Mong ngày mai tươi sáng hơn

Tây Long |

Ngôi nhà của vợ chồng anh Hồ Văn Lương nằm ở thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị). Nói là nhà nhưng thực ra, đây chỉ là một căn lều dựng tạm với vài tấm tôn, gỗ tạp và bạt, bên trong không có thứ tài sản gì giá trị. Chỗ các thành viên trong gia đình anh Lương thường ngày ngồi ăn cơm được lắp ghép từ vài thanh ván cũ, sơ sài. Đây cũng là nơi các con anh học bài.

Chuyện trò bằng chất giọng trầm buồn, anh Lương chia sẻ, trước đây gia đình mình cũng có một ngôi nhà sàn để che mưa, che nắng. Thế nhưng, trận lũ xảy ra vào năm 2020 đã cuốn đi toàn bộ ngôi nhà trong sự tuyệt vọng của hai vợ chồng. “Hôm đó mưa lớn lắm. Con suối Xăng Toan hàng ngày hiền hòa bỗng như hóa thành thú dữ. Khi nước lũ đổ về, vợ chồng tôi chỉ kịp kéo ba đứa con chạy đến nơi cao ráo, rồi quay lại “cứu” được hai bao lúa”, anh Lương kể.

Bữa cơm đạm bạc của gia đình anh Lương - Ảnh: T.L
Bữa cơm đạm bạc của gia đình anh Lương - Ảnh: T.L

Đi qua trận lũ, mảnh đất mà anh Lương dựng nhà và gieo biết bao niềm hy vọng bị san phẳng hoàn toàn. Tính làm lại nhà nhưng vì lo cho sự an toàn của cả gia đình nên vợ chồng anh Lương phải mượn mảnh đất của người chú để ở tạm. Anh chị hy vọng một ngày gia đình sẽ có đất, rồi làm lại được căn nhà như trước. Thế nhưng, hai năm thấm thoắt trôi qua, ước mơ vẫn chỉ là mơ ước.

Có nhiều nguyên nhân khiến cái đói, cái nghèo đeo bám vợ chồng anh Lương như căn bệnh. Chị Hồ Thị Nguyên, vợ anh thường xuyên đau ốm. Dẫu vậy, hằng ngày, chị vẫn gắng gượng lên nương, lên rẫy cùng chồng. Điều khiến vợ chồng anh Lương rất buồn là lũ lụt, hạn hán cứ thi nhau kéo đến, làm mùa màng thất bát. Mỗi khi ai đó gọi đi làm thuê, vợ chồng anh Lương rất mừng.

Quen với cái khổ, vất vả mấy vợ chồng anh Lương cũng chịu được. Anh chị chỉ thương cho ba đứa con nhỏ và người mẹ già phải bữa đói, bữa no. Nguy cơ con của anh chị buộc phải nghỉ học là rất cao. Đã thế, vì ăn uống không đầy đủ nên cả ba người con của vợ chồng anh Lương đều nhỏ bé, gầy gò, không được khỏe mạnh. Nhiều hôm hai anh chị phải thức thâu đêm để trông con ốm.

Ở trong căn lều dựng tạm, mỗi mùa mưa bão là cả một mùa lo đối với gia đình anh Lương. Nhiều đêm, cả nhà phải di chuyển 2, 3 lần vì bị ướt. Nhìn con co ro trong cái lạnh, nước mắt chảy vào lòng vợ chồng anh Lương. Thế nhưng, anh chị không biết phải làm sao để có ngôi nhà tử tế vì gia đình đã vay mượn quá nhiều. Hơn lúc nào hết, vợ chồng anh Lương mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm để có ngày mai tươi sáng hơn.

*Mọi sự ủng hộ gia đình anh Hồ Văn Lương xin gửi đến Báo Quảng Trị - 311 - Hùng Vương - thành phố Đông Hà (ĐT: 0919001317) hoặc chuyển vào tài khoản: Báo Quảng Trị, số TK: 0771000000456 tại NHTMCP Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Trị; 54010000470399 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị; 102010000393537 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Trị; 3900211011886 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị; hoặc gửi trực tiếp về gia đình theo địa chỉ: Anh Hồ Văn Lương, thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Trao tặng 348 suất quà tết cho người nghèo tại huyện Hướng Hóa

Trúc Phương |

Tiếp tục chương trình tặng “Quà tết cho người nghèo” nhân dịp Xuân Quý Mão – 2023, chiều nay 30/12, Báo Quảng Trị phối hợp với Quỹ Thiện tâm Tập đoàn Vingroup tổ chức trao tặng quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

295 người nghèo ở huyện Gio Linh nhận quà tết của Báo Quảng Trị - Tập đoàn Vingroup

Q.H |

Ngày 27/12, Báo Quảng Trị tổ chức trao tặng quà tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở các xã thuộc huyện Gio Linh gồm: Gio Mỹ, Gio Mai và Trung Hải.

Hướng Hóa: Trao 150 suất học bổng “Học không bao giờ cùng” cho học sinh, sinh viên nghèo

Bích Liên |

Hội Khuyến học huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) vừa tổ chức chương trình trao học bổng “Học không bao giờ cùng” cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tập năm 2022.

Những thầy thuốc của người nghèo

Quang Đăng |

Không phải ngẫu nhiên khi nhiều cán bộ, hội viên Hội Đông y tỉnh được người dân trong tỉnh trìu mến gọi là “thầy thuốc của người nghèo”. Dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các cán bộ, hội viên vẫn giữ chữ “tâm” ngời sáng, miệt mài giúp đời, giúp người.