Ngày của nghĩa tình…

Phạm Xuân Dũng |

Như đã hẹn với bà con, những người thực hiện chương trình công tác xã hội hỗ trợ Nhà tình nghĩa cho những gia đình là đối tượng chính sách có hoàn cảnh quá khó khăn lại về với làng quê Quảng Trị. Một ngày hè nắng quá chói chang vào cuối trung tuần tháng sáu.


Trở lại “Chốt thép Long Quang”

Và chúng tôi đến “Chốt thép Long Quang” (Triệu Trạch, Triệu Phong, Quảng Trị) nơi ghi dấu chiến tranh khốc liệt của nửa thế kỷ trước liên quan với tâm điểm Thành Cổ Quảng Trị. Gia đình ông Phan Độ đón chúng tôi với niềm hân hoan chân thành, mộc mạc.

Ban biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn trao tặng 150 triệu đồng của 2 đơn vị tài trợ là Tập đoàn Sun Group và Quỹ từ thiện Hành Trình Xanh cho đại diện LĐLĐ tỉnh Quảng Trị. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Ban biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn trao tặng 150 triệu đồng của 2 đơn vị tài trợ là Tập đoàn Sun Group và Quỹ từ thiện Hành Trình Xanh cho đại diện LĐLĐ tỉnh Quảng Trị. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Nếu như lần trước, các cây bút của Tạp chí Lao động và Công đoàn cùng đại diện nhà tài trợ không gặp được ông Phan Độ vì ông bận vào nhà con thứ ở miền Nam chữa bệnh thì nay ông đã về lại quê. Cái bắt tay của người già ngoài 80 tuổi như ông Phan Độ có lẽ run run vì xúc động đã kéo mọi người càng gần gũi với nhau hơn.

Nhà báo Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn vừa từ Hà Nội vào ân cần hỏi chuyện người cựu du kích ở chốt thép Long Quang ngày trước.

Đoàn đã đến thăm hỏi gia đình ông Phan Độ tại thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Đoàn đã đến thăm hỏi gia đình ông Phan Độ tại thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Sau một chút ngập ngừng vì tuổi tác, ông Phan Độ sôi nổi hẳn lên khi nhớ lại: “Ui, hồi đó ác liệt lắm. Chiến tranh bom đạn không nói hết, dưới đất thì xe thiết giáp, bộ binh, trên trời thì máy bay thả bom. Không biết sống chết khi mô. Du kích bầy tui phải đưa bà con tản cư ra phía Bắc của tỉnh Quảng Trị cho an toàn”.

Một người trong đoàn hỏi: “Thế ông có bị thương không ạ?”- Ông cụ đáp: “À, rứa mà tui thì không bị chi hết”, mọi người ồ lên có vẻ ngạc nhiên vì đó cũng là sự lạ và may mắn không dễ có trong một cuộc chiến mà chuyện sinh tử nhiều khi chỉ trong chớp mắt.

Ông Phan Độ chia sẻ về căn nhà mới của mình với nhà báo Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Ông Phan Độ chia sẻ về căn nhà mới của mình với nhà báo Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Nhà báo Trần Duy Phương thưa chuyện với gia đình rằng, Tạp chí Lao động và Công đoàn đã kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ việc xây dựng Nhà tình nghĩa và trong đó có hai đơn vị là Tập đoàn Sun Group ủng hộ 100 triệu đồng và Quỹ Từ thiện Hành Trình Xanh là 50 triệu đồng cho 2 căn nhà ở Quảng Trị, chia đều ra mỗi nhà được 75 triệu đồng. Tỉnh Quảng Trị hỗ trợ thêm mỗi nhà 5 triệu đồng, vậy là cả thảy mỗi nhà được hỗ trợ 80 triệu đồng.

Cả gia đình ông Phan Độ nghe vậy càng vui, mắt cười lấp lánh. Ông Phan Độ nói trong xúc động: “Gia đình tui vô cùng cảm ơn các nhà tài trợ, cảm ơn Công đoàn và Nhà nước. Thiệt không ngờ có ngày ni”. Ông ngừng lời như nhớ lại điều gì. Người con trai trưởng là ông Phan Đẳng nói thêm về cha mình: “Ông mới đi thăm mộ bà về, ngày nào cũng đi…”. Ông Phan Độ ngồi thừ người ra nhớ lại người vợ thương binh đã rời xa ông về với tổ tiên, vẻ mặt bùi ngùi, tay quệt vào mắt...

Bà Nguyễn Thị Hoài Lê - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị thăm hỏi sức khỏe ông Phan Độ. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Bà Nguyễn Thị Hoài Lê - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị thăm hỏi sức khỏe ông Phan Độ. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Thay đổi không khí, chị Nguyễn Thị Hoài Lê, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị hỏi ông Phan Độ: “Nếu có nhà mới kiên cố, khang trang thì ông sẽ làm việc gì đầu tiên ạ?”.

Ông lão có vẻ bất ngờ vì chưa hình dung nổi khi niềm vui trọn vẹn theo ngôi nhà hình thành thì mình sẽ làm gì? À nhớ rồi, là bàn thờ người vợ thương binh, là trồng cây trước ngõ… Ông dắt tay mọi người, hăng hái chỉ trỏ ngôi nhà mới đang xây nói ra bao dự tính tốt lành…

Nhà báo Trần Duy Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn (giữa) cùng đại diện LĐLĐ tỉnh Quảng Trị trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Phan Độ. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Nhà báo Trần Duy Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn (giữa) cùng đại diện LĐLĐ tỉnh Quảng Trị trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Phan Độ. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Đại An Khê đón đợi

Chia tay Long Quang, cả đoàn vào Đại An Khê (Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị).

Chị Trần Thị Ngọc Ánh ra đón ngoài ngõ tay bắt mặt mừng. Chị vừa đi vừa nói: “Tui biết mà, thế nào mấy chú cũng về. Có người nói linh tinh: “Coi chừng nghe, có nhà tài trợ hay không mới làm nhà”. Nhưng tui nói, chắc chắn có vì tui tin mấy chú, mấy cô đã nói như đinh đóng cột, Công đoàn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây nhà cho bà con. Chắc chắn có 80 triệu, nếu không có mấy chú hứa sẽ bỏ tiền túi ra”.

Đoàn đến thăm hỏi gia đình chị Trần Thị Ngọc Ánh tại làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Đoàn đến thăm hỏi gia đình chị Trần Thị Ngọc Ánh tại làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Tôi chỉ vào nhà báo Lâm Chí Công, Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, nói vui với chị Ánh: “Đây là anh Công, hôm trước tôi đã mở loa ngoài cho cả nhà mình, anh trả lời rồi đó, anh cam kết, giả sử nếu chưa có tiền về thì anh em bỏ tiền túi ra hỗ trợ chị xây nhà”.

Mọi người cùng cười. Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, đồng chí Trần Duy Phương, nói tiếp: “Tiền các nhà tài trợ cho hai ngôi nhà ở Quảng Trị, chúng tôi đã chuyển khoản về Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị. Liên đoàn sẽ phối hợp với chính quyền, ngành chức năng huyện, xã để giải ngân đủ 80 triệu hỗ trợ cho gia đình mình. Nhà mình cứ yên tâm mà lo việc”.

Được lời như cởi tấm lòng, chị Ánh cũng nói thêm: “Nhà tui cũng rất khó khăn định lợp tôn cho đỡ tốn kém. Nhưng bà con động viên, nên làm cho vững, nền cao để chống lụt, có mái bằng để phòng bão, nên tui cũng "rán sành ra mỡ", đi vay quỹ hỗ trợ việc làm, bà con cho mượn, người 5, 10 triệu đồng để làm. Thợ xây dự tính làm xong phải tốn khoảng 250 triệu, tức là phải vay, mượn thêm 170 triệu. Vợ chồng tui cũng gắng làm thuê, làm mướn mà trả lần hồi để có ngôi nhà mà mình mơ ước”.

Chồng chị, ông Trần Bình Binh chợt òa khóc và nói trong nước mắt: “Tui năm ni 67 tuổi, không ngờ xây được ngôi nhà cứng cáp như ri (thế này - PV), thiệt không biết nói chi hơn, thiệt là cám ơn Công đoàn, cám ơn nhà tài trợ”.

Gia đình chị Trần Thị Ngọc Ánh xúc động khi nhận được tiền hỗ trợ xây nhà. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Gia đình chị Trần Thị Ngọc Ánh xúc động khi nhận được tiền hỗ trợ xây nhà. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Mẹ chị Ánh là cụ Nguyễn Thị Liễn, vợ liệt sĩ, bản thân là cơ sở cách mạng trung kiên, từng vào tù, ra khám, chồng hy sinh khi chị Ánh mới vừa một tháng tuổi cũng nghẹn ngào: “Tui gần đất xa trời, cứ chộ (thấy - PV) nhà con Ánh ở miếng đất đầu thừa đuôi thẹo, nhà cửa xập xệ, chật chội là lo mà không biết mần răng (làm sao - PV). Nay có được cái nhà kiên cố là mừng lắm. Nhưng cũng còn lo vợ chồng nó phải chạy vạy mà trả nợ…”.

Đại diện Tạp chí Lao động và Công đoàn cùng lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Trị trao tặng Nhà tình nghĩa cho gia đình chị Trần Thị Ngọc Ánh. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Đại diện Tạp chí Lao động và Công đoàn cùng lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Trị trao tặng Nhà tình nghĩa cho gia đình chị Trần Thị Ngọc Ánh. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Dù còn những điều phải lo nghĩ và nỗ lực vượt qua, nhưng một ngày mới đã về trên quê nhà Quảng Trị với nhiều hy vọng và dự cảm tốt lành.

Người sống hết mình vì nghĩa tình đồng đội

Trần Tú Linh |

Nghỉ hưu từ năm 2003, nhưng trời phú cho ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị luôn có sức khỏe dồi dào để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Nhiều năm nay ông luôn miệt mài, tâm huyết với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, nổi bật là vận động quyên góp xây dựng lăng bia cho liệt sĩ; góp phần chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sĩ; chia sẻ khó khăn đối với các gia đình có công cách mạng ở Quảng Trị và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước...

Gắn kết nghĩa tình quân dân

Nam Phương |

Gắn bó với địa bàn, cùng kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ với người dân nơi miền biên ải, những năm qua, bằng nhiều chương trình, mô hình hiệu quả, có ý nghĩa, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) La Lay, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã góp phần cùng người dân phát triển KT - XH; xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, thắt chặt tình đoàn kết quân dân.

Nghĩa tình đôi bờ Sê Pôn

Hiếu Giang |

Sau 10 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị (Việt Nam) với bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào), mối quan hệ gắn bó, tình hữu nghị đặc biệt giữa chính quyền và Nhân dân hai bên ngày càng được thắt chặt. 

Những mô hình ấm áp nghĩa tình trong mùa dịch

Diệu Thuần |

Những mô hình “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”, "Tủ lạnh cộng đồng"… đã góp phần lan tỏa nghĩa tình cao đẹp, giúp người dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch.