Mưu sinh bằng nghề lặn biển ở đảo Cồn Cỏ

Lê An |

Chỉ với một thuyền máy công suất nhỏ, máy nén khí, vài trăm mét ống dẫn hơi, bộ đồ lặn để giữ ấm thân nhiệt, kính lặn và sợi dây chì nặng khoảng 12 - 15 kg, hằng ngày, những người thợ lặn vốn là cư dân trên đảo Cồn Cỏ lại trầm mình xuống dưới hàng chục mét nước, đối mặt với những hiểm nguy nơi đáy biển để mưu sinh.

5 giờ sáng, chiếc thuyền nhỏ của anh Lê Văn Tuấn chở theo 2 bạn thuyền xuất phát từ âu tàu Cồn Cỏ nhắm hướng biển thẳng tiến. Gió nhẹ, trời trong xanh không một gợn mây báo hiệu sẽ có một ngày làm việc thuận lợi. Không cần tàu thuyền lớn, trang thiết bị hiện đại, trên chiếc thuyền nhỏ của anh Tuấn chỉ bao gồm chiếc máy nổ vừa dùng làm động cơ giúp thuyền di chuyển, vừa được nối với máy nén khí để cung cấp ô-xy cho những người thợ lặn trong quá trình lặn sâu dưới đáy biển hàng giờ đồng hồ. Ngư cụ trong chuyến lặn biển của các thợ lặn chỉ bao gồm bộ quần áo lặn để giữ ấm thân nhiệt, kính lặn, ống dẫn hơi, dây chì, túi lưới đựng hải sản và một thanh thép có móc nhọn. Theo anh Tuấn, mùa lặn biển tại đảo Cồn Cỏ thường bắt đầu vào khoảng tháng 2, 3 và kết thúc vào cuối tháng 8, tất cả chỉ gói gọn trong vòng 5 - 6 tháng. Công việc của người thợ lặn thường bắt đầu từ sáng sớm đến tận chiều tối.

Anh Lê Văn Tuấn vận chuyển sản phẩm sau một ngày lặn biển lên bờ. Ảnh: L.A
Anh Lê Văn Tuấn vận chuyển sản phẩm sau một ngày lặn biển lên bờ. Ảnh: L.A

Hằng ngày, bằng kinh nghiệm của mình, họ nhìn con nước, sóng gió, thấy nước trong xanh, sóng yên, biển lặng là ra khơi. Khi đến địa điểm lặn đã xác định trước, anh Tuấn và một bạn thuyền bắt đầu mặc áo lặn, mang kính lặn, đeo vào thắt lưng sợi dây chì nặng từ gần 15 kg, quấn sợi ống thở quanh người và ngậm đầu ống thở vào miệng rồi nhảy ùm xuống biển. Chút bọt sóng trào lên, bóng người thợ lặn mất hút dưới làn nước xanh ngọc bích, chỉ còn lại ống thở dập dềnh theo con sóng. Người còn lại được giao nhiệm vụ ở lại trên thuyền theo dõi hoạt động của chiếc máy nén khí, đảm bảo để hai ống dẫn khí luôn thẳng, không bị cuốn vào nhau bởi chiếc ống nhỏ đó đang neo giữ mạng sống của 2 thợ lặn đang lần tìm từng rạn đá dưới đáy biển sâu.

Khi xuống đến độ sâu từ 15 - 20m, các thợ lặn bắt đầu lang thang dưới đáy biển, dọc các khe đá, các rạn san hô để bắt hải sản. Sản phẩm chủ yếu của họ là hàu, vẹm, hải sâm, ốc các loại… So với các loại hình khai thác thủy sản khác của ngư dân trên đảo, nghề lặn biển cho thu nhập cao hơn. Đặc biệt là trong khoảng 3 năm trở lại đây khi du lịch ở đảo Cồn Cỏ phát triển mạnh, khách du lịch bắt đầu nhiều lên. Bình quân một ngày một thợ lặn kỳ cựu như anh Tuấn có thể thu được từ 70 - 100 con hàu, 40 - 50 kg ốc xà cừ, ốc nón, vẹm… Với giá bán từ 25.000 - 35.000 đồng/kg hàu, 35.000 đồng/kg ốc các loại, 80.000 đồng/kg vẹm thì tính ra một ngày anh có thể thu nhập từ 700.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, nghề này chỉ hoạt động vào thời điểm mùa hè, trời yên biển lặng. Đặc biệt, nghề lặn biển rất nguy hiểm, dễ gặp phải nguy cơ bị chấn thương, thậm chí mất mạng. Ngoài ra, do hoạt động dưới đáy biển sâu, chịu sức ép của áp suất nước biển nên hầu hết đến năm 35 - 40 tuổi là các thợ lặn đều phải giải nghệ chuyển sang nghề khác.

Sau khi ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ, các thợ lặn tập trung trên sàn thuyền, bữa ăn vội diễn ra chóng vánh. Nghỉ ngơi khoảng 30 phút, không ai bảo ai, tất cả lại mặc đồ lặn, ngậm ống thở và trầm mình xuống nước trở lại. Thợ lặn kỳ cựu Hồ Văn Lịch cho biết, nghề lặn biển mặc dù mang lại thu nhập tương đối khá nhưng lại đòi hỏi người thợ lặn phải có sức khỏe tốt và dũng khí để lặn cả ngày dưới đáy biển sâu. Thông thường, để bắt được những con hàu có kích cỡ bằng bàn tay người lớn trở lên hay những con ốc xà cừ, ốc nón… người thợ lặn phải xuống độ sâu từ 15 - 20m nước, ngâm mình dưới đáy biển từ 3 - 4 giờ đồng hồ mỗi lần lặn. “Đáy biển khu vực đảo Cồn Cỏ có nhiều rạn san hô rất đẹp là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản, do đó thu nhập từ lặn biển có thể đạt từ 500.000 đồng - 700.000 đồng, thậm chí cả triệu đồng mỗi ngày”, anh Lịch cho hay.

Theo anh Lịch, ngoài được thương lái thu mua đưa vào đất liền tiêu thụ, trong những năm trở lại đây, lượng khách du lịch ra tham quan đảo tăng mạnh, nhất là trong những dịp cuối tuần. Nhu cầu thưởng thức các loại đặc sản biển như hàu, ốc các loại… tăng cao nên thu nhập từ nghề lặn biển của ngư dân cũng tăng lên. Một điểm đặc biệt của nghề lặn biển ở đảo Cồn Cỏ đó là các loại hải sản khai thác được đều được ngư dân dự trữ trong những chiếc túi lưới hoặc thả trực tiếp ngay dưới đáy biển, tại những địa điểm gần bờ mà họ đã ngầm quy định với nhau. Khi khách du lịch có nhu cầu thưởng thức hoặc mang về làm quà, ngư dân lại lặn xuống biển mang lên nên rất tươi ngon.

Khi được hỏi, đối với nghề lặn biển yếu tố nào là quan trọng nhất, tất cả các thợ lặn đều chỉ chiếc máy nén khí cung cấp ô xy và sợi ống thở dài hàng trăm mét đang xếp gọn gàng trên sàn thuyền. Trao đổi với chúng tôi, thợ lặn Lê Văn Tuấn cho biết, gọi là lặn hơi nhưng các thợ lặn chỉ ngậm một ống thở có chiều dài hàng trăm mét được nối với máy nén khí ở trên thuyền. Do vậy, thuyền làm nghề lặn biển luôn có một người túc trực trên thuyền để đảm bảo máy nổ nối với máy nén khí luôn hoạt động ổn định liên tục. Đối với ống thở, do mỗi ống thường dài từ 200 - 300 m tùy thuộc vào khu vực, độ sâu mực nước nên phải luôn kiểm tra không để ống bị gấp khúc, bị mọt, xì hơi; khi các thợ lặn đang ở dưới đáy biển, người trên thuyền phải luôn quan sát để cảnh báo các tàu thuyền đánh cá của ngư dân khi di chuyển ngang qua khu vực lặn vì chỉ cần ống thở bị quấn vào chân vịt thuyền đánh cá hay thậm chí bị chân vịt cắt đứt thì lập tức tính mạng của thợ lặn dưới đáy biển sẽ bị đe dọa. Ngoài ra, nguy hiểm còn đến từ các dòng chảy ngầm dưới nước, rắn biển, các loại cá dữ…

“Mỗi thợ lặn chỉ kết nối với người trên thuyền bằng ống thở. Khi cần trở lại thuyền hoặc cần chuyển hải sản đánh bắt được lên thuyền chỉ cần giật ống thở theo ám hiệu đã quy định trước, người trên thuyền sẽ kéo lên. Khi gặp sự cố như tắt máy, đứt, gập ống thở hay ống thở bị cuốn theo thuyền đánh cá cần kịp thời bung đai chì nổi lên mặt nước. Độ an toàn tính bằng giây, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng ngay lập tức. Ngoài ra, trong lúc lặn nếu thấy biển động bất thường hoặc cơ thể mệt mỏi thì nên dừng lại và nhanh chóng vào bờ”, anh Tuấn cho hay.

Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển (BQL KBTB) đảo Cồn Cỏ Trần Anh Ngọc Hiền cho biết, do có thu nhập tương đối khá nên hiện nay ngoài các thuyền của ngư dân trên đảo còn có thuyền của ngư dân ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh và một số thuyền lặn của ngư dân Quảng Ngãi tham gia hành nghề lặn biển ở khu vực đảo Cồn Cỏ. Do vậy, để đảm bảo cho KBTB đảo Cồn Cỏ, bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đánh bắt đúng ngư trường, đúng kích cỡ quy định, BQL KBTB đảo Cồn Cỏ còn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát không để các thuyền hành nghề lặn vào khai thác trong các khu vực thuộc KBTB đảo Cồn Cỏ. “Hầu hết các thuyền hành nghề lặn đều tuân thủ đầy đủ các quy định của KBTB đảo Cồn Cỏ như không neo đậu, lặn bắt hải sản trong KBTB; kích cỡ các loại hàu, ốc, hải sâm đều đảm bảo…”, anh Hiền khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cánh đồng hoa tím Mã Tiền Thảo khoe sắc trong sương mờ Sa Pa

PV |

Đồi hoa Mã Tiền Thảo, nằm tại ga đến Mường Hoa trong khuôn viên Khu du lịch cáp treo Sun World Fansipan Legend thuộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai có diện tích lên đến 75.000m2 đang mùa nở rộ tuyệt đẹp.

Lăng Khải Định - Kiệt tác nghệ thuật khảm sành của xứ Huế

PV |

Toàn bộ nội thất trong cung Thiên Định đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh với những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện...

Hoàn thành xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên

Lê Trường |

Sau một thời gian tích cực triển khai thi công, đến nay công trình Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên đã hoàn thành giao đoạn 1 và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Tiềm năng du lịch thác Luồi

Linh Xuân |

Từ thành phố Đông Hà lên hướng Tây của Quốc lộ 9 tại km 41, huyện Đakrông (Quảng Trị), đi qua thị trấn Krông KLang, băng qua chiếc cầu mới xây xã Mò Ó khoảng 3 km bạn sẽ đến thác Luồi – nơi tiềm ẩn vẻ đẹp hoang sơ đang được nhiều du khách gần xa tìm đến, nhất là những bạn trẻ muốn trải nghiệm những điểm du lịch mới trên địa bàn Quảng Trị.