chinh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Trên cơ sở những kiến thức học hỏi được, ông đến tận nhà từng hội viên để truyền đạt, hướng dẫn tận tình. Cùng với hướng dẫn kỹ thuật, thay đổi tập quán canh tác của người dân, ông Chinh khai thác hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đakrông. Thông qua 4 tổ tiết kiệm tín dụng và vay vốn của Hội CCB xã Tà Rụt, hội viên được vay 8 tỉ đồng để phát triển kinh tế, xây dựng các công trình nước sạch, sửa chữa nhà cửa, nuôi con học hành... Để sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi được ngân hàng ủy thác, ông Chinh huy động cán bộ hội phối hợp với cán bộ ngân hàng tổ chức tuyên truyền về chính sách cho vay, cách sử dụng vốn vay, đôn đốc thu lãi và gửi tiết kiệm, kịp thời xử lý nợ đến hạn... Nhờ phát huy hiệu quả vốn vay nên một số hội viên đã thoát nghèo bằng các mô hình kinh tế tổng hợp.

Ông Chinh chia sẻ: “Trong thời gian tới, bản thân tôi sẽ tiếp tục học hỏi, gương mẫu đi đầu trong phong trào hội cũng như phát triển kinh tế. Đồng thời, phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ, xây dựng Hội CCB Tà Rụt ngày càng vững mạnh, trở thành chỗ dựa vững chắc cho các thế hệ CCB tại địa phương”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khơi dậy niềm tự hào truyền thống quê hương, tạo động lực cho sự phát triển

Phương Minh |

Năm 2022 là năm thứ hai Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đây cũng là năm tổ chức kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907 - 2022), 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022) và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2022).

Rộng mở cơ hội việc làm trên quê hương

Nguyễn Vinh |

Hình ảnh từng dòng người lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam đổ về quê một cách tự phát để phòng, chống dịch bệnh đến nay vẫn còn ám ảnh với nhiều người.

Góp sức trẻ dệt mùa xuân quê hương

Phương Nga |

“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, đó là lời Bác Hồ đã viết cho thanh niên vào mùa xuân năm 1946.

Xứng đáng là quê hương của đồng chí Trần Hữu Dực

Nguyễn Vinh |

Đồng chí Trần Hữu Dực sinh ngày 15/1/1910, trong một gia đình nho học, nhưng cũng là nông dân nghèo ở làng Dương Lệ Đông, tổng An Dạ, phủ Triệu Phong, nay thuộc xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).