Mưu sinh ngày giá rét

Thu Hạ |

Nhiều ngày qua, những đợt không khí lạnh tràn về liên tục khiến việc mưu sinh của những người lao động tự do càng thêm khó khăn, vất vả. Thế nhưng, mặc dù thời tiết lạnh giá, họ vẫn miệt mài với công việc của mình nơi góc phố, ngõ chợ để kiếm thêm chút thu nhập khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

“Năm nay thời tiết khắc nghiệt quá, hết mưa bão lại đến những ngày lạnh cắt da cắt thịt. Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, chồng bị bại liệt hơn 10 năm nay do tai biến nên tôi là lao động chính trong nhà. Trời này cũng muốn được ở nhà lắm chứ, nhưng không làm thì lấy tiền đâu để chi tiêu, thuốc men cho chồng…”, bà Trần Thị Mỹ A. (65 tuổi), một người bán trái cây dạo trên đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Đông Hà nói với giọng run run.

Mặc dù đêm đã khuya, thời tiết lạnh giá, nhưng nhiều người vẫn miệt mài với công việc bán hàng của mình để mưu sinh - Ảnh: H.T​
Mặc dù đêm đã khuya, thời tiết lạnh giá, nhưng nhiều người vẫn miệt mài với công việc bán hàng của mình để mưu sinh - Ảnh: H.T​

Cũng giống như nhiều người lao động khác, công việc của bà A. gần chục năm qua phải dãi nắng dầm mưa, mưu sinh qua ngày. Thời điểm này, từ sáng sớm, thời tiết có khi xuống dưới 14 độ C, bà A. đã dậy để tất tả đi chợ mua trái cây, về sơ chế, cắt gọt, đóng gói rồi đi bộ đến các nhà hàng, quán ăn ở thành phố Đông Hà để bán. “Riết cũng quen. Cuộc sống mà, mưu sinh phải vậy thôi”, bà A. nói và kể thêm rằng nhờ công việc bán trái cây dạo mỗi ngày, bà kiếm được 150.000 - 250.000 đồng, có tiền để lo cho cuộc sống gia đình.

Đều đặn mỗi buổi sáng, anh Nguyễn Trọng Nho, ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ lại chạy xe gần 15 km về thành phố Đông Hà để làm nghề dọn dẹp vệ sinh cho các công trình nhà ở sau xây dựng. Cuối năm, nhu cầu dọn vệ sinh nhà cửa tăng cao nên công việc của anh bận rộn hơn mọi ngày. Anh Nho tâm sự: “Trời rét, tay chân tê cóng, nhưng gần 1 tháng nay tôi chưa một ngày nghỉ ngơi. Công việc của tôi đòi hỏi phải thường xuyên ngâm nước lạnh, hóa chất tẩy rửa nên thời tiết như thế này lại càng vất vả hơn. Thế nhưng, vì thu nhập ổn định và phù hợp với mình nên tôi vẫn gắn bó lâu dài và cố gắng khắc phục khó khăn để có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình”.

Lạnh giá cũng khiến những người làm nghề giao hàng như anh Phan Quang Nghĩa phải vất vả để vật lộn với những đơn hàng. “Nhiều hôm trời đã tối, nhiệt độ xuống thấp dưới 14 độ C kèm theo mưa nhưng đơn hàng chưa giao hết thì tôi vẫn phải cố gắng để hoàn tất công việc. Dù đã trùm kín người bằng nhiều lớp áo, mang tất, bịt khẩu trang nhưng vẫn không thể chống chọi lại được với cái rét cắt da cắt thịt ở ngoài đường”, anh Nghĩa nói. Trời lạnh, mọi người đều ngại đi ra đường, vì vậy anh Nghĩa lại càng nhận được nhiều đơn giao hàng hơn, đặc biệt là giao đồ ăn nhanh và bưu phẩm COD. “Trung bình mỗi tháng thu nhập của tôi từ 6 - 7 triệu đồng. Trời lạnh như thế này thì càng có nhiều đơn hàng hơn, vui vì có thêm thu nhập nhưng người cũng mệt rũ, cảm cúm, sổ mũi thường xuyên nhưng cũng không dám nghỉ ngày nào vì tôi muốn kiếm thêm ít tiền để lo cho gia đình, sắm cho các con chiếc áo mới khi Tết đến xuân về”, anh Nghĩa chia sẻ thêm.

Ngày nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng khi mọi người vẫn đang chìm trong giấc ngủ thì chị Nguyễn Thị Thiết, tiểu thương ở chợ Đông Hà đã phải đi xe máy về thị trấn Cửa Việt để mua cá lên bán lẻ. Trò chuyện với chị, chúng tôi được biết, vì không có nghề nghiệp ổn định nên trước đây, ai thuê gì chị làm nấy, từ dọn dẹp nhà cửa, văn phòng tới rửa bát thuê ở các nhà hàng, quán ăn. Thậm chí, có thời gian chị còn đi gom ve chai, giấy vụn, nhặt nhạnh những chai nhựa, vỏ hộp gom lại để kiếm từng đồng lẻ. Sau đó, chị tích cóp tiền mua được chiếc xe máy cũ để chuyển sang nghề buôn bán. Chị Thiết chia sẻ: “Ngày nào cũng phải dậy đi lấy hàng khi trời chưa sáng, cái rét căm căm khiến người tôi dù mặc mấy lớp áo dày mà vẫn cứ run cầm cập. Nhưng sợ nhất vẫn là những ngày trời mưa, đường trơn trợt, nhiều hôm chở nhiều hàng, tay lạnh cóng, xe trượt bánh khiến tôi bị ngã văng ra đường, dập hết tôm cá nhưng may mà người không sao. Công việc tuy vất vả là vậy, nhưng ngày nọ bù ngày kia, trung bình mỗi ngày, trừ chi phí, tôi cũng có thu nhập hơn 300 nghìn đồng, đủ trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học”.

Càng về đêm, những người mưu sinh dù thưa đi nhưng vẫn không khó để bắt gặp. Ai cũng tất bật, bất chấp mưa lạnh, gió rét để mưu sinh với công việc đã gắn vào phận đời, kiếm sống qua ngày. Dưới ánh đèn vàng hắt hiu ở một góc trên đường Tôn Thất Thuyết, thành phố Đông Hà, bà Lê Thị Kham chỉ mong bán xong thúng trứng vịt lộn rồi về nhà thật sớm. Gánh nặng mưu sinh từ bao nhiêu năm qua đè nặng trên đôi vai bà, không còn cách nào khác, thời tiết dù có ra sao bà cũng phải ra đường. Nghề bán trứng vịt lộn thường chỉ vào ban đêm, từ 7 giờ tối đến tận khuya. “Ngày nắng, người ta đi chơi về khuya còn ngồi lại ăn. Nhưng thời tiết lạnh giá như thế này thì có mấy ai ra đường, nên bán ế lắm, thu nhập cũng giảm”, người phụ nữ ngoài 50 tuổi chia sẻ.

Trên đây chỉ là một trong nhiều công việc mưu sinh mà những người lao động nghèo đang phải đảm đương giữa những ngày đông giá rét. Dẫu cuộc sống của họ vẫn còn bộn bề khó khăn, vất vả, thế nhưng nụ cười lạc quan của những người lao động chịu thương, chịu khó này vẫn là một gam màu đẹp đẽ, tươi sáng, rất đáng trân trọng.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực tỉnh Quảng Trị trời tiếp tục rét đậm, vùng núi rét hại; với nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng phổ biến từ 11-13 độ C, vùng núi phổ biến từ 9 - 11 độ C kèm theo mưa rải rác. Vì vậy, mỗi người hãy mặc đủ ấm và bảo vệ sức khỏe bản thân, thường xuyên theo dõi thời tiết khi phải lao động ngoài trời trong mùa đông giá rét.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mưu sinh sau ngày lũ

Yên Mã Sơn |

Lũ ở Hướng Hoá (Quảng Trị) vừa rút nhưng các cầu tràn qua khe suối nước vẫn còn chảy rất xiết, những phận người cần mẫn "kiếm cái ăn" trong rừng như không có giờ ngơi nghỉ...

Lận đận mưu sinh mùa COVID-19

Trung Hiếu - Nguyễn Nam |

Dịch COVID-19 kéo dài, điều kiện kinh tế của một số bộ phận người dân đã gặp phải không ít khó khăn. Trong số đó phải kể đến những người lao động nghèo, sống trong những căn nhà trọ ọp ẹp, thu nhập ít ỏi, suốt ngày đau đáu những nỗi lo toan...

Người Việt mưu sinh trên đất Lào

Tiến Hoàng |

Xem Lào là quê hương thứ hai, những người con đất Việt cần mẫn kiếm sống, chan hòa và thân ái với người dân sở tại. Savannakhet và Salavan, hai tỉnh của Lào có đông đảo người Việt làm ăn, sinh sống. Ở đây chủ yếu người dân từ tỉnh Quảng Trị của Việt Nam sang. Những cái tên như Sa Muồi, Tà Ổi, Sê Pôn, Mường Nòng, Nà Bò… giờ đã trở thành thân thương đối với người Việt Nam.

Mưu sinh bằng nghề lặn biển ở đảo Cồn Cỏ

Lê An |

Chỉ với một thuyền máy công suất nhỏ, máy nén khí, vài trăm mét ống dẫn hơi, bộ đồ lặn để giữ ấm thân nhiệt, kính lặn và sợi dây chì nặng khoảng 12 - 15 kg, hằng ngày, những người thợ lặn vốn là cư dân trên đảo Cồn Cỏ lại trầm mình xuống dưới hàng chục mét nước, đối mặt với những hiểm nguy nơi đáy biển để mưu sinh.